Ban Thường vụ Thị ủy ban hành Công văn số 1125-CV/TU, ngày 23/12/2022 chỉ đạo việc triển khai phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, trong đó có Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy; theo đó, ngày 05/01/2023, Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy đến 175/185 đồng chí cán bộ chủ chốt thị xã. Các cấp ủy trực thuộc Thị ủy, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 26 lớp/4.289 người tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy bằng nhiều hình thức phù hợp đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và tầng lớp Nhân dân.
Qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy, để đánh giá rõ nét hơn những kết quả đạt được qua 02 năm triển khai thực hiện, ngày 22/11/2024 vừa qua, Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức Hội nghị Thị ủy sơ kết 02 năm triển khai thực hiện; tại Hội nghị đã làm nổi bật lên những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và để ra 05 nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Kết quả qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy, cơ bản đã có 13/14 chỉ tiêu đạt, trong đó có 06 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra, nổi rõ:
Một là, phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch và nông nghiệp - nông thôn:
Về phát triển công nghiệp: Tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã, nhìn chung trong 02 năm qua được duy trì tăng trưởng ổn định. Các Cụm công nghiệp (Tân Bình 1, 2, 3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hiện nay, Cụm công nghiệp Tân Bình 1 chủ đầu tư đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, thi công các tuyến đường nội bộ số 01, 02, 04 (chưa thảm nhựa), đang triển khai xây dựng cổng chào, hàng rào, văn phòng làm việc. Các dự án như: Khu đóng, sửa tàu thuyền; lấn biển tạo khu dân cư - thương mại - dịch vụ mới La Gi; nạo vét luồng lạch sông Dinh và duy tu luồng cửa biển La Gi; hoàn thiện công trình kè bảo vệ bờ Sông Dinh đang được thị xã tập trung theo dõi, đôn đốc và kịp thời giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện.
Về dịch vụ - du lịch: Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thị xã La Gi có 40 dự án du lịch được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích 561,29 ha và tổng vốn đầu tư 3.629,07 tỷ đồng; trong đó: Có 13 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, 08 dự án đang triển khai và có tác động trên đất nhưng chậm tiến độ trên 05 năm, 19 dự án chưa triển khai xây dựng trên 05 năm. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm chỉ đạo trên nhiều mặt; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Công tác an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại các điểm du lịch cộng đồng (Cam Bình, Đồi Dương, Ngãnh Tam Tân) cơ bản đảm bảo, không có tình trạng nổi cộm về chèo kéo du khách. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng đầu cơ, thiếu hàng, sốt giá; hoạt động vận tải khách và vận tải hàng hóa thông suốt; dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển.
Về nông nghiệp, nông thôn: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, sản lượng lương thực tăng so với cùng kỳ. Công tác thủy lợi được quan tâm, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn; đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được tập trung chỉ đạo thực hiện, trên địa bàn thị xã có 03 sản phẩm OCOP được chứng nhận sản phẩm 3 sao cấp thị xã([1]); hiện nay có 06 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ xin xét chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2024([2]).
Về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Đã tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết quả đến nay đã giải ngân được 1.877.287.594 đồng/5.555.900.000 đồng, đạt 33,49%. Công tác tập trung vốn giải ngân được quan tâm chỉ đạo, đến nay đạt 9.183 triệu đồng/14.828 triệu đồng. Toàn thị xã đạt 67/76 tiêu chí nông thôn mới, đạt 47/76 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, ước đến cuối năm 2024 có 01/04 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Hai là, tạo việc làm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động:
Các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh, xã hội phù hợp với người lao động, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương: Đến nay đã cấp phát miễn phí bảo hiểm y tế cho 7.645 lượt người nghèo, người cận nghèo; hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho 1.277 lượt hộ nghèo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 13 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đào tạo nghề cho 984 lao động...
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách về giải quyết việc làm thông qua các buổi hội nghị, tổ chức họp dân và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm cho 150 lao động tham gia tư vấn giải quyết việc làm. Tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, nhắc nhở việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội cho 09 doanh nghiệp; kịp thời giải quyết 04 vụ khiếu nại của người lao động đối với người sử dụng lao động. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc điều tra cung lao động, kết quả: Điều tra, thu thập, cập nhật thông tin được 42.346 lao động; tổng số thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 60.420 triệu đồng/người/năm.
Quan tâm chỉ đạo thực hiện việc cho vay vốn giải quyết việc làm, cụ thể: Trong năm 2023: Cấp bổ sung nguồn vốn được 03 tỷ đồng; năm 2024: Cấp bổ sung nguồn vốn được 05 tỷ đồng. Kết quả có 1.987 người được vay vốn giải quyết việc làm([3]). Các thông tin về quy hoạch, xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được chỉ đạo công khai đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách tín dụng, đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư dự án ngoài ngân sách theo các quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các dự án sớm triển khai thực hiện.
Ba là, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công để phục vụ tốt nhu cầu của người dân:
Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính đặc biệt là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của Trung ương, Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo chủ đề năm 2024 của UBND tỉnh về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.
Triển khai các giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, đảm bảo tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính cấp thị, cấp xã giải quyết đúng và sớm hẹ từ 98% trở lên; thường xuyên chỉ đạo kiểm tra trực tiếp tại Bộ phận Một cửa, kịp thời chỉ đạo giải quyết khắc phục các trường hợp chậm trễ; kết quả tính đến ngày 15/11/2024, kết quả giải quyết TTHC của thị xã và các phường, xã trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC vẫn chưa đạt theo chỉ tiêu tỉnh giao, cụ thể: Thị xã có 16.298 hồ sơ giải quyết đúng hạn/17.420 hồ sơ đã giải quyết xong (đạt tỷ lệ 93,36%); cấp xã có 37.438 hồ sơ đúng hạn/38.541 hồ sơ đã giải quyết xong (đạt tỷ lệ 97,14%). Hồ sơ trễ hẹn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao tần suất sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử([4]).
Tiếp tục triển khai đồng bộ mô hình “Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến” tại Bộ phận Một cửa thị xã và 09/09 phường, xã; đồng thời triển khai niêm yết các dịch vụ công trực tuyến có gắn mã “QR code” tại Bộ phận Một cửa thị xã, các phường, xã để người dân dễ dàng tra cứu, quét mã nộp hồ sơ trực tuyến. Thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số thị xã do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã là Trưởng ban Chỉ đạo thị xã; thành lập 65 tổ công nghệ số cộng đồng ở 65 thôn, khu phố; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở thực hiện theo chỉ đạo cấp trên chủ động thành lập các tổ hướng dẫn tại cơ sở, nhất là Đoàn Thanh niên phường, xã đã thành lập các tổ hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công theo 02 mức độ: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thay thế dịch vụ công trực tuyến mức độ 4), dịch vụ công trực tuyến một phần (thay thế dịch vụ công trực tuyến mức độ 3), nhằm tuyên truyền, hỗ trợ cho Nhân dân làm quen với chuyển đổi số và hướng đến công dân số. Đồng thời, đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền số cấp xã ở UBND phường Phước Hội và xã Tân Hải; đến nay các hoạt động chính quyền số thực hiện có hiệu quả.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính; Công văn số 1291-CV/TU, ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Thị ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính. Kết quả, đã tiến hành kiểm tra đột xuất 09 cơ quan, đơn vị; qua kiểm tra các cơ quan, đơn vị chấp hành tốt giờ giấc làm việc; kịp thời ban hành văn bản để chấn chỉnh một số tồn tại trong thực thi nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Bốn là, nâng cao chất lượng sức khỏe cho Nhân dân và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội:
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh được quan tâm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Chú trọng triển khai các thủ tục theo quy định để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế trên địa bàn thị xã. Tiếp tục chỉ đạo phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2025, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Thực hiện tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi tiêm đủ 8 loại vắc xin đạt 97,9%. Chỉ đạo quyết liệt công tác tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình, kết quả có 98,955 người tham gia, đạt 90,68% tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (đạt 98,81% so với chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 88/QĐ-UBND, ngày 17/01/2024), ước đến cuối năm 2024 có 100.144 người tham gia, đạt 91,44% tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (đạt 100% so với chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 88/QĐ-UBND, ngày 17/01/2024). Chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; kết quả đến nay có 7.605 người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 93,03% kế hoạch), trong đó: Có 6.778 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (đạt 97,89%) và 827 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (đạt 66,11%). Bảo hiểm thất nghiệp đạt 97,87%.
Năm là, nâng cao đời sống văn hóa và đáp ứng tốt nhu cầu luyện tập thể dục - thể thao của Nhân dân:
Việc xây dựng môi trường văn hóa, việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, với phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, nhiều Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được xây mới hoặc sửa chữa với sự đóng góp tích cực về kinh phí và ngày công của toàn thể nhân dân trên địa bàn([5]). Thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là các phong trào văn hóa, văn nghệ, các giải thể thao thế mạnh, truyền thống của thị xã; duy trì chương trình “Âm nhạc đường phố” tại công viên Nguyễn Huệ.
Thị xã đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Đẩy mạnh việc trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Dốc Ông Bằng phục vụ giáo dục truyền thống; bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian như các lễ hội truyền thống nhằm gắn kết bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn thị xã La Gi có 06 di tích được xếp hạng công nhận, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Di tích Lịch sử - Văn hóa Dinh Thầy Thím; Đình và Vạn Phước Lộc), 04 di tích cấp tỉnh (Di tích Lịch sử - Cách mạng Dốc Ông Bằng, Thắng tích Hòn Bà, Di tích lịch sử - văn hóa Vạn Tân Phú, Di tích lịch sử - văn hóa Vạn Tân Long); có 01 loại hình lễ hội, đó là loại hình Lễ hội truyền thống (lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân được tổ chức 01 năm/lần, tiêu biểu là: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím (từ ngày 14 - 16/9 AL), Lễ hội Hòn Bà (từ 21 - 23/3 AL), Lễ hội Cầu ngư Đình và Vạn Phước Lộc (ngày 15/6 AL), Lễ hội Cầu ngư Vạn Tân Long (ngày 16/3 và 28/8 AL) và Lễ hội Cầu ngư Vạn Tân Phú (ngày 16/3 và 15/8 AL)… Riêng Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL, ngày 12/01/2022 và hàng năm vào dịp tổ chức lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, giáo dục truyền thống và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Sáu là, xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân:
Công tác bảo vệ môi trường cũng được Ban Thường vụ Thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 05/6/2023 về phát động Cuộc vận động “Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường” (viết tắt là Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Thị ủy); Hội đồng nhân dân thị xã đã đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Thị ủy vào nghị quyết giám sát và khảo sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong năm 2024, Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU, qua 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Thị ủy, đã đạt những kết quả quan trọng và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động trong Nhân dân thị xã La Gi.
Công tác quản lý quy hoạch được thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục rà soát, thực hiện điều chỉnh, lập mới các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn thị xã. Thực hiện tốt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu xây dựng môi trường sống “xanh, sạch, đẹp”; tính đến tháng 11/2024, toàn thị xã đã trồng 251.440 cây xanh (228.893 cây xanh sinh trưởng tốt, đạt tỷ lệ cây sinh trưởng tốt 91%). Công tác quản lý về trật tự xây dựng, trật tự đô thị được quan tâm chỉ đạo. Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, hẻm nội thị theo kế hoạch.
Tiếp tục quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nghĩa trang thị xã tại xã Tân Bình; đồng thời thực hiện tốt việc xử lý rác thải ở nhà máy xử lý rác Khu liên hợp xử lý rác thải (của Công ty cổ phần Môi trường Xanh PEDACO) tại thôn Tân Lý 1, xã Tân Bình.
Công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ được tăng cường và đảm bảo, không để xảy ra “điểm nóng”, “đột xuất”, “bất ngờ”; tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch chuyên đề, chủ động đấu tranh trấn áp tội phạm và phòng, chống các tệ nạn xã hội. Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã cơ bản bảo đảm.
Bảy là, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển nhà ở: Diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thị xã là 25m2/người. Thị xã hiện đang tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư 05 dự án nhà ở xã hội với diện tích 23,3 ha cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và nhà ở xã hội([6]).
Nhìn chung, qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc, có nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao đời sống Nhân dân; đồng thời, đưa Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương và nguyện vọng của Nhân dân; nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Các cơ quan đã tích cực tham mưu, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; gắn với thường xuyên rà soát quy hoạch quản lý đô thị cùng với triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; qua đó bộ mặt của thị xã ngày càng khang trang hơn, xu thế phát triển đô thị thương mại - dịch vụ du lịch của thị xã ngày càng rõ nét, từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội trong thụ hưởng các phúc lợi xã hội và các dịch vụ công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì đâu đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc nhất định:
Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nội dung liên quan đến việc thực hiện và Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy tuy được quan tâm triển khai thực hiện nhưng có lúc, có thời điểm chưa được thường xuyên, sâu kỹ và kết quả đạt được chưa đáp ứng kịp thời trong tình hình mới.
Hai là, tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã còn chậm; đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tuy có chuyển biến nhưng chưa đảm bảo yêu cầu.
Ba là, chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt thấp.
Những hạn chế, vướng mắc nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do:
Nhận thức trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện của một số cơ quan, đơn vị, phường, xã chưa được quan tâm đúng mức, chưa sát với yêu cầu thực tế và theo nhiệm vụ được giao. Trong 02 năm (2023 - 2024) khó khăn trong các dự án đầu tư ngoài ngân sách, còn vướng chưa được tỉnh tháo gỡ để dự án triển khai; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm do còn vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ. Nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội thị xã; nguồn ngân sách ít, huy động các nguồn lực khó khăn nên chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, có việc làm, nâng cao thu nhập. Quy mô kinh tế thị xã nhỏ, hạ tầng kết nối chậm đầu tư đồng bộ liên kết vùng, ảnh hưởng hồi phục kinh tế thị xã sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đời sống của người dân.
Chất lượng dịch vụ hành chính công phục vụ nhu cầu người dân có mặt chưa tốt. Tình hình kinh tế khó khăn nên một số doanh nghiệp, cá nhân không tham gia hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phần nào cũng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên; các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy và các kế hoạch, chương trình hành động của Thị ủy (khóa XI) về triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và các kết luận của Tỉnh ủy, Thị ủy về sơ kết 02 năm, 03 năm các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XIV) với quyết tâm, nỗ lực, quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy nội lực, đổi mới, sáng tạo, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn thị xã; trong đó trọng tâm là thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, Chủ động rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 122-KH/TU của Thị ủy nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt, khó khăn trong thực hiện 02 năm qua, tổ chức thực hiện đảm bảo đạt các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Thị ủy về phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch và nông nghiệp - nông thôn, để:
- Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, phát triển nhanh các ngành thương mại - dịch vụ - du lịch gắn kết phát triển đô thị biển; trong đó phát triển thương mại dịch vụ và các loại hình dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ mới.
- Triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.
- Tạo điều kiện các thành phần kinh tế phát triển để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình trong các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ du lịch và phát triển nông nghiệp nông thôn. Qua đó để tạo việc làm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
- Tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ phát triển, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm đối với người lao động.
- Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao điều kiện làm việc và chất lượng đời sống cho người lao động.
Hai là, Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước để phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ và chất lượng phục vụ Nhân dân, giải quyết công việc cho người dân nhanh gọn, không còn hồ sơ trễ hẹn; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
Ba là, Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và thực hiện tốt các chính sách an ninh xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc khám và điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chất lượng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội, đảm bảo cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời các dịch vụ y tế. Tăng cường vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế; mở rộng toàn diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội cho toàn dân.
Bốn là, Nâng cao đời sống văn hóa và đáp ứng tốt nhu cầu luyện tập thể dục - thể thao của Nhân dân. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống các cơ sở thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe của Nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Năm là, Xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhất là các vùng nông thôn, khu đông dân cư, ven sông, ven biển. Tiếp tục chỉnh trang đô thị, các khu dân cư, chống ngập; bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân. Thực hiện tốt việc thu gom và vận chuyển rác thải; vận động người dân tự giác dọn vệ sinh nơi ở và bỏ rác đúng quy định.
([1]) 03 sản phẩm bao gồm: Cá cơm khô, sản phẩm nước mắm cá cơm nguyên chất La Gi của Công ty TNHH Hải Sản Kim Châu; sản phẩm nước mắm Như Ý của hộ kinh doanh nước mắm Như Ý.
([2]) 06 sản phẩm bao gồm: Măng tre tứ quý, nước mắm Tâm Ý, nước mắm cá cơm 320 đạm, xoài cát Hòa Lộc, mực đông lạnh, cá ve hấp.
([3]) Năm 2023: Có 1.291 người được vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, đạt 645,5% chỉ tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân thị xã (200 người); 09 tháng năm 2024: Có 696 người, đạt 348% chỉ tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân thị xã (200 người) và ước thực hiện năm 2024 có 839 người được vay vốn, đạt 419,5% chỉ tiêu giao.
([4]) Tính đến ngày 15/11/2024, thị xã đã tiếp nhận giải quyết 3.181 hồ sơ trực tuyến toàn trình/6.107 tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 52,09% (chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng, đất đai, thành lập và hoạt động doanh nghiệp, hộ tịch). Cấp xã có 17.434 hồ sơ trực tuyến toàn trình/32.880 tổng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 53,02%.
Về thanh toán trực tuyến: Thị sã có 64 thủ tục triển khai thanh toán trực tuyến, đã thực hiện 1.666 hồ sơ thanh toán trực tuyến (tỷ lệ 47,56%). Triển khai số hóa hồ sơ: Thị xã đã số hóa kết quả giải quyết TTHC 16.206/17/634 hồ sơ (đạt tỷ lệ 91,9%); cấp xã đã số hóa 33.717/36.487 hồ sơ (đạt tỷ lệ 92,4%).
([5]) Hiện nay, toàn thị xã đã có 01 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã; 04 Trung tâm Văn hóa - Khu thể thao xã; 64 nhà văn hóa thuộc 62/65 thôn - khu phố; có 02/05 phường đã thực hiện quy hoạch Trung tâm Văn hóa - Khu thể thao phường; 01 cơ sở phát thanh thị xã; 01 Thư viện thị xã và 09 tủ sách cộng đồng ở các xã, phường; 09/09 phường, xã có trạm truyền thanh với 109 cụm/210 loa phát thanh trên địa bàn toàn thị xã; 07 điểm bưu điện văn hóa cấp xã, 01 bưu điện cấp thị xã, 01 xe tuyên truyền lưu động; 02 trang thông tin điện tử thị xã và các trang mạng xã hội chính thống của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thị xã, thực hiện tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội địa phương và đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khỏe cho toàn thể nhân dân trên địa bàn thị xã.
([6]) Nhà ở xã hội tại Dự án lấn biển tạo khu Dân cư - Thương mại - Dịch vụ mới La Gi quy mô 8,68 ha; Nhà ở xã hội tại Dự án khu đô thị mới Đông Tân Thiện quy mô 3,8 ha; Nhà ở xã hội tại Dự án khu đô thị mới Tây Tân Thiện quy mô 3,4 ha; Nhà ở xã hội tại phường Phước Hội (vị trí 1) quy mô 5,54 ha; Nhà ở xã hội tại phường Tân An quy mô 1,97 ha.