Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, kéo theo sự ra đời của hàng loạt ứng dụng mạng xã hội giúp cho mọi người dễ dàng kết nối, tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi và sử dụng thông tin. Và trong hàng triệu thông tin được sinh ra mỗi giờ trên không gian mạng, có những thông tin không chính thống, những thông tin bịa đặt, xuyên tạc đã ảnh hưởng đến nhận thức của người dùng tin, nhất là giới trẻ. Trước tình hình đó, mỗi đảng viên, nhất là đảng viên trẻ cần phải tỉnh táo nhận diện thông tin để phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ chân lý, bảo vệ Đảng, chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị.
Nhận diện những thông tin xấu, độc trên không gian mạng
Chống phá, xuyên tạc, bịa đặt ở thời nào cũng có, song trong thời đại công nghệ số hiện nay, những thông tin đó lại nhanh chóng để người dùng tin tiếp cận, lầm tưởng, hoài nghi và hoang mang. Vậy nên, để bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng đúng đắn, trước hết chúng ta cần có kỹ năng nhận diện đâu là những thông tin xấu độc.
Thông tin xấu, độc là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc thông tin có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng, nhằm phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch.
Về hình thức, thông tin xấu độc thường được đăng tải dưới dạng bản tin ngắn, bài viết dài kèm hình ảnh, video clip hình ảnh thực hoặc được sáng tác với tiêu đề gây sốc, giật gân, thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Tin, bài thường có định dạng phông chữ lạ, tiêu đề, nội dung và hình ảnh minh họa không có sự thống nhất với nhau; thời gian xảy ra sự kiện và thời gian đăng không trùng khớp; sử dụng tên trang mạng xã hội giả mạo tên cơ quan, tổ chức uy tín hay tên của những vị lãnh đạo cấp cao…
Về nội dung, thông tin xấu, độc thường phản ánh các nội dung sau:
Thứ nhất, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là phản đối nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng.
Thứ hai, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện chế độ tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự.
Thứ ba, phủ nhận, hạ thấp những thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, xúc phạm, bịa đặt, bôi nhọ vĩ nhân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng hòng chia rẻ nội bộ, gây hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Thứ năm, xuyên tạc đường lối an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân; chia rẽ Công an với Quân đội; chia rẽ Nhân dân với Công an và Quân đội.
Thứ sáu, kích động tư tưởng bất mãn, chống đối trong nội bộ; cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
Thứ bảy, thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Thứ tám, các bài viết có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan; gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo và giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
Thứ chín, các hình ảnh, hoạt động vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, vi phạm pháp luật; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng.
Thực trạng sử dụng không gian mạng của đảng viên trẻ hiện nay
Có thể thấy rằng, trong những năm qua các thế lực thù địch đã quyết liệt thực hiện “chiến lược diễn biến hòa bình”; mà “mũi đột phá” của chúng chính là tấn công trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Chúng không ngừng thực hiện các biện pháp, thủ đoạn tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, chống phá, tung những thông tin thất thiệt, mị dân, lừa bịp, thật giả lẫn lộn nhầm làm cho một bộ phận người dùng mạng xã hội có cái nhìn lệch chuẩn, mất phương hướng, lầm tưởng rằng đó là sự thật, dẫn đến hoài nghi, mai một niềm tin với Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”.
Hiện nay, hầu hết đảng viên đều có sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên tập trung chia sẻ những thông tin chính thống, tích cực, tuyên truyền những giá trị đẹp cả Đảng và Nhà nước, thì cũng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ trở nên thờ ơ với những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, đứng trước những thông tin xấu, độc với thái độ dửng dung, vô cảm. Thậm chí có cán bộ đảng viên thiếu tỉnh táo, tiếp nhận các thông tin xấu độc mà vội tin, hoài nghi về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, dần dà suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tổn hại danh dự, uy tín của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Mỗi đảng viên trẻ hãy là một chiến sĩ tiên phong trên không gian mạng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành”. Đảng viên là người có giác ngộ lý tưởng, là người hiểu rõ nhất hành trình gian khổ của Đảng ta từ những ngày đầu thành lập đến lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xây dựng đất nước trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức để có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vậy nên, đã là cán bộ, đảng viên thì thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, phản bác; phải xung kích, tích cực, lên tiếng bảo vệ cái đúng, bảo vệ chân lý, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng.
Mỗi cán bộ, đảng viên trẻ phải là những chiến sĩ trên mặt trận không gian mạng như lời đồng chí Võ Văn Thưởng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nói “Nếu mối cán bộ, Đảng viên dùng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn. Chúng ta cứ ngồi than thở là thông tin trên mạng xã hội xấu, độc, cái đó đúng, nhưng cũng phản ánh thực trạng là toàn đi tìm thông tin xấu, độc để đọc bởi facebook, youtube có thuật toán cung cấp thông tin theo gợi ý thói quen tìm kiếm thông tin của người sử dụng”.
“Phủ xanh” không gian mạng là nhiệm vụ của mọi người Việt Nam yêu nước nói chung và của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. Những đảng viên trẻ chúng ta, thay vì sử dụng mạng xã hội như một thói quen giải trí, hãy biến mình thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này để mỗi người dân không phải bị “đầu độc” bởi những thông tin xấu, độc mỗi ngày. Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV sắp diễn ra, yêu cầu này lại càng trở nên cấp thiết.