Tại xã Tân Phước – thị xã La Gi, hộ anh Phạm Thân được chọn thực hiện mô hình, với quy mô 1.000 con vịt một ngày tuổi. Gia đình được hỗ trợ thức ăn, thuốc sát trùng chuồng trại, thuốc kháng sinh, vắc-xin. Ngoài ra, còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt biển theo hướng an toàn, cách phòng trị bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học, hướng dẫn ghi chép sổ sách theo dõi đàn vịt từ lúc nuôi cho đến lúc xuất bán. Qua hơn một tháng nuôi, cho thấy vịt biển kháng bệnh cao, thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Tỷ lệ nuôi sống đạt đến 95%. Vịt ăn khỏe, nuôi hơn 1 tháng đạt trọng lượng 2,5kg/con. So với vịt siêu thịt và giống vịt truyền thống mà gia đình anh Thân nuôi trước kia thì chất lượng thịt ngon hơn, da mỏng, ít mỡ và đặc biệt khi chế biến thức ăn không bị hôi mùi lông vịt. Qua thực tế cho thấy, mặc dù đây là giống vịt biển nhưng sống tốt trong điều kiện nước lợ. Mô hình triển khai vùng thường ngập mặn hay nông dân thường hay gọi là nước chà hại ở xã Tân Phước, nhưng vịt vẫn phát triển tốt, vịt chịu được độ mặn cao.
Loài vịt biển này rất thích nghi ở các vùng ven biển quanh năm có nước mặn và lợ. Bước đầu thử nghiệm, giới thiệu thế nhưng người tiêu dùng vịt thương phẩm rất ưng ý vì chất lượng thịt ngon, ít mỡ.
Qua thực hiện mô hình nuôi vịt biển ở xã Tân Phước-thị xã La Gi bước đầu cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, vịt thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng vùng ven biển thị xã La Gi. Chăn nuôi vịt biển đã cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dung bởi được nuôi theo hướng an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, đây là mô hình rất thiết thực, cần nhân rộng nhằm phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, góp phần đa dạng hóa cơ cấu con nuôi ở địa phương, nhân rộng quy mô nuôi vịt biển trên địa bàn thị xã và hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn con giống, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi tại địa phương./.