Thị xã La Gi là vùng đất cực nam Trung bộ, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đây là một trong những vị trí xung yếu của vùng chiến lược quân sự giữa 2 khu vực miền Đông Nam bộ và các tỉnh khu V, là cửa ngõ của Sài Gòn, là trung tâm tỉnh Bình Tuy – nơi tập trung bộ máy đầu não của chính quyền Mỹ ngụy, chính vì thế chúng xây dựng mạng lưới tay sai đắc lực và phản động, từ tỉnh đến quận, xã, ấp. Trong quá trình thực hiện các chiến lược chống phá cách mạng chúng đều đặt Bình Tuy nói chung và La Gi nói riêng là nơi thực hiện thí điểm, vì vậy, quân và dân La Gi luôn phải đối mặt với sự khủng bố, đánh phá quyết liệt của địch. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân thị xã La Gi phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống “tự lực tự cường chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” đã cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước không ngừng đấu tranh, đánh bại âm mưu của địch, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương.
Sau Hiệp định Pari 1973, thực hiện đường lối chiến lược của Đảng và nhiệm vụ của Tỉnh uỷ Bình Tuy đã xác định, quân và dân thị xã La Gi không ngừng củng cố thực lực cách mạng, tăng cường mở rộng hoạt động vũ trang, đẩy mạnh các phong trào quần chúng đấu tranh chính trị khiến địch lâm vào thế co cụm, bị động, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh và cả nước, tạo thế và lực mới, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975.
Hoà vào khí thế tiến công của quân và dân cả nước, trong những ngày tháng tư 1975 của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với phương châm: xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương, quân và dân La Gi được sự phối hợp hỗ trợ lực lượng của tỉnh, Trung ương với ý chí và quyết tâm cao nhất vùng lên giải phóng hoàn toàn quê hương thống nhất đất nước. Ngày 17 và ngày 18/4/1975 bộ đội địa phương cùng các đội công tác vũ trang đã giải phóng một vùng khá rộng từ cây số 26 đến 63 nối liền Phan Thiết – La Gi. Ngày 19/4 Phan Thiết được giải phóng đã tạo thêm thế và lực mới cho cuộc tiến công và nổi dậy ở Bình Tuy. Ngày 21/4/1975 bộ đội địa phương đánh chiếm ấp Đông Hà và đánh địch ở cầu Láng Gòn. Sáng ngày 22/4/1975 ta áp sát sân bay Phước Thành, pháo kích phá huỷ 1 máy bay và đánh địch tại sân bay, tạo bàn đạp để bộ đội chủ lực tiến công vào giải phóng tỉnh lỵ Bình Tuy. Cùng thời gian này, bộ đội địa phương cùng các đội công tác, bám sát các ấp từ Hiệp Nghĩa đến Hiệp An (Bàu Dòi) vận động nhân dân chuẩn bị nổi dậy giải phóng địa phương. Trưa 22/4/1975 địch cho máy bay ném bom đồi 406 (đồi Đức Mẹ - Tà Cú) và rút chạy về chi khu. Chiều 22/4/1975 thông tin liên lạc từ chi khu về tiểu khu Bình tuy bị mất, địch cuống cuồng hỗn loạn. Đêm 22/4/1975 tại sở chỉ huy chùa Bửu Hùng (Tân Thuận) lực lượng ta gồm đơn vị 460, Đội vũ trang công tác Tân Thuận và cán bộ cơ quan địa phương tổ chức cuộc tấn công và nổi dậy chiếm quận lỵ và chi khu Hàm Tân (nay là xã Tân Hải), đồng thời kêu gọi nhân dân cùng lực lượng nổi dậy giải phóng xã, ấp mình.
Cùng thời điểm này, hướng từ quốc lộ IA và Tỉnh lộ 2 (nay là quốc lộ 55) từ ngả ba 46 về La Gi, cánh quân chủ lực của ta gồm Trung đoàn 812, Đại đội xe tăng T.55, Đại đội pháo Duyên Hải (Quân đoàn 2) phối hợp cùng bộ đội địa phương... khống chế các cứ điểm Láng Gòn, sân bay rồi tiến đánh Tiểu khu Bình Tuy và Tòa hành chính tỉnh, đồng thời chia ra một mũi chọc thẳng xuống thị trấn La Gi, tiếp tục truy đuổi lực lượng ngụy quân đang bị tan rã. Rạng sáng ngày 23/4/1975, ta làm chủ hoàn toàn các cơ quan đầu não của ngụy quyền và chính thức giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Tuy. Đây là tỉnh cuối cùng của Quân khu 6 và là tỉnh thứ 21 được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuộc tiến công và nổi dậy ở thị xã La Gi đã thể hiện được sự nhạy bén, chớp lấy thời cơ của quân và dân ta, đồng thời thể hiện kết hợp chặt chẽ 3 mũi tiến công tại chỗ, thực hiện tiến công kết hợp với nổi dậy, nổi dậy để tiến công. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhân dân thị xã La Gi nói riêng và cả nước nói chung, chúng ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh nhất trong thế kỷ 20, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 115 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta.
Phát huy truyền thống anh dũng, ý chí tự lực tự cường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân thị xã bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến xoá đói nghèo, lạc hậu, bảo vệ thành quả cách mạng bằng tất cả ý chí và nghị lực mới. 44 năm đã trôi qua, nhớ lại những ngày đầu chiến tranh kết thúc, Đảng bộ và nhân dân đã tập trung công sức, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đến nay, tiếp tục hưởng ứng và thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, các cấp các ngành, các tầng lớp nhân dân trong thị xã đã khắc phục khó khăn phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, xây dựng thị xã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc.
Về phát triến kinh tế, so với những năm đầu mới giải phóng, từ một địa phương sản xuất tự cấp tự túc, phương thức sản xuất lạc hậu, hiệu quả và năng suất thấp; đến nay Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thị xã La Gi đã phấn đấu không ngừng đưa nền kinh tế ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc. Qua 14 năm kể từ khi thành lập, thị xã La Gi đã không ngừng được đầu tư phát triển và trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Bình Thuận (sau thành phố Phan Thiết), từng bước phát triển về mọi mặt, trở thành đô thị hạt nhân vùng Nam Bình Thuận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã liên tục đạt mức cao, bình quân đạt 8,12 %/năm. Cơ cấu kinh tế của thị xã từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lĩnh vực thương mại - dịch vụ đến nay chiếm 52,9%; công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 21,7%... Cảng La Gi là một trong những cảng cá lớn của tỉnh Bình Thuận và khu vực với sản lượng hải sản các loại khai thác đạt 61.800 tấn/năm, số lượng tàu cá có khoảng trên 1.910 tàu. Dịch vụ du lịch đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thị xã (chiếm 50% trong cơ cấu kinh tế). Trên địa bàn thị xã có nhiều bãi biển sạch, đẹp và nhiều di tích nổi tiếng như Dốc Ông Bằng, Hòn Bà, đập đá Dựng... thu hút 800.000 lượt du khách mỗi năm. Đến nay, thị xã đã thu hút 95 dự án dự án đầu tư ở một số lĩnh vực du lịch và công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 5.300 tỷ đồng. Trên địa bàn thị xã, hệ thống y tế cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện. Hầu hết các trường trên địa bàn thị xã được xây dựng với quy mô lớn, đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Hệ thống chính trị được thường xuyên củng cố, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước, Dân chủ XHCN được đảm bảo và ngày càng mở rộng, phát huy.
Đạt được kết quả đó trong quá trình lãnh đạo Đảng bộ thị xã đã vận dụng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, cụ thể hóa thành các Nghị quyết chuyên đề có tính khả thi cao. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ động viên cán bộ Đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của thị xã kết hợp với tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các sở, ban ngành tỉnh tạo tiền đề vững chắc để xây dựng đô thị La Gi ngày càng giàu đẹp, văn minh trong tương lai.