Thị ủy: Kết quả 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

           Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thị ủy (khóa XI) đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 13/6/2022 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU; Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 21/4/2022 để tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XIV), trong đó có Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy; các cấp, các ngành cũng đã ban hành các kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, đã tổ chức kết nối Hội nghị trực tuyến do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức để học tập, quán triệt Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy (khóa XIV); tổ chức 23 lớp/7.008 người([1]) tham gia học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 82 của Thị ủy; thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số thị xã; thành lập 65 tổ công nghệ số cộng đồng ở 65 thôn, khu phố; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở đã chủ động thành lập các tổ hướng dẫn tại cơ sở, nhất là Đoàn Thanh niên phường, xã đã thành lập các tổ hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công theo mức độ 3, 4..., nhằm tuyên truyền, hỗ trợ cho Nhân dân làm quen với chuyển đổi số và hướng đến công dân số.

Đến nay, kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, nổi rõ:

Một là, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số:

Được các cấp ủy tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số; các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền như: Đăng tải nhiều tin, bài trên các trang thông tin điện tử của thị xã, hệ thống fanpage, youtube và Đài Truyền thanh - Truyền hình, hệ thống phát thanh không dây tại các phường, xã; hàng tháng xây dựng một chuyên mục về chuyển đổi số. Phát thanh 105 tin, bài, phóng sự (tổng thời lượng hơn 900 phút) lồng ghép trong các chương trình phát thanh hằng ngày về kết quả thực hiện Đề án 06; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, thẻ căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID…, trên hạ tầng mạng xã hội của các cơ quan thông tin, tuyên truyền thị xã theo dõi, quản lý, cung cấp thông tin kịp thời về những hoạt động chỉ đạo, triển khai của thị xã về chuyển đổi số và kết quả ứng dụng chuyển đổi số.

Hai là, việc đầu tư phát triển hạ tầng số:

Hiện nay, hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động 2G, 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% phường/xã với tốc độ truy cập trung bình 80Mb/s; tổng số vị trí trạm BTS đã được lắp đặt trên toàn địa bàn thị xã với vùng phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt khoảng 98% dân số trên toàn thị xã; hệ thống Wifi miễn phí đã triển khai tại Công viên Nguyễn Huệ, Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi; hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã và hỗ trợ đồng thời IPv4/IPv6.

Hạ tầng, thiết bị CNTT phục vụ công tác chuyển đổi số đã được đầu tư cho các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các phường, xã; tiếp tục hoàn thiện và khai thác sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn, phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với cải cách hành chính; đề xuất, triển khai các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số theo hướng thiết thực, hiệu quả được các cơ quan tập trung thực hiện; 100% cán bộ, công chức, viên chức từ thị xã đến các phường, xã được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn; thiết bị mạng được duy trì hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư đến 9 phường, xã; thực hiện mua sắm trang thiết bị CNTT thuộc Đề án 06, Đề án Nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại.

Ba là, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp:

Chú trọng, thực hiện tốt các ứng dụng của tỉnh triển khai nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng, chính xác, không bản giấy, giảm chi phí; góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số xếp hạng của tỉnh như: DTI, PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS...

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nâng cao tần suất sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và dịch vụ Bưu chính công ích trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp([2]); nhất là, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền số cấp xã ở UBND phường Phước Hội và xã Tân Hải.

Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả, một số hệ thống thông tin, nền tảng số chủ yếu: Đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS chính thức cho các cơ sở y tế trên địa bàn thị xã (Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, Trung tâm y tế thị xã, 02 phòng khám đa khoa và 8 trạm y tế phường, xã) và đã được kết nối liên thông với cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng giám định Bảo hiểm y tế giúp các cơ sở lưu trữ dữ liệu một cách hiệu quả, quản lý thông tin chính xác, tạo thuận tiện khi tra cứu góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân khi đến cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời đảm bảo công tác cập nhật, thống kê báo cáo chuyên môn của ngành y tế([3]); hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục (VN-edu) đã triển khai sử dụng cho tất cả các trường học trên địa bàn thị xã, cổng thông tin điện tử, cung cấp sổ liên lạc điện tử đến từng học sinh, hệ thống phần mềm hỗ trợ học trực tuyến, tuyển sinh đầu cấp, hồ sơ giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt…, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức làm việc của các ngành, các cấp.

Bốn là, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:

Triển khai dịch vụ chữ ký số, hoá đơn điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã. Hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục phát triển, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, tạo thuận tiện cho khách hàng trong giao dịch góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, như: Dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking), thanh toán QR code, ví điện tử, thanh toán thẻ qua POS... Đẩy mạnh triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã.

Các doanh nghiệp Viettel, VNPT và Mobifone đã triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng (đã có hơn 171.000 thuê bao viễn thông đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money trên địa bàn toàn tỉnh).

Năm là, phát triển xã hội số, nâng cao đời sống của người dân:

Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 67,23% (70.502/104.868); đến thời điểm hiện tại, đã tổ chức thu nhận 79.145 hồ sơ tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên 104.801 trường hợp đã được cấp căn cước công dân.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tỷ lệ 79,8% (theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến cuối năm 2023).

Hoàn thành tỷ lệ 100% khu phố, thôn có Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với 65 Tổ CNSCĐ trên 65 khu phố, thôn/195 thành viên. Các Tổ CNSCĐ đã được tập huấn bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (nền tảng đào tạo trực tuyến Onetouch do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển) và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thị xã nộp hồ sơ trực tuyến.

Sáu là, công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng:

Công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được quan tâm. Việc cập nhật các kiến thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin đã được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện thường xuyên; các cơ quan, đơn vị đã ban hành quy định, quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh triển khai chữ ký số, chứng thực số trong các giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Triển khai giải pháp an toàn dữ liệu và phòng, chống virus mạng máy tính của các cơ quan, đơn vị... Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan Ủy ban nhân dân thị xã, Ủy ban nhân dân 09 phường, xã đã được trang bị hòm thư điện tử công vụ; 100% cán bộ, công chức, viên chức thị xã, 80% cán bộ, công chức cấp xã biết sử dụng hòm thư công vụ; 100% các máy tính được cài đặt phần mềm diệt virus (trừ máy tính soạn thảo văn bản mật và làm công tác kế toán).

Bảy là, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực:

Thị xã đã cử 03 đồng chí lãnh đạo chủ chốt thị xã tham gia lớp Bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số do tỉnh tổ chức. Tổ chức 04 lớp tập huấn công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức các phòng, ban và UBND các phường, xã; tổ chức tuyên truyền cải cách hành chính, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đăng nhập Cổng dịch vụ công bằng tài khoản định danh điện tử VNeID đến đội ngũ giáo viên, viên chức các cơ sở giáo dục với 03 lớp hơn 800 người tham dự.

Nhìn chung, với những kết quả đạt được như trên, đó cũng là nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đáng lưu ý:

Một là, công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức để tạo thói quen sử dụng dịch vụ số còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến về chuyển đổi số còn thấp, nhất là vùng nông thôn, ven biển.

Hai là, nền tảng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tạo kênh tương tác giữa chính quyền với người dân phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để kết nối tích hợp và khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu các cơ quan hành chính còn chậm, chưa đưa vào sử dụng.

Ba là, các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Bốn là, hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng chưa tích cực, có mặt chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhận thức trong chỉ đạo, điều hành của một số cơ quan, đơn vị, phường, xã, cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, đúng yêu cầu. Việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số có lúc chưa sát với yêu cầu thực tế và theo nhiệm vụ được giao. Một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai, thực hiện các nội dung theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ xây dựng Chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công còn hạn chế, chậm thay đổi thói quen đến trực tiếp các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính; còn e ngại mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do đó hiệu quả dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức mới đáp ứng ở mức cơ bản nên việc tham mưu, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập. Kinh phí dành cho đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, công tác chuyển đổi số chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 82-KH/TU của Thị ủy và các văn bản liên quan với quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức, hành động quyết liệt hơn nữa; phát huy nội lực, đổi mới, sáng tạo, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đạt hiệu quả tốt nhất. Với tinh thần đó, chú ý nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số; chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch 82-KH/TU của Thị ủy thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy (khóa XIV) và Công văn số 1811-CV/TU, ngày 21/3/2024 của Ban Thường vụ Thị ủy về việc triển khai thực hiện Kết luận số 987-KL/TU; trong đó chú trọng việc xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh thị xã La Gi theo chỉ đạo của tỉnh.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị theo Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 1291-CV/TU, ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Thị ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa thị xã và bộ phận một cửa các phường, xã; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công trực tuyến (trừ phạm vi bí mật nhà nước) mức độ 4 và giải quyết các hồ sơ công việc đạt mục tiêu đề ra. Thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy.

Ba là, đẩy mạnh phối hợp triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý trên các các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Bốn là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Chỉ đạo triển khai xây dựng dự toán, cân đối bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, chi thường xuyên cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (nhất là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả). Đẩy mạnh chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử.

Năm là, tiếp tục chỉ đạo hoạt động của Cổng Thông tin điện tử, hệ thống Đài truyền thanh thông minh đảm bảo các quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Sáu là, tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn công tác chuyển đổi số, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trong đó, chú trọng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố, mất an toàn, an ninh mạng.

Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị quản lý điện, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, viễn thông thực hiện chỉnh trang, làm gọn, hạ ngầm mạng cáp treo viễn thông trên địa bàn với các hình thức chỉnh trang, làm gọn phù hợp bảo đảm an toàn, đẹp, gọn đúng với tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, xã Nông thôn mới nâng cao, phường văn minh đô thị.

 


([1]) Trong đó có 2.252 đảng viên, chiếm tỷ lệ 96,84% so với số đảng viên triệu tập (cán bộ chủ chốt 220 người); 4.756 quần chúng, chiếm tỷ lệ 67,86% so với tổng số người tham gia.

([2]) Năm 2023, Sở Thông tin và truyền thông đã cung cấp cho thị xã 193 thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến (162 TTHC toàn trình, 31 TTHC một phần), cấp xã là 59 TTHC (47 TTHC toàn trình, 12 TTHC một phần) trên Cổng dịch vụ công tỉnh; thị xã đã tiếp nhận 3.292 hồ sơ trực tuyến/4.710 tổng số hồ sơ của các TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 69,89% (trong đó, có 530/555 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến một phần, chiếm tỷ lệ 95,5% và 2.762/4.155 hồ sơ dịch vụ công toàn trình, chiếm tỷ lệ 66,45%); ở cấp xã đã tiếp nhận 10.049 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 4.169 dịch vụ công trực tuyến một phần, 5.880 toàn trình); triển khai sử dụng thanh toán trực tuyến thu phí, lệ phí trong giải quyết hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thị xã([2]); tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích 28 hồ sơ, đã thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 108 hồ sơ.

Đến 6 tháng đầu năm 2024, Sở thông tin và truyền thông đã cung cấp cho thị xã 199 TTHC trực tuyến (33 TTHC một phần, 166 TTHC toàn trình), cấp xã là 68 TTHC (55 TTHC toàn trình, 13 TTHC một phần) trên Cổng dịch vụ công tỉnh; thị xã tiếp nhận 1.835 hồ sơ trực tuyến/4.286 tổng số hồ sơ TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 42,81% (trong đó, có 267/2.564 hồ sơ dịch vụ công toàn trình, chiếm tỷ lệ 91,05%); ở cấp xã đã tiếp nhận 2.678/2.950% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 90,78%; đã có 64 thủ tục triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó đã thực hiện 331 hồ sơ thanh toán trực tuyến/881 hồ sơ đã giải quyết TTHC triển khai thanh toán trực tuyến, chiếm tỷ lệ 37,57%, cấp xã phát sinh 1.779 hồ sơ thanh toán trực tuyến; tiếp nhận 03 hồ sơ và trả kết quả 15 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngoài ra, thị xã thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC được 3.707 hồ sơ, cấp xã 3.505 hồ sơ.

([3]) Số liệu ký xác nhận Hộ chiếu vắc xin lũy kế tính đến ngày báo cáo/tổng số trường hợp tiêm chủng là 147.423/108.932 người, đạt tỷ lệ 135,33%; số liệu “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng lũy kế tính đến ngày báo cáo/tổng số trường hợp cần “làm sạch” là 35.276/39.146, đạt tỷ lệ 90,11%. Hiện còn 3.870 đối tượng không làm sạch được dữ liệu do không tìm ra thông tin đối tượng trên hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư tại các phường, xã trên địa bàn thị xã. Số người tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp tại Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã, các Trạm Y tế và Phòng khám đa khoa khu vực là 2.660 trường hợp; trong đó, tra cứu thành công trên Cổng thông tin phục vụ khám bệnh, chữa bệnh 2.169 trường hợp. Thực hiện liên thông dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe được 697 trường hợp.