Trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình. Tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn đó, mà ngày hội đại đoàn kết ở Việt Nam ra đời.
Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 – ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sau khi có quyết định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư ngày càng được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc.
Ngày hội đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Cùng với việc xây dựng nếp sống mới là việc đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan. Xóa bỏ dần những tệ nạn trong xã hội như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc…
Ngày hội đại đoàn kết dân tộc góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Hòa trong không khí Nhân dân cả nước tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023; các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận lần thứ IX và Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Với sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư tại thị xã La Gi trong năm 2023 nói riêng và các nội dung thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2020-2025 nói chung, kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng chú ý đó là: bộ mặt nông thôn (đô thị) có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần trong Nhân dân tiếp tục phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần theo hàng năm, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (đô thị) đã được bê tông hóa theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” tạo điều kiện cho bà con thuận tiện trong lưu thông, an ninh nông thôn (đô thị) được giữ vững; tệ nạn xã hội được kéo giảm, tính đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng được người dân phát huy tốt, tham gia tích cực và có hiệu quả các phong trào, các Cuộc vận động do địa phương tổ chức.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là cuộc vận động được hình thành trên cơ sở kế thừa, phát huy, quy tụ, mở rộng và nâng cao các phong trào, các cuộc vận động; được tiến hành ở khu dân cư; mang tính toàn dân, toàn diện và toàn quốc; với quan điểm nhận thức là: lấy đại đoàn kết dân tộc làm động lực; lấy lợi ích của Nhân dân làm điểm tương đồng, lấy mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh làm nội dung; lấy sự tiến bộ nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân làm mục đích; lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân làm phương châm. Cụ thể là việc “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Không bỏ rác nhựa và rác sinh hoạt bừa bãi” tại nơi cộng cộng và gia đình.
Để đạt được mục đích và ý nghĩa của cuộc vận động, đòi hỏi cán bộ và nhân dân tại địa bàn dân cư phải tích cực nỗ lực, phấn đấu thực hiện có chất lượng các nội dung của Cuộc vận động.
Trong thời gia đến, cùng với việc duy trì các thành tích đã đạt được, nhân dân thị xã xác định 03 nội dung cần tập trung, huy động thực hiện như sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư trên cơ sở thực hiện tốt 05 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 05/6/2023 của Ban Thường vụ Thị uỷ về phát động Cuộc vận động Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp tục bổ sung và thực hiện tốt Hương ước do bà con nhân dân trong thôn (khu phố) đã thông qua, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
3. Nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt để xây dựng cộng đồng dân cư chúng ta mỗi ngày một phát triển, phấn đấu giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua.