Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước (tính đến ngày 07/6/2019 đã có 54 tỉnh thành trên cả nước có dịch), trong đó có tỉnh Bình Thuận. Ở thị xã La Gi chúng ta cũng đã xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại thôn Phước Thọ, xã Tân Phước (của hộ ông Nguyễn Hữu Tơ). Trong thời gian tới, để đảm bảo khống chế dịch, không để dịch lây lan trên địa bàn thị xã La Gi, đồng chí Bí thư Thị ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các phường, xã phải coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Tỉnh ủy, Thị ủy và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thị xã để khống chế, khoanh vùng các ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.
- Yêu cầu khẩn trương triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo phương án tình huống 3 (khi thị xã xảy ra dịch bệnh) theo Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 13/3/2019 của Ủy ban nhân dân thị xã, nhằm đảm bảo thị xã La Gi chỉ có xã Tân Phước là vùng dịch (thôn Phước Thọ là bị dịch tả lợn Châu Phi).
Đối với Ủy ban nhân dân thị xã: Tổ chức công bố thị xã La Gi đã có Dịch tả lợn Châu Phi; thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn; tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ lợn, vận động cơ sở giết mổ ưu tiên sử dụng lợn tại địa phương.
- Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo điều hòa, phối hợp giữa cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc nhanh chóng bao vây, dập ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, không để lây lan ra diện rộng.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức chống dịch bệnh động vật theo quy định; trong đó lưu ý việc thực hiện tiêu hủy đàn lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đảm bảo vệ sinh môi trường khi tiêu hủy.
- Chỉ đạo thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người chăn nuôi và toàn người dân về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn cả nước, tỉnh ta và thị xã, các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chú ý tăng thời lượng thông tin để giúp người dân nắm chắc, hiểu rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để chủ động phòng, chống dịch bệnh vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội.
- Chỉ đạo cân đối, bố trí kinh phí kịp thời để chống dịch; hướng dẫn hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
- Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo tình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh động vật theo quy định trên địa bàn thị xã. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi của Nhà nước để trục lợi.
Đối với các xã, phường: Yêu cầu cấp ủy đảng chỉ đạo chính quyền và cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, của thị xã, đảm bảo không để xảy ra dịch trên địa bàn mình. Đồng thời, các địa phương giáp ranh với xã Tân Phước, phải thành lập các chốt kiểm soát, nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn từ địa bàn xã Tân Phước vào các địa phương khác (trừ các trường hợp được cho phép theo quy định). Đảm bảo công tác thống kê đầy đủ, chính xác. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc.
Đối với xã Tân Phước: Yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt và chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để khẩn trương triển khai chặt chẽ, đầy đủ các biện pháp khống chế, dập dịch, không để dịch lây lan ra các thôn khác trong xã, trong đó chú ý:
- Xây dựng, hoàn chỉnh ngay phương án xử lý dịch trên địa bàn xã, trong đó có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo của xã.
- Thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định; đồng thời, có kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn bộ các hộ chăn nuôi, trang trại trên địa bàn xã nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu của dịch bệnh.
- Đặt biển báo nơi có dịch và kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào trên địa bàn xã Tân Phước (trừ các trường hợp được cho phép theo quy định).
- Tổng hợp, đề nghị thị xã hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chỉ đạo đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về dịch tả lợn Châu Phi; động viên nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực vào công tác phòng, chống khống chế dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của các xã, phường theo sự phân công của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thị xã.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn nắm chắc tình hình, theo dõi chỉ đạo kịp thời báo cáo về Thường trực Thị ủy.
Văn phòng Thị ủy theo dõi việc thực hiện Công văn này; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy các phường, xã nắm chắc tình hình, tham Thường trực Thị ủy chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả những tình huống phát sinh.
Trên đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thị ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các phường, xã phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để cùng chung sức ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thị xã.