Đối thoại trực tiếp với nhân dân – phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và quyền làm chủ của nhân dân
Thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy định việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; từ năm 2018 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tân Hải đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức 6 buổi tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở 6 thôn địa bàn dân cư. Các buổi đối thoại diễn ra thành công tốt đẹp không chỉ nhờ sự tham gia đồng thuận của người dân trên địa bàn, mà còn nhờ công tác tuyên truyền, chuẩn bị chu đáo từ cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đến hệ thống dân quân chính thôn.
Để việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân bảo đảm đúng mục đích, đạt hiệu quả, chất lượng, ngay từ đầu năm, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch và đưa vào chương trình công tác năm. Trước khi tổ chức đối thoại, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội xã sẽ phối hợp với hệ thống dân quân chính thôn tổ chức lấy ý kiến của nhân dân tại địa bàn thôn. Sau đó tổng hợp, phân loại các vấn đề nhân dân quan tâm, thắc mắc đến bộ phận chuyên môn có liên quan để chuẩn bị nội dung trả lời. Đồng thời thông báo thời gian đối thoại đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân qua hệ thống truyền thanh và các cuộc họp khu dân cư.
Tại buổi đối thoại, ngoài những vấn đề đã chuẩn bị được đại diện chính quyền trả lời cụ thể, người dân còn có cơ hội để nói lên những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng hay những bức xúc, vướng mắc của mình với các vấn đề ở địa phương; những góp ý với cá nhân, tổ chức về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong suốt quá trình đối thoại, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ xã căn cứ các ý kiến để giải quyết từng kiến nghị của người dân. Trong đó, có một số vấn đề sẽ được giải quyết ngay; một số vấn đề thuộc thẩm quyền của xã cần có thời gian giải quyết được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giao cho cán bộ phụ trách tham mưu; còn những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ được lãnh đạo xã tiếp thu, báo cáo thị xã để được giải quyết. Sau mỗi buổi đối thoại, Ban thường vụ Đảng ủy đều tổ chức họp, rút kinh nghiệm, giao bộ phận chuyên môn giải quyết và báo cáo Thị ủy về các ý kiến, kiến nghị.
Hiệu quả nhiều mặt
Thực hiện đối thoại với nhân dân theo Quyết định 218 đã mang lại hiệu quả ở nhiều mặt.
Trước hết là giúp lãnh đạo địa phương nắm bắt được tâm tư nguyện vọng từ đó giải quyết “tận gốc” và kịp thời những kiến nghị của nhân dân; giải tỏa điểm nóng, bức xúc trong dân tránh được tình trạng tụ tập đông người, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Qua đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền với nhân dân, từ đó tạo mối quan hệ gần gũi, cởi mở giữa cán bộ với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Đồng thời đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương. Là động lực thúc đẩy người cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức, trách nhiệm, thái độ và phong cách làm việc của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, qua các buổi đối thoại còn là căn cứ để sàng lọc, đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ; là căn cứ để cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp đánh giá được hiệu quả những chủ trương, chính sách đi vào đời sống nhân dân như thế nào, từ đó có những phát huy hay điều chỉnh cho phù hợp.
Phát huy mặt được, khắc phục những tồn tại hạn chế
Bên cạnh những hiệu quả đạt được, đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai thì việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu với nhân dân cũng tồn tại một số vấn đề. Đó là công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc đối thoại chưa được sâu rộng nên người dân tham gia đối thoại còn ít. Nhận thức về pháp luật trong nhân dân còn hạn chế nên người tham gia đối thoại nhầm lẫn về nội dung, mục đích của phản ánh, kiến nghị khiếu nại tố cáo. Hội nghị đối thoại chưa trưng cầu ý kiến, kinh nghiệm, tham vấn các biện pháp, giải pháp giúp cấp ủy Đảng, Chính quyền tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số cán bộ trẻ còn lúng túng, bị động trong việc xử lý tình huống, điều hành hội nghị dẫn đến tình trạng một số người dân phát ngôn không đúng về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia những ý kiến không liên quan đến mục đích và ý nghĩa của buổi đối thoại.
Phấn đấu để đối thoại mang lại hiệu quả thiết thực hơn
Từ thực tế tổ chức đối thoại theo Quyết định 218 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã hội ý, đút rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế. Cụ thể thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại định kỳ, ngày một đổi mới và đi vào chiều sâu, tránh mang tính hình thức, đưa công tác đối thoại trở thành nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền trong sạch, vững mạnh, liêm chính, phát huy tính dân chủ, công bằng.
Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc phối hợp nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu, đề xuất giải pháp, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt tình hình, chủ động trong quá trình tổ chức hội nghị.