Hướng tới Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), vào sáng ngày 14.5.2022 chi bộ Quân sự phường Phước Hội đã tổ chức hành trình về nguồn tại Khu di tích Dục Thanh- Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận.
Trường Dục Thanh, nơi cách đây hơn 100 năm, Bác Hồ đã dừng chân dạy học, mở đầu sự nghiệp trồng người, nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Bình Thuận nói riêng mà của cả nước nói chung, Trường Dục Thanh là một điểm đến hết sức ý nghĩa đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trường được xây dựng năm 1907 trong khu đất nhà tự (nay thuộc địa bàn phường Ðức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó, trường dạy thêm Hán văn, Pháp văn. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của Phong trào Duy Tân. Ðây là trường tư thục được cho là có nội dung giảng dạy vào loại tiến bộ nhất ở miền Trung lúc bấy giờ.
Tháng 9-1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết và dạy học ở Trường Dục Thanh. Tham gia giảng dạy trong trường có bảy thầy giáo, trẻ nhất là thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành có phương pháp giảng dạy rất mới, rất tiến bộ. Thầy truyền đạt cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5-6-1911, từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến năm 1978 – 1980, Trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy Nguyễn Tất Thành dạy học. Những hiện vật gốc được lưu giữ, những Di tích trong quần thể Khu Di tích Dục Thanh đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc về thời gian Người dạy học tại đây: Nhà Ngự - Nơi các giáo viên và học trò ăn ở nội trú, Ngọa Du Sào - Thư viện để giáo viên và học trò đọc sách, Cây khế sau vườn - nơi “thầy Thành” hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều...
Tại đây, các đảng viên trong chi bộ đã thắp nén nhang bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới.
Bên cạnh Khu Di tích Dục Thanh, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986, là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Khu Bảo tàng hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Về Trường Dục Thanh trong những ngày tháng năm lịch sử này và được nghe, được nhìn thấy, được giới thiệu về những di tích, những hiện vật cùng những sinh hoạt đời thường, chúng tôi hiểu thêm về phong cách sống giản dị, hòa mình với quần chúng nhân dân, yêu lao động, yêu thương chăm sóc học sinh của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, càng tưởng nhớ tới công ơn to lớn, đạo đức trong sáng và cuộc đời hy sinh vì nước vì dân của Người.