1. Công tác tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt, xây dựng các văn bản triển khai thực hiện
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố, Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 06/6/2017 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên các địa bàn thôn, khu phố” (viết tắt là Chỉ thị số 23-CT/TU) và chỉ đạo cấp uỷ các xã, phường quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, Ban Thường vụ Thị ủy đã xây dựng các hướng dẫn, quyết định liên quan đến việc biểu dương, khen thưởng trong thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU([1]).
Về hình thức quán triệt, tuyên truyền nội dung của Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 82-KH/TU: Thị ủy đã tổ chức hội nghị để quán triệt cho cán bộ chủ chốt trong toàn đảng bộ. 09/09 xã, phường tổ chức hội nghị quán triệt trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từ phường, xã đến thôn, khu phố.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ các xã, phường hướng dẫn, chỉ đạo việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua ở thôn, khu phố trong từng tổ chức đoàn thể([2]). Thông qua giao ban, sinh hoạt trong hệ thống tổ chức đoàn thể đều có đưa nội dung việc thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU để tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân cùng thực hiện.
2. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU nhìn chung khá thuận lợi, hầu hết cấp uỷ các xã, phường quan tâm chỉ đạo triển khai ngay từ đầu năm trên tinh thần Chỉ thị 34-CT/TU trước đây.
Các cấp ủy phường, xã đã tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU kịp thời, nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trên bàn thôn, khu phố. Từ đó, phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân để tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện đạt được các mục tiêu chủ yếu, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư.
Trong quá trình thực hiện, nhiều thôn, khu phố đã vận dụng linh hoạt việc kế thừa Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 16/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) gắn chặt với các phong trào thi đua“Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác do địa phương phát động.
Những kết quả đạt được trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU đã góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở các xã, phường.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG NÊU TRONG CHỈ THỊ SỐ 23-CT/TU
1. Nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu giao
Các cấp ủy phường, xã và tổ chức đảng ở thôn, khu phố đã có nhiều quyết tâm, nổ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua. Hàng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, các cấp ủy xã, phường cụ thể hóa thực hiện sát với tình hình thực tế. Nội dung và phương thức thi đua đã từng bước đổi mới, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư ở thôn, khu phố tham gia. Các chi bộ, Ban điều hành, Ban Công tác Mặt trận thôn, khu phố nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chỉ tiêu do phường, xã giao, từ đó góp phần cùng thị xã hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 - 2022 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo và thực hiện kịp thời, nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của tỉnh, sự chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn bằng các giải pháp quyết liệt của thị xã và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân nhìn chung kinh tế - xã hội của thị xã tiếp tục chuyển biến khá toàn diện trên các mặt; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt kế hoạch đề ra([3]), bước đầu hình thành đô thị Thương mại - Dịch vụ - Du lịch phía nam của tỉnh, nổi rõ là:
Kinh tế giữ được ổn định có mặt tiếp tục phát triển; Giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân hàng năm tăng. Thương mại – dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống chuyển biến mạnh mẽ. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại được quy hoạch và kêu gọi đầu tư; năng lực xuất khẩu tăng; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tập trung chỉ đạo.
Hoạt động du lịch, chất lượng dịch vụ, truyền thông và quảng bá du lịch được nâng lên; Lễ hội di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím được phát huy hiệu quả và phát triển, Lễ hội Hòn Bà, Lễ hội Đình và Vạn Phước Lộc được tổ chức chu đáo. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch được thường xuyên quan tâm và chỉ đạo.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được quan tâm. Ứng dụng rộng rãi nhiều mô hình, tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tạo được những chuyển biến tiến bộ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, tạo diện mới cho nông thôn, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Huy động các nguồn lực đầu tư đạt nhiều kết quả; Hạ tầng kinh tế kỹ thuật được quan tâm tập trung đầu tư theo hướng phát huy hiệu quả những tiềm năng lợi thế của địa phương. Hạ tầng văn hóa xã hội từng bước được cải thiện. Bộ mặt đô thị ngày càng thay đổi và khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh; hoạt động thông tin, truyền thông, phát thanh truyền hình đảm bảo công tác tuyên truyền, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được thực hiện khá tốt.
Công tác giáo dục được quan tâm chỉ đạo, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, duy trì các trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn thị xã. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện tốt, nhất là đã chủ động triển khai kịp thời, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid – 19 đạt kết quả yêu cầu đề ra.
Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, thị xã không để xảy ra việc tụ tập phản đối, gây rối.
2. Vận động nhân dân trong thôn, khu phố
Kết quả việc vận động nhân dân thực hiện các nội dung 4 không (không để xảy ra trọng án và tệ nạn xã hội phước tạp; không để xảy ra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không để xảy ra khiếu kiện tập thể đông người; không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng), cụ thể:
- Không để xảy ra trọng án và tệ nạn xã hội phước tạp: trong 05 năm qua, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và đảm bảo, không để xảy ra “điểm nóng”, “đột xuất, bất ngờ”. Tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch chuyên đề của Ban Thường vụ Thị ủy; Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được cũng cố, phát huy hiệu quả; điều tra làm rõ 290 vụ / 339 đối tượng (đạt tỷ lệ 88,5%), riêng trọng án làm rõ 16/16 vụ, đạt 100%; thu hồi 7,25 tỷ đồng trả lại cho người bị hại; đấu tranh, triệt phá 31 chuyên án/70 đối tượng; triệt xóa 22 nhóm/107 đối tượng.
- Không để xảy ra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: trên địa bàn thị xã có 819 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở do mình quản lý thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm ATTP. Công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm được Đoàn liên ngành kiểm tra An toàn thực phẩm của thị xã duy trì thường xuyên, liên tục hàng năm và tăng cường vào các đợt cao điểm trước, trong, sau tết, tháng an toàn thực phẩm, lễ hội Dinh Thầy Thím, các ngày lễ trong năm. Từ 2017 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành thị xã và chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra 718 lượt cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, tiến hành xử lý vi phạm hành chính 122 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 414.625.000 (bốn trăm mười bốn triệu sáu trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Trong 05 năm qua, thị xã La Gi đã triển khai nhiệm vụ về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn đạt được một số kết quả: 100% hộ buôn bán thức ăn đường phố được học tập phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP và ký cam kết; đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận về vệ sinh ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm theo đúng phân cấp; các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của Phòng Kinh tế, Đội Quản lý thị trường số 02, Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATTP tại 100% các chợ trên địa bàn thị xã theo đúng quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm tra, các đoàn đã lồng ghép việc tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm nên nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được chuyển biến theo hướng tích cực và vấn đề ATTP được người dân quan tâm hơn; công tác phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm được quản lý hiệu quả. Trên địa bàn thị xã không có xảy ra ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người (từ 05 người trở lên); hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thị xã đã có bước chuyển biến tích cực về thực hiện các quy định về điểu kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, môi trường và phòng chống dịch bệnh. Chưa phát hiện có chất cấm được sử dụng trong giết mổ, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thị xã.
- Không để xảy ra khiếu kiện tập thể đông người: Công tác tiếp công dân thực hiện đảm bảo đúng quy định, nội dung qua tiếp công dân chủ yếu liên quan đến kiến nghị cấp giấy CNQSDĐ, kiến nghị cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp đất đai, ... Trong 05 năm qua, UBND thị xã không có thụ lý, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo tập thể đông người. Trên địa bàn thị xã có tiếp 09 lượt đông người/02 vụ việc công dân kiến nghị, phản ánh([4]). Qua tiếp công dân các trường hợp trên, lãnh đạo UBND thị xã đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý, giải quyết dứt điểm. Đến nay không có vụ khiếu kiện tập thể đông người xảy ra.
- Không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng: Công tác bảo đảm an toàn giao thông được tập trung thực hiện; tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính([5]). Tai nạn giao thông trên địa bàn thị xã xảy ra 107 vụ, làm chết 59 người, làm bị thương 72 người.
3. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
3.1. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”: Cùng triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí của phong trào “TDĐKXDĐSVH” nói chung, cuộc vận động xây dựng GĐVH nói riêng được triển khai rộng khắp, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia. Đa số hộ gia đình đều tự giác thực hiện các tiêu chí xây dựng GĐVH. Hàng năm, BCĐ Phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở các xã, phường xây dựng kế hoạch triển khai bình xét GĐVH và kiểm tra, thẩm định lại kết quả trước khi tổng hợp danh sách đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường ra quyết định công nhận danh hiệu GĐVH. Việc bình xét GĐVH đúng theo quy trình hướng dẫn, công nhận đúng đối tượng, hạn chế sai sót; chất lượng GĐVH ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ đăng ký xây dựng và đạt GĐVH ngày càng đi vào thực chất([6]).
Việc thực hiện đạt kết quả các tiêu chuẩn công nhận GĐVH đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, cũng như góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
3.2. Mặt trận tham gia vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”: Trong 05 năm qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với các hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua hàng năm có nhiều khởi sắc, đạt được một số kết quả nhất định. Hàng năm Ban Thường trực UBMTTQ thị xã đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thị xã thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực chủ động tham gia, tạo nên phong trào rộng khắp trên địa bàn thị xã.
Đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Tạo sự chuyển biến quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng môi trường, cảnh quan sạch đẹp. Phát huy dân chủ, nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái.
“Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” được quan tâm, tăng cường chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, các khu dân cư tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đa dạng, phong phú; gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng; tạo sự đồng thuận, thống nhất, cùng nhau xây dựng xóm làng, quê hương. Qua đó, đã lồng ghép được nội dung các phong trào và sự phối hợp thống nhất hành động của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp, đặc biệt là ở khu dân cư.
3.3. Phong trào xây dựng “Thôn - Khu phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, “Phường – Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”: Trong những năm qua, địa phương chú trọng trong công tác xây dựng Gia đình văn hoá nhằm tạo động lực thúc đẩy xây dựng Thôn - KPVH nói riêng và phong trào xây dựng Xã – Phường đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới, Phường đạt chuẩn Văn minh đô thị nói chung. Tích cực tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua, lồng ghép, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực chủ động tham gia, tạo nên phong trào rộng khắp trên địa bàn.
- Xây dựng Nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, thị xã đạt 74/76 tiêu chí, bình quân đạt 18,5 tiêu chí / xã. Cụ thể: xã Tân Tiến đạt 17/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt 19/19 tiêu chí.
- Về xây dựng xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới và phường đạt chuẩn Văn minh đô thị:
+ 04/04 xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới, đạt 100%;
+ 04/05 phường đạt chuẩn Văn minh đô thị, đạt 80% (phường Phước Lộc không đạt).
4. Công tác xây dựng chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn, khu phố
Công tác xây dựng chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn, khu phố được quan tâm thực hiện. Đa số các chi bộ, ban điều hành duy trì sinh hoạt định kỳ; Mặt trận, các đoàn thể thôn, khu phố từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hiệu quả ngày càng nâng lên.
Thông qua giao ban, sinh hoạt trong hệ thống tổ chức đoàn thể đều đưa nội dung việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 82-KH/TU của Ban Thường vụ Thị ủy để tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân cùng thực hiện.
Kết quả xây dựng chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở thôn, khu phố trong 05 qua đạt kết quả tương đối toàn diện, từ đó đã góp phần thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy cùng với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở đã duy trì việc quan tâm, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn thôn, khu phố gắn chặt với các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác do địa phương phát động. Các hoạt động thi đua tại địa bàn dân cư đã góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, nỗi rõ là:
- Kết quả thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố đã góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở các xã, phường.
- Các công trình thi đua, phát động thực hiện đường hẽm bê tông, hẽm điện chiếu sáng, đường hoa,… tại các thôn, khu phố tạo cho bộ mặt dân cư trên địa bàn thị xã ngày càng khởi sắc.
- Các phần việc chăm lo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong thời gian thị xã thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 được quan tâm thực hiện; phát hiện, giới thiệu khen thưởng, biểu dương các nhân tố mới trong phong trào thi đua được quan tâm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như:
- Phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố trong năm tại một số phường, xã chưa được triển khai thường xuyên, liên tục; một số nơi chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao, có lúc, có nơi còn hình thức. Tính thi đua giữa các thôn, khu phố chưa thể hiện rõ, có địa phương không có tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đề nghị thị xã biểu dương, khen thưởng.
- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm và tệ nạn ma túy, trộm cắp, cờ bạc, cho vay lãi nặng.
- Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng; chưa thực sự lan toả trong cộng đồng dân cư; hình thức tuyên truyền chưa phong phú để cổ vũ động viên mọi người thực hiện phong trào.
Nguyên nhân: Một số cấp uỷ xã, phường chưa tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố; do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực và đời sống của nhân dân nên phong trào thi đua ở cơ sở triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Những nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới
1. Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của của tổ chức Đảng, đảng viên, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giúp nhân dân trên từng địa bàn nắm, hiểu về ý nghĩa của phong trào thi đua giữa các thôn, khu phố; từ đó tích cực hưởng ứng, tham gia; hạn chế tình trạng phong trào thi đua chủ yếu là hoạt động của cấp ủy, ban điều hành, ban công tác Mặt trận thôn, khu phố, thiếu sự tham gia của nhân dân địa phương.
3. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố.
4. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã tiếp tục phối hợp với đảng ủy các xã, phường trong việc thực hiện phong trào thi đua ở thôn, khu phố trong tổ chức đoàn thể cơ sở theo hướng dẫn.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nhằm đưa nội dung này được duy trì thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.
([1]) Hướng dẫn số 03-HD-TU, ngày 13/11/2017 của Ban Thường vụ Thị ủy về biểu dương, khen thưởng trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố; Hướng dẫn số 06-HD/TU, ngày 04/6/2021 của Ban Thường vụ Thị ủy sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 03-HD-TU, ngày 13/11/2017 của Ban Thường vụ Thị ủy; Quyết định số 844-QĐ/TU, ngày 15/11/2017 của Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về việc thành lập Hội đồng tư vấn xét chọn biểu dương, khen thưởng trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố.
([2]) Ban Thường trực UB.MTTQVN thị xã đã ban hành Hướng dẫn số 12/HD-MTTQ-BTT, ngày 12/6/2017 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố.
([3]) Thu ngân sách trên địa bàn 1.266.760 triệu đồng; Chi đầu tư phát triển: 322.519 triệu đồng; Kim ngạch xuất khẩu: 705,003 triệu USD; Giá trị sản xuất công nghiệp 8.408 tỷ đồng; Sản lượng khai thác hải sản 344.060 tấn; Sản lượng lương thực 54.794 tấn; Giải quyết việc làm 14.402 lao động; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 0,7%.
([4]) Năm 2018 tiếp 06 lượt/01 vụ việc (các tiểu thương Chợ La Gi, kiến nghị liên quan đến việc xây dựng Chợ La Gi); Năm 2019 tiếp 03 lượt/02 vụ việc (các tiểu thương Chợ La Gi và công dân đề nghị bồi thường khu vực đất Nhà nước giao cho Công ty Vi Nam).
([5]) Qua tuần tra, kiểm soát đã lập 15.865 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, xử lý vi phạm hành chính đối với 15.641 trường hợp với số tiền 13.867.268 tỷ đống; tạm giữ 6102 phương tiện và tước giấy phép lại xe 983 trường hợp.
([6]) Năm 2017, có 23.595 hộ đạt danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 94,27%. Năm 2018, có 23.738 hộ đạt danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 94,79%. Năm 2019, có 24.050 hộ đạt danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 95,6%. Năm 2020, có 25.043 hộ đạt danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 96,8%. Năm 2021, có 25.322 hộ đạt danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 97,15%. Năm 2022, có 25.910/25.910 hộ đăng ký danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 100%.