Kinh tế của thị xã đã có những bước phát triển, trong đó ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực xây dựng phát triển đô thị, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính - viễn thông, quan tâm phát triển một số ngành, nghề thế mạnh của địa phương như: Sản xuất nước mắm, gia công hàng may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất nhôm kính,… Bước đầu xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như: Thanh long, xoài, dừa, na Thái... từng bước xây dựng quảng bá hình ảnh thị xã là điểm đến nhằm thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài địa phương đến với thị xã La Gi. Văn hóa xã hội phát triển khá toàn diện, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực giúp một bộ phận người dân thoát nghèo, yên tâm lao động sản xuất, cơ sở vật chất các ngành văn hoá, giáo dục, y tế… được quan tâm đầu tư như: Trung tâm văn hóa thị xã; Khu văn hóa Phước Hội; Nhà văn hóa các phường, xã và các thôn, khu phố, các khu vui chơi Thiếu Nhi, Trạm Y tế phường, xã… đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã còn có các di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh. Lĩnh vực văn hoá có nhiều chuyển biến tiến bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Triển khai, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Văn học, nghệ thuật là một trong những nội dung được thị xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (viết tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TW) và Chương trình hành động số 21-NQ/TU, ngày 22/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XI) về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (viết tắt là Chương trình hành động số 21-NQ/TU) trong bối cảnh với những đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của thị xã có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, cấp ủy, chính quyền thị xã La Gi luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai các hoạt động phát triển văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chương trình hành động số 21-NQ/TU, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và đạt được những kết quả nhất định.
KẾT QUẢ 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 21-NQ/TU
Trong lĩnh vực sáng tạo: Thị xã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy dân chủ nhằm tạo môi trường thuận lợi và động viên tinh thần tự do sáng tác, sáng tạo văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ, người tham gia sáng tác và hoạt động văn học, nghệ thuật; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập, lao động sáng tác và tiếp cận thực tiễn.
Chỉ đạo xây dựng trương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Sự tích Thầy Thím” để phục vụ Lễ hội Văn hóa Du lịch Dinh Thầy Thím hàng năm của địa phương; chỉ đạo biên tập và xuất bản Tập san “Thị xã La Gi - 15 năm thành lập và phát triển”; tổ chức nhiều trại sáng tác tại thị xã, qua đó đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật tiêu biểu phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân địa phương và du khách, góp phần xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của thị xã([1]).
Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã, Đội Thông tin lưu động thị xã, các đội văn nghệ quần chúng, nhóm múa, nhóm nhạc và các câu lạc bộ, các hội (Nhiếp ảnh, sinh vật cảnh, chim hót, thơ ca, CLB Thơ Đường, hội họa…) hoạt động có hiệu quả, tạo ra nhiều loại hình, mô hình hoạt động sôi nổi, sáng tác ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có chất lượng, điển hình, phục vụ tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.
Trong hoạt động sáng tạo, các hội viên đã không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động, bám sát thực tiễn và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đường lối phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới của Đảng. Nhiều tác phẩm văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca… của đội ngũ văn nghệ sĩ thị xã đã phản ánh sinh động những thành tựu phát triển của vùng đất và con người La Gi trên các lĩnh vực, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, của người dân La Gi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. Nhiều tác giả đã tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm những cái mới tiến bộ. Dòng mạch chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật tại địa phương là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”; bên cạnh dòng mạch chính, sáng tạo văn học, nghệ thuật tại địa phương có khuynh hướng tập trung đi sâu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi thành tựu trong công cuộc đổi mới, gương người tốt, việc tốt và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quê hương. Một số tác phẩm đi sâu phê phán các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, góp phần đấu tranh chống cái xấu, cái không đẹp đang phá hoại nền tảng đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Một số tác phẩm của các văn nghệ sĩ thị xã được công chúng đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng khi tham gia các cuộc thi, triển lãm do địa phương, khu vực tổ chức.
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ: Thị xã thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật thể hiện qua các lớp đào tạo chuyên ngành, các cuộc thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm nghệ thuật. Trên địa bàn thị xã có 19 biên chế quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, xã hội, trong đó, cấp thị xã có 10 biên chế, trên 90% trình độ đại học; các phường, xã có 09 biên chế trình độ từ trung cấp trở lên. Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã có 17 hội viên, hoạt động trong các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh. Hầu hết các hội viên có tâm huyết với nghề nghiệp; thể hiện tốt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực làm cơ sở phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới. Thị xã La Gi coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật. Cử cán bộ tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, văn nghệ do tỉnh tổ chức như: Các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đạo diễn sân khấu; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ cộng đồng; các lớp biên tập dàn dựng múa, chương trình nghệ thuật; lớp biên kịch và nghiệp vụ quản lý văn hóa cho cán bộ ở cơ sở… Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ và công tác kiểm tra cho công chức văn hóa - xã hội ở các phường, xã…
Công tác củng cố, đổi mới hoạt động của Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã: Thị xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, đổi mới hoạt động của Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên và phát huy vai trò đoàn kết tập hợp hội viên, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong các lĩnh vực đời sống xã hội; tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hội viên Chi hội.
Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 5 năm, bám sát quy chế hoạt động của Hội để tập hợp hội viên và tổ chức các hoạt động của Hội. Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ hội viên và sáng tác văn học, nghệ thuật. Từ năm 2008 đến nay, Chi hội đã xuất bản 04 tuyển tập văn nghệ, 18 ấn phẩm in tại nhà xuất bản; cùng nhiều bài viết, tập thơ, truyện ngắn trên các báo, đài, trang thông tin điện tử của thị xã, tỉnh và trung ương; có 12 tác giả đạt giải và được tặng thưởng giải Dục Thanh lĩnh vực văn học và mỹ thuật, 01 tác giả đạt giải tại triển lãm khu vực Đông Nam Bộ lĩnh vực mỹ thuật, có 01 tác phẩm nhiếp ảnh được Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chọn để trưng bày triển lãm tổ chức tại Tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu vào năm 2023.
Hàng năm, Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã tổ chức triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Công tác giao lưu, hợp tác về Văn học Nghệ thuật: Hàng năm, thị xã luôn thành lập và cử đoàn tham gia Hội diễn nghệ thuật không chuyên do tỉnh tổ chức; tổ chức giao lưu và mời các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh về biểu diễn tại thị xã (Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận, Đoàn nghệ thuật Cồng Chiêng tỉnh Đăk Lăk, Đoàn ca múa nhạc Hậu Giang, Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng…); thành lập và cử Đoàn nghệ thuật không chuyên của thị xã giao lưu, biểu diễn cùng các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; mời các văn nghệ sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh về thị xã tham gia các trại sáng tác và hoạt động biểu diễn; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã tham gia các trại sáng tác, giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác nhằm phát huy khả năng sáng tạo, hoàn thiện kỹ năng sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ địa phương…
Để nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thời gian qua, thị xã La Gi đã quan tâm tạo điều kiện để Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã tích cực sáng tác và tham gia các cuộc thi, triển lãm, liên hoan Mỹ thuật, Nhiếp ảnh do tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ tổ chức; tham gia các trại sáng tác tại một số tỉnh như: Khánh Hòa, Đà Nẵng…và tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, sáng tác cho các hội viên. Chi hội cũng tăng cường đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các hội viên đến với khán giả trong tỉnh và cả nước thông qua việc thường xuyên gửi các bài viết, tuyển tập thơ ca, truyện ngắn đăng trên các báo, đài, trang thông tin điện tử của thị xã, tỉnh và trung ương.
Công tác xây dựng và phát triển VHNT quần chúng: Qua 15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật ở địa phương, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển rộng khắp ở các phường, xã trên địa bàn thị xã. Đến nay, toàn thị xã có 16 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng; trong đó nhiều tốp, đội văn nghệ có hình thức hoạt động sáng tạo, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Các câu lạc bộ văn nghệ hoạt động thường xuyên như ở phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Tiến, Tân Phước, Thị đoàn, Công ty Cổ phần may Bình Thuận - Nhà Bè, các ca đoàn tại các giáo xứ, đội văn nghệ tại các trường học, bệnh viện thị xã, các vũ đoàn phục vụ cho các sự kiện lễ, tiệc cưới...
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển đa dạng, phong phú và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng tốt nhu cầu giải trí cho Nhân dân trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, các mô hình nghệ thuật quần chúng như: Acoustis, hát với nhau, thi chim hót, bonsai, non bộ… cũng phát triển phong phú, tạo sân chơi hấp dẫn, thu hút văn nghệ sỹ, nghệ nhân và một bộ phận người dân tham gia.
Mạng lưới thư viện ngày càng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng sách được bổ sung đều đặn hàng năm đa dạng về thể thoại, việc luân chuyển sách từ thị xã về cơ sở được thực hiện thường xuyên trong năm đáp ứng tốt nhu cầu đọc, nghiên cứu và học tập của người dân trên địa bàn thị xã.
Đánh giá chung
Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 21-NQ/TU được thực hiện kịp thời, nghiêm túc; việc triển khai thực hiện luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật được nâng lên. Xác định đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu văn hóa - xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhất là trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng; từ đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thị xã ngày càng coi trọng vai trò của văn học, nghệ thuật, coi trọng việc xây dựng và phát triển theo hướng toàn diện, phong phú, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tiếp thu các giá trị mới và phát triển lành mạnh.
Các cấp ủy, chính quyền của thị xã đã quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tác, giới thiệu, quảng bá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, kịp thời định hướng chính trị trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đa dạng, phong phú, đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của thị xã. Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao. Việc bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện có hiệu quả các phong tục, tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc ở địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được chặt chẽ.
Hầu hết đội ngũ văn nghệ sỹ có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, sáng tạo trong hoạt động sáng tác của mình. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật và đạt giải cao, góp phần quảng bá hình ảnh của thị xã và làm phong phú các sản phẩm văn học, nghệ thuật của địa phương.
Tuy nhiên, qua 15 năm thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Các thiết chế văn hóa ở phường, xã giai đoạn đầu còn thiếu mới được đầu tư sau này và ở quy mô nhỏ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân; Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn nhiều khó khăn; Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của quê hương chưa nhiều. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện suy thoái, lệch lạc trong xã hội còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn hóa, nghệ thuật trẻ còn hạn chế; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ; Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thông tin đa dạng, đã phần nào ảnh hưởng đến công tác định hướng và quản lý trên lĩnh vực này.
Nguyên nhân hạn chế: Nhận thức của một số cấp ủy cơ sở, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và của một bộ phận cán bộ, đảng viên, hội viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật đối với đời sống xã hội chưa thật đầy đủ. Sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở có lúc chưa thường xuyên, chưa quan tâm đúng mức. Việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ. Các thiết chế văn hóa chưa được sử dụng và phát huy đúng mức; việc phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho Nhân dân địa phương còn có mặt hạn chế; Sự ảnh hưởng, tác động của cuộc sống kinh tế làm cho một bộ phận văn nghệ sĩ chạy theo giá trị vật chất, dần dần xa rời các giá trị văn hóa truyền thống. Quá trình hội nhập đã tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào đời sống người dân và làm cho một bộ phận lãng quên bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong tầng lớp thanh thiếu niên; Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật còn khó khăn; Đội ngũ làm công tác tham mưu quản lý trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở phần lớn kiêm nhiệm, chưa bảo đảm chuyên môn theo yêu cầu đề ra.
Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, vai trò của cấp ủy rất quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò quản lý của chính quyền và sự tham gia tích cực của Mặt trận, các đoàn thể.
Thứ hai, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể - chính trị xã hội, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong xây dựng nền văn học, nghệ thuật, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Thứ ba, phải chú trọng tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình tư tưởng, định hướng tư tưởng, giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ văn nghệ sỹ; đẩy mạnh xã hội hóa tạo thêm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện tự do cho các văn nghệ sỹ trong sáng tác.
Thứ tư, tăng cường vai trò, trách nhiệm của ngành văn hóa và Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã trong việc tham mưu quản lý, tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã, gắn chặt các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực tiễn cuộc sống Nhân dân ngay tại cơ sở.
Thứ năm, các giá trị văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng trong nền văn học, nghệ thuật của thị xã. Do vậy, cần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
([1]) Tác phẩm La Gi biển xanh nắng ấm; La Gi: Dấu ấn một trăm năm (1916 - 2016); clip nhạc về thị xã La Gi; clip nhạc về Dinh Thầy Thím; phát động thi vẽ Logo thị xã La Gi; Trại sáng tác năm 2015 (11 tác phẩm, 01 CD ca nhạc); Trại sáng tác năm 2020 (25 tác phẩm, 16 CD ca nhạc)…