Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tình hình Biển Đông, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số cùng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,... đã, đang tác động nhiều chiều đến tiến trình xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng. Đặc biệt, quá trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại,... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, v.v. Tình hình đó, đòi hỏi Ban Chỉ huy Quân sự thị xã cần tiếp tục phát huy kết quả và kinh nghiệm trong thực hiện các chỉ thị và Đề án thời gian qua, tập trung đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ; trong đó, chú trọng thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
Giáo dục chính trị là một nội dung, biện pháp quan trọng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; do đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ trì đối với công tác này giữ vai trò quyết định. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính trị viên, người chỉ huy phải thấu triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị. Bởi đây là hình thức giữ vai trò chủ đạo, đi trước mở đường, tạo sự đồng thuận về nhận thức, nâng cao giác ngộ chính trị, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân văn và tính dân tộc cho Quân đội cách mạng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, đơn vị phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn, quy chế, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; từ đó có chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Chính trị viên chủ động trao đổi với người chỉ huy và chỉ đạo cơ quan chính trị làm tốt công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch giáo dục chính trị hằng năm. Trong tình hình hiện nay, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giáo dục chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì phải nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt “7 dám” mà đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương đã huấn thị, nắm chắc chương trình, nội dung, kế hoạch điều hành và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, nội dung, thời gian, quân số tham gia; tích cực, tự giác học tập, làm gương cho bộ đội noi theo. Đối với bộ phận tham mưu công tác chính trị cần nâng cao năng lực tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị; tăng cường kiểm tra, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập để kịp thời giải quyết. Kiên quyết khắc phục triệt để biểu hiện “giao khoán” công tác giáo dục chính trị cho cơ quan chính trị và cán bộ chính trị.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng trong tình hình mới.
Chăm lo giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trước sự biến chuyển, tác động nhanh của tình hình thế giới, khu vực cùng những phát triển mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Nó luôn đòi hỏi phải đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Thực tiễn tổ chức thực hiện Chỉ thị 124 và Đề án trong toàn quân những năm qua cho thấy, chỉ có tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp một cách phù hợp, công tác giáo dục chính trị mới đạt hiệu quả tốt và ngược lại. Vì vậy, việc đổi mới nội dung giáo dục cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhưng phải chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cần hướng vào các vấn đề mới, làm sáng rõ hơn nữa bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, coi trọng công tác nghiên cứu, biên soạn các nội dung về giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tình đồng chí, đồng đội; giáo dục pháp luật, kỷ luật, đạo đức, lối sống cho quân nhân, nhất là quân nhân trẻ. Quan tâm giáo dục, giải đáp những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; công tác huy động nhân lực, vật lực của xã hội cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tổ chức, biên chế, trang bị, cách đánh của ta, v.v.
Về hình thức, đơn vị cần bám sát tình hình thực tiễn để vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp; trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên; giáo dục chung với giáo dục riêng và giáo dục đột xuất theo yêu cầu, nhiệm vụ; giáo dục thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt chính trị tư tưởng, thực hiện Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, đối thoại dân chủ, sinh hoạt của các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân. Trong điều kiện mới, cần gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục chính trị tại đơn vị với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và các cuộc vận động,... tạo phong trào sâu rộng để giáo dục, rèn luyện bộ đội.
Ba là, thường xuyên chăm lo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị các cấp.
Hiện nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các hiện tượng tiêu cực và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục chính trị nói riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, mà còn trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị của toàn quân. Vì vậy, đơn vị cần xác định đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị các cấp là cơ bản, lâu dài, bảo đảm đội ngũ này có năng lực, trình độ toàn diện, trách nhiệm cao. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị trong tình hình mới.
Đối với các phòng, ban hằng năm, cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị nói riêng, nhất là cán bộ giảng dạy chính trị, báo cáo viên tại đơn vị được cập nhật những kiến thức mới; coi trọng bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tiến hành. Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng cán bộ tại chức với đào tạo tại các học viện, nhà trường; thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, quy trình chuẩn bị và thông qua bài giảng theo Quy chế giáo dục chính trị tại đơn vị; tổ chức tốt các hội thi, hội giảng cán bộ giảng dạy chính trị ở các cấp. Thường xuyên động viên, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác giáo dục chính trị học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, trình độ về mọi mặt, có điều kiện thì tiếp tục đào tạo sau đại học.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị.
Các bộ phận tham mưu cần nghiên cứu, quán triệt, nắm chắc những nội dung của Quy chế giáo dục chính trị tại đơn vị để vận dụng vào thực tiễn cho phù hợp. Trong đó, việc kiểm tra, đánh giá phải tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định; bảo đảm khách quan, chính xác, kiên quyết không chạy theo thành tích. Để đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng đổi mới hình thức, biện pháp kiểm tra, đánh giá kết quả; gắn kiểm tra nhận thức chính trị với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh hiện nay, công tác kiểm tra phải hướng vào đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn hoạt động quân sự, xử lý tình huống, diễn biến tư tưởng của bộ đội, nhất là trước tác động tiêu cực của tình hình và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên mạng xã hội.
Năm là, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, phương tiện; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng.
Đơn vị sử dụng hiệu quả ngân sách bảo đảm theo quy định; cùng với bảo đảm của trên, các đơn vị cơ sở phải giữ gìn, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có; khai thác, phát huy tác dụng của các nhà văn hoá, thư viện, nhà truyền thống, những di tích lịch sử ở địa phương,… để truyền tải những giá trị văn hoá tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, chủ động khai thác các nguồn lực để bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, giáo trình, tài liệu,... nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn cho công tác giáo dục chính trị. Đồng thời, vận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ số vào giáo dục chính trị; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia giáo dục chính trị, chống ỷ lại hoặc để hư hỏng, mất mát, sử dụng không đúng mục đích các tài sản công. Cùng với đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng ở địa phương nơi đơn vị đóng quân để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị cho cán bộ, đoàn viên, hội viên.
Công tác giáo dục chính trị là bộ phận quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng người quân nhân cách mạng “Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị là yêu cầu thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.