Tuy nhiên tình hình thời tiết trên biển những năm trở lại đây ngày càng diễn biến phức tạp. Áp thấp nhiệt đới, bão với cường độ lớn gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân. Và thực tế không ít thuyền nghề chống chọi với hiểm nguy bảo tố, không ít phương tiện ở La Gi bị các nước sở tại bắt giữ, tịch thu do ngư dân xâm phạm, vi phạm vùng biển các nước tiếp giáp. Để rồi bà con ngư dân phải đối diện với mất mát lớn về tài sản phương tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần và vật chất của bà con lao động biển.
Trước tình hình trên, tháng 8 năm 2008, tỉnh ta đã có chỉ thị 46 tiến hành việc thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất trên biển cũng như phòng chống đấu tranh với tội phạm về an ninh trật tự, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của tổ quốc.
Từ đó đến nay, qua hơn 2 năm thực hiện chỉ thị 46 của UBND Tỉnh, thị xã La Gi đã xây dựng được 120 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 695 tàu thuyền gồm 5.753 lao động. Trong đó phường Bình Tân 40 tổ-223 thuyền; Phước Lộc 28 tổ-149 thuyền; Phước Hội 35 tổ-213 thuyền; các xã vùng bãi ngang thành lập mỗi xã từ 1 đến 8 tổ. Nhiều nhất là Tân Hải 8 tổ-58 thuyền, Tân Thiện 5 tổ, Tân Tiến 2 tổ. Còn lại Tân Phước và Tân Bình mỗi xã có 1 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. So với tổng số phương tiện hiện có trong toàn thị thì số ghe thuyền tham gia tổ đoàn kết đạt 32,5 %. Trong đó hầu hết các phương tiện đánh bắt trên 90 cv đều tham gia thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Bình Tân là địa phương dẫn đầu về số lượng cũng như chất lượng hoạt động của các tổ đoàn kết khai thác hải sản. Trong đó Hội nghề cá phường đóng một vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia các tổ đoàn kết.
Các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển được thành lập có ít nhất từ 3 tàu tham gia. Trong đó mỗi tổ hình thành dựa trên 4 tiêu chí cơ bản: cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và có cùng dòng họ, thân thích nhau. Định kỳ hàng tháng, sau mỗi chuyến biển, thành viên trong tổ lại tổ chức sinh hoạt. Những buổi sinh hoạt như thế này là dịp để họ chia sẻ nhau kinh nghiệm trong khai thác, thông tin về ngư trường hay bày tỏ những tâm tư, tình cảm được sẻ chia trong sự đồng cảm chung tay giúp sức của bạn thuyền.
Từ khi các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển được thành lập, tinh thần tương thân, tương ái giữa các thuyền viên được nâng lên. Nhờ được trang bị phương tiện thiết bị nghề cá hiện đại, thông tin liên lạc giữa các phương tiện trong từng thành viên trong tổ và giữa các tổ đoàn kết với Tổng đài của Đồn Biên phòng được duy trì và đảm bảo liên tục, thông suốt. Qua kênh thông tin liên lạc này, đã giúp ngư dân chủ động trong hoạt động khai thác đánh bắt hải sản, giúp Đồn Biên phòng nắm bắt về diễn biến tình hình xảy ra trên biển qua phản ánh từ các tổ đoàn kết để rồi có sự phối hợp hành động trong thực hiện mục tiêu chung phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển, động viên ngư dân tích cực tham gia nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo tổ quốc.
Bà con ngư dân La Gi rất tâm đắc với hoạt động của các tổ đoàn kết khai thác hải sản bởi hoạt động của tổ gắn liền với đời sống, sản xuất của ngư dân với mục đích đảm bảo an toàn cho chính mình. Tuy nhiên, duy trì chế độ thông tin liên lạc, duy trì sinh hoạt định kỳ giữa các thành viên trong tổ cũng như sự gắn kết, trao đổi giữa các tổ với nhau là vấn đề mà ngư dân quan tâm và mong muốn được phát huy hơn nữa trong thời gian tới.
Một khi các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển có sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong tổ và giữa các tổ với nhau, liên lạc thông tin chặt chẽ với tổng đài sẽ góp phần quan trọng phòng chống hiệu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nhất là trong mùa bão lũ hàng năm./.
Thúy Nga