Có thể thấy qua đổi mới, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực, cơ bản bắt kịp theo xu thế hiện nay; đã phát huy được vị trí, vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, huy động được các nguồn lực trong nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận, đoàn thể đi vào từng nội dung cụ thể, theo tình hình thực tế diễn ra hàng năm và theo hướng giải thích để nhân dân hiểu, dễ nhớ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó tập trung vào những vấn đề nhân dân quan tâm và phong trào thi đua chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các hoạt động phong trào luôn gắn với tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Điều đáng chú ý là công tác tập hợp quần chúng nhân dân được mở rộng, đa dạng về thành phần, đối tượng. Việc triển khai, thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chuyển biến tốt và từng bước có chiều sâu, phát huy được vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh công tác lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, thì phương thức lãnh đạo của các cấp ủy cũng được đổi mới và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều biện pháp thực hiện sát với tình hình địa phương, các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều đảm bảo hài hòa lợi ích các tầng lớp nhân dân, chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quá trình thực hiện đã chú trọng hơn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp. Việc giao nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu chủ yếu được thực hiện hàng năm và ngay sau khi đánh giá kết thúc nhiệm vụ của năm cũ; công tác giao ban, làm việc định kỳ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trở thành giao ban công tác dân vận, có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân và các ngành liên quan. Định kỳ, Thường trực Thị ủy, lãnh đạo Ban Dân vận Thị ủy dự sinh hoạt chi đoàn, chi hội địa bàn dân cư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận đã được xác định rõ và giải quyết được mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vai trò làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Từ đó, sự phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần thuận lợi trong triển khai, thực hiện các chương trình, dự án.
Tuy nhiên, công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có mặt còn chậm, không mạnh, thiếu vững chắc, thể hiện sự lúng túng, nhất là chưa xác định rõ những việc cụ thể phải đổi mới trong từng mặt, từng khâu, chưa đi sâu vào lợi ích thiết thực của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phong trào quần chúng ở một số nơi phát triển không đều, công tác tuyên truyền, vận động chưa đi vào chiều sâu, chỉ tập trung ở một số đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực. Đến nay, giải pháp cụ thể để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia với tổ chức đoàn thể còn khó khăn. Các tổ chức đoàn, hội cơ sở chưa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên, hội viên, nhân dân, chưa đáp ứng toàn diện yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của hạn chế, nhưng rõ nhất là vai trò tham mưu của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chưa thường xuyên, kịp thời; còn chừng mực về năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm và thiếu năng động, thích ứng điều kiện, tình hình mới. Do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội khó thực hiện, do đòi hỏi kinh phí tổ chức triển khai, thực hiện.
Qua tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện, từ thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, từ đó quy chế phối hợp hoạt động được đẩy mạnh, kinh phí được quan tâm hỗ trợ và điều kiện hoạt động sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động và tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua phải thiết thực, phù hợp với lợi ích của cộng đồng; chú ý công tác rà soát, đánh giá hoạt động và quan tâm củng cố chi đoàn, chi hội. Có như vậy, hoạt động và phong trào của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội mới thật sự mạnh mẽ, vững chắc, thu hút được quần chúng nhân dân đến với tổ chức.