Ban Chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi thị xã La Gi đã xem xét và chọn được những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu cho phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2017 như sau :
+ Đánh bắt hải sản
Ông Châu Văn Câu, sinh năm 1972, khu phố 7, phường Bình Tân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh, doanh giỏi cấp Trung ương; gia đình ông có 06 chiếc thuyền hành nghề kéo đôi, chuyên đánh bắt thủy sản xa bờ; thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt 250 triệu đồng/ tháng, tổng thu nhập trên 03 tỷ đồng/ năm; giải quyết việc làm cho 50 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động 100 triệu đồng/năm. Trong quá trình khai thác đánh bắt, ông luôn chấp hành tốt quy định về việc sử dụng kích cỡ mắt lưới, khai thác đúng tuyến; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trang bị máy móc hiện đại, cải tiến ngư lưới cụ nâng cao hiệu quả đánh bắt; ông còn tham gia làm tổ trưởng tổ đoàn kết khai thác hải sản số 17 và được UBND thị xã tặng giấy khen cho tổ.
Mô hình đánh bắt thủy sản, kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua hải sản của ông Bùi Văn Hoa khu phố 6, phường Phước Lộc gồm: 01 thuyền công suất 250 CV hành nghề lưới ghẹ có 11 lao động; 01 thuyền thu mua hải sản trên biển công suất 400 CV có 06 lao động và 01 xe tải đông lạnh dùng chuyên chở hải sản đã thu mua đi phân phối. Thu nhập bình quân của gia đình 12 triệu đồng/khẩu/ tháng; thu nhập của lao động từ 7-9 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm thuờng xuyên cho 27 lao động (trong đó có 10 lao động nữ thâu lưới tại nhà).
Hộ ông Nguyễn Hạnh, khu phố 8, phường Phước Hội có 02 thuyền hoạt động nghề câu khơi; thu nhập bình quân (đã trừ chi phí) của gia đình khoảng 10 triệu đồng/khẩu/tháng; giải quyết việc làm ổn định cho gần 15 lao động có mức thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/ tháng. Trong đánh bắt, ông tham gia vào đội thuyền bảo vệ chủ quyền biển đảo của địa phương.
+ Mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp
Ông Lương Trung Phú, khu phố 3, phường Tân Thiện; mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình ông là: trồng rừng (30 ha keo tràm), nuôi bò đàn (80 con). Tổng thu nhập của gia đình (đã trừ chi phí) là 718 triệu đồng, bình quân đạt 9,97 triệu đồng/khẩu/tháng. Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm cho hơn 15 lao động theo thời vụ với mức thu nhập 6 triệu đồng/lao động/tháng.
Ông Hồ Văn Nhụy, thôn Hiệp Phú, xã Tân Tiến; mô hình sản xuất của gia đình là: ươm cây giống keo tràm trên diện tích 0,2 ha và nhận khoán trồng rừng keo cho nông dân, thu nhập khoảng 450 triệu đồng/ năm; chăn nuôi heo với 4 heo mẹ và 30 con heo thịt, hàng năm xuất chuồng đem lại lợi nhuận trên dưới 90 triệu đồng; trồng lúa luân canh với bắp, đậu thu nhập 90 triệu đồng/ năm; thu từ các nguồn lao động khác 100 triệu đồng/ năm. Tổng thu nhập của gia đình hàng năm (đã trừ chi phí) trên 730 triệu đồng, bình quân thu nhập 15,21 triệu đồng/khẩu/ tháng; giải quyết công ăn việc làm theo mùa vụ cho trên dưới 20 lao động.
Ông Nguyễn Hữu Tân, thôn Phước Tiến, xã Tân Phước đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mạnh dạn cải tạo vườn điều theo quy trình của khuyến nông; mở rộng thêm diện tích trồng một số cây ăn quả giống mới như: mít nghệ, quýt đường, thanh long, mở rộng diện tích đất trồng cây keo lá tràm. Được sự tư vấn và hướng dẫn của Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật thị xã ông đầu tư, sử dụng hệ thống tưới phun, phun thuốc bằng máy cao áp, bón phân sinh học cho rừng trồng, vườn cây ăn quả, từ đó năng suất tăng lên. Tổng thu nhập (đã trừ chi phí) hàng năm trên 400 triệu đồng; góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động vào ngày thường, đến mùa vụ thì có từ 12 đến 15 lao động.
+ Mô hình Nữ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Bà Lã Thị Y, ở thôn Phước Thọ, xã Tân Phước trồng 02 ha cây na (mãng cầu) cho ra quả trái vụ, thu hoạch 02 vụ/năm, vụ mùa khoảng 05-06 tấn, vụ tết khoảng 07-08 tấn, thu nhập từ cây na khoảng 350 triệu đồng/ năm; kết hợp bà còn trồng xen canh ớt, dưa và các loại hoa màu khác, nuôi con dông trong vườn na; nuôi heo sinh sản. Tổng thu nhập (đã trừ chi phí) đạt 500 triệu đồng trên năm, bình quân thu nhập 8,3 triệu đồng/ khẩu/tháng; giải quyết việc làm cho 40 lao động theo mùa vụ; năm 2014 hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na cho 63 người của đoàn tham quan huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 23 hộ dân trong địa bàn xã.
Bà Lê Thị Quế, thôn Hiệp Tín, xã Tân Tiến, gia đình bà có 01 ha đất trồng thanh long, 01 ha trồng mít lai, 01 ha trồng bắp và các loại rau ăn quả (bí, dưa leo, khổ qua), kết hợp nuôi 08 con bò. Tổng thu nhập hàng năm (đã trừ chi phí) khoảng trên 942 triệu đồng, bình quân đạt 15,7 triệu đồng/ khẩu/ tháng; tham gia giải quyết việc làm cho 20 lao động theo mùa vụ. Bà còn tham gia làm tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau sạch thôn Hiệp Tín có 09 thành viên trên diện tích sản xuất 03 ha.
Bà Bùi Thị Thúy Nga, khu phố 3, phường Tân Thiện; mô hình sản xuất của gia đình bà là: trồng rừng (3 ha keo tràm), điều (1 ha), mì (2 ha) và trồng lúa (0,5 ha). Tổng thu nhập của gia đình (đã trừ chi phí) là 210 triệu đồng/năm, bình quân đạt 8,75 triệu đồng/khẩu/tháng; hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã. Hàng năm, gia đình bà tạo việc làm cho hơn 10 lao động theo thời vụ với mức thu nhập 6 triệu đồng/lao động/tháng.
+ Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi và dịch vụ
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chi hội trưởng chi hội nông dân khu phố 4, phường Bình Tân, mô hình sản xuất là: trồng rau chuyên canh trên diện tích 2000m2, trồng lúa 4000m2, chăn nuôi gà thịt và bán gà giống, dịch vụ chuyên chở hàng hóa. Tổng thu nhập bình quân của gia đình hàng năm (đã trừ chi phí) 258 triệu đồng/năm, bình quân đạt 5,36 triệu đồng/khẩu/tháng; đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp phường.
Ông Trương Hoài Phong, ở thôn Ba Đăng, xã Tân Hải: nuôi 25 con bò thịt, 3 ao cá lóc bông/ diện tích 5000m2; trồng 1,5 ha thanh long và làm dịch vụ thu mua hải sải sản; tổng thu nhập hàng năm (đã trừ chi phí) 900 triệu đồng/năm, bình quân đạt 15 triệu đồng/khẩu/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 07 lao động và cho 10 lao động theo mùa vụ; gia đình ông tham gia tốt các phong trào ở địa phương và giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn.
Ông Nguyễn Viết Hùng, thôn Tân Lý 2, xã Tân Bình, mô hình sản xuất là: trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới phun; chăn nuôi thỏ, vịt, bồ câu pháp và dịch vụ chuyên chở hàng hải sản. Tổng thu nhập bình quân của gia đình hàng năm (đã trừ chi phí) 750 triệu đồng/năm, bình quân đạt 8,92 triệu đồng/khẩu/ tháng; gia đình ông tham gia tốt các phong trào ở địa phương và tích cực đóng góp vào các nguồn quỹ.
Ông Đặng Văn Nghĩa, thôn Bình An 3, xã Tân Bình là hộ nông dân chuyên trồng rau; gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun, máy xới đất; trồng rau theo quy trình sản xuất an toàn trên diện tích 2000m2 và được chương trình khuyến nông đầu tư hệ thống xử lý rau. Thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/ năm (đã trừ chi phí), bình quân đạt 8,33 triệu đồng/khẩu/tháng. Hàng năm, gia đình ông tích cực ủng hộ quỹ tiếp bước cho em đến trường, quỹ đền ơn đáp nghĩa, tài trợ khuyến khích cho các cháu thi đậu đại học, cao đẳng mỗi cháu từ 1.000.000đ đến 1.500.000đ tùy hoàn cảnh.