Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho phụ nữ là một trong những yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thị xã đã cụ thể bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở hội triển khai, thực hiện.Từ đó, các cấp hội tích cực chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ của từng địa phương.
Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội định kỳ, sinh hoạt các câu lạc bộ, tổ, nhóm, các kênh thông tin của hội, các cấp hội tổ chức tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nữ, đặc biệt là nội dung của Chỉ thị số 55-CT/TU, Chỉ thị số 19-CT/TW và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020” theo Quyết định số 294/QĐ-UBND, ngày 27/01/2011 của UBND tỉnh, kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của UBND thị xã; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và đào tạo nghề; các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thụ hưởng của đề án; giới thiệu những thông tin liên quan về việc làm, mức thu nhập hàng tháng; đồng thời, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia vào các lớp đào tạo nghề do thị xã, tỉnh mở.
Hàng năm, các cấp hội đều phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu của hội viên, phụ nữ đăng ký với chính quyền cùng cấp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là nữ, đặc biệt là đào tạo nghề cho phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Qua 10 năm thực hiện đã phối hợp mở 133 lớp đào tạo nghề (dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, pha chế thức uống, may công nghiệp) và tập huấn kiến thức KHKT (Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều, trồng và chăm sóc thanh long, trồng rau sạch, chăn nuôi heo, gà...) đáp ứng được nhu cầu cho 4.991 hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân sau học nghề có trên 80% học viên được giới thiệu vào làm việc tại Công ty cổ phần may Bình Thuận -Nhà Bè, các cơ sở may gia công, các quán ăn tại địa phương, áp dụng KHKT vào sản xuất, kinh doanh... đảm bảo được chỉ tiêu đề ra.
Song song đó các cấp hội hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình đã tích cực khai thác các nguồn vốn với tổng dư nợ là 103 tỷ 938 triệu đồng/85 tổ/3.694 thành viên được vay (trong đó vốn ngân hàng chính sách xã hội thị xã 100 tỷ 938 triệu đồng/76 tổ/3.559, vốn TĐH-Đức 3 tỷ đồng/09 tổ/135 người vay).
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, trong 03 năm (2018 - 2020) hội đã phối hợp, tổ chức khảo sát nhu cầu khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp, qua đó tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp từ hội viên phụ nữ 124 ý tưởng và xem xét, lựa chọn 54 ý tưởng đề nghị tỉnh xét, 01 ý tưởng đề nghị Trung ương xét. Tổ chức và tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp thị xã, tỉnh (Năm 2018: thị xã La Gi có 01 ý tưởng tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh. Kết quả đạt giải khuyến khích và được CLB Nữ Doanh nhân tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng để khởi nghiệp). Giúp 19 hội viên khởi sự kinh doanh với tổng số tiền 380 triệu đồng thông qua các nguồn vốn vay.
Qua triển khai thực hiện nhìn chung nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dần được nâng lên. Các cấp hội đã chủ động trong việc phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền vận động nhân dân và hội viên, phụ nữ tham gia học nghề. Qua các lớp đào tạo nghề, hội viên phụ nữ nông thôn áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn. Vì vậy quá trình triển khai thực hiện đề án cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp phụ nữ trong thị xã, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, các cấp hội thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội như xây nhà tình thương, trao học bổng, quan tâm thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo… Khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn vay gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 55 trong thời gian tới, các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và việc làm để lao động nữ biết và chủ động tham gia học nghề. Phối hợp khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, phụ nữ, chú trọng những nghề sau đào tạo có việc làm ngay, xu hướng việc làm bền vững. Đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn vay, thông qua các dự án để giúp phụ nữ vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác giám sát, phản biện, đánh giá các chính sách hiện hành về học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ. Phối hợp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nữ, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025.