Nếu như không hiểu rõ hoàn cảnh của chị Lưu Thị Kim Tuyến, ở thôn Thanh Linh, xã Tân Phước. Nhìn thấy ngôi nhà khang trang và tiệm tạp hóa tương đối lớn tọa lạc tại Quốc Lộ 55 thuộc địa phận xã Tân Phước, thị xã La Gi, mấy ai biết được để có được cơ ngơi như vậy, chị đã trải qua những ngày dài khó khăn đến cùng cực. Những năm trước đây, gia đình chị Tuyến thuộc diện hộ nghèo ở xã Tân Phước, thị xã La Gi, cả gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con sống trong một căn nhà lụp xụp, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng trở nên bế tắc hơn khi năm 2015, chồng chị chẳng may mắc bệnh ung thư dạ dày, hai đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học. Chị phải vay mượn từng đồng để chữa bệnh cho chồng, sau một năm chạy chữa với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng chồng chị vẫn không qua khỏi bởi căn bệnh ung thư quái ác. Thế là trụ cột gia đình đã mất đi, “khổ tận cam lai”, chị quyết định bán đi con bò – tài sản duy nhất của gia đình để mở một tiệm tạp hóa nhỏ, nuôi thêm con gà, con vịt đẻ trứng, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học và trả nợ dần số tiền vay mượn lúc chồng bệnh… Sau một thời gian làm lụng vất vả, chị đã trả gần hết nợ và dành dụm được 1 ít tiền, cộng thêm số tiền 40 triệu đồng mà UBND xã Tân Phước hỗ trợ cho gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, từ đây chị quyết định xây nên căn nhà mơ ước – là tổ ấm của ba mẹ con. Và để xây được ngôi nhà khang trang, sạch đẹp và 1 ki ốt bán hàng tạp hóa lớn hơn, chị phải vay mượn người thân thêm gần 200 triệu đồng… Sau bao năm bươn chải làm ăn, nhờ công việc kinh doanh thuận lợi, chị đã nuôi cả 2 người con ăn học đến nơi đến chốn. Người con gái đầu của chị nay đã là giáo viên mầm non, còn người con trai út thì nay cũng đã học năm thứ 3 ở một trường cao đẳng tại Đồng Nai.
Còn với chị Hoàng Nữ Mừng ở thôn Phước Linh, xã Tân Phước, tuy không phải là gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng những năm trước đây gia đình chị cũng khó khăn không kém gia đình chị Tuyến khi cả hai vợ chồng chị nên duyên với “hai bàn tay trắng”. Vợ chồng chị sống bằng nghề làm nông, cuộc sống vô cùng bấp bênh lại trở nên khốn đốn khi 6 đứa con thơ lần lượt ra đời, kinh tế vốn không vững chải, con lại đông, khiến cuộc sống của gia đình chị càng thêm khốn đốn đến nỗi bữa ăn hàng ngày thôi cũng đã là một nỗi lo lớn của vơ chồng chị. Con càng lớn, cái ăn, cái mặc cho chúng càng nhiều, Thế nên cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi. Nhưng đối với chị Mừng nỗi lo cũng như sự trăn trở lớn nhất là làm sao cả 6 người con của mình đều được học đại học. Để hiện thực hóa ước mơ của mình, cả hai vợ chồng chị quyết tâm làm việc cậc lực hơn nữa, bất cứ công việc nào anh chị cũng không nề hà, từ việc làm thuê làm mướn, cho đến chăn nuôi thêm con gà, con vịt. Từ những ngày khó khăn cho đến tận bây giờ chị Mừng vẫn duy trì công việc nuôi hàng trăm con gà và vài con bò. Chính sự đồng cam cộng khổ của vợ chồng anh chị, mà đến nay 5 người con đầu của chị Mừng đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, phụ giúp ba mẹ kinh tế để gia đình có cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Riêng người con út cũng đã bước vào năm nhất của giảng đường đại học.
Ngoài 2 người phụ nữ kể trên, thì chúng tôi cũng vô cùng thán phục người phụ nữ tên Hoàng Nữ Vân cũng ở thôn Phước Linh, xã Tân Phước. Để có được cuộc sống an yên hiện tại thì gia đình chị cũng đã trải qua chuỗi ngày sống trong nước mắt và sự âu lo khi nghèo khó và nợ nần bủa vây. Chị Vân có 4 người con, người con trai đầu sinh năm 1992, và hai cô con gái sinh đôi sinh năm 1995, đứa con út sinh năm 2001. Gia đình nghèo khó, khi cả hai vợ chồng cũng chỉ sống bằng nghề nông. Để lo được cái ăn, cái mặc cho các con, nhiều lúc chị phải đi vay mượn từng chén gạo. Nhưng khó khăn không nản lòng, vất vả không chùn bước, ngoài việc đi làm thuê cuốc mướn cho người ta, chị còn nuôi thêm mấy chục con heo và vài con bò... để trang trải tiền sinh hoạt hàng ngày và nuôi từng người con lớn khôn. Hồi tưởng lại thời gian khó khăn trong quá khứ, chị Vân xem đó là động lực để phấn đấu từng ngày. Và sự phấn đấu ấy đã được đền đáp xứng đáng khi những người con của chị luôn chăm ngoan, học giỏi. Đến nay 3 người con đầu cũng đã hoàn thành chương trình đại học và cậu con trai út đang học THPT. Đồng thời gia đình cũng đã thoát nghèo và có cuộc sống tương đối ổn định từ vài năm trước đây.
Những người phụ nữ như chị Tuyến, chị Mừng và chị Vân là một trong số tấm gương sáng về sự chịu thương chịu khó nuôi con ăn học thành tài, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định của xã Tân Phước. Chính họ là một trong những công dân ở địa phương đã và đang tích cực ủng hộ xây dựng xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới, nhờ đó góp phần giúp cho xã Tân Phước sớm “về đích” nông thôn mới. Hiện nay, xã Tân Phước, thị xã La Gi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Dự kiến đến cuối tháng 12 năm 2019, xã Tân Phước ( thị xã La Gi) sẽ được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là xã nông thôn mới. Tin tưởng rằng từ đây cuộc sống của bà con, của những gia đình như chị tuyến, chị Mừng hay chị Vân cũng như những gia đình nghèo khác trong xã sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn./.