Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã La Gi nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh. Năm 2020, thực hiện các Quyết định số 217, 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thị xã ngày càng hiệu quả, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc thị xã La Gi.
Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai chương trình giám sát, phản biện xã hội, lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện xã hội gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm. Trên cơ sở thống nhất của cấp ủy và chương trình giám sát với các tổ chức chính trị - xã hội, năm 2020 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã đã chủ trì thành lập 4 đoàn giám sát, tập trung giám sát những vấn đề cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách, lợi ích của các tầng lớp nhân dân; qua giám sát, kiến nghị với Ủy ban nhân dân (UBND) và các ngành xem xét, điều chỉnh những nội dung chưa sát với tình hình thực tế, cụ thể như: tổ chức 04 đợt giám sát: Giám sát về quản lý bảo vệ môi trường, thu gom rác thải đối với các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã; Giám sát việc quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tân Bình và xã Tân Phước và Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Qua giám sát đã kiến nghị các đơn vị , cá nhân có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Phối hợp tham gia cùng đoàn giám sát HĐND thị xã giám sát 19 cuộc; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã giám sát 6 cuộc.
Ngoài ra, tổ chức giám sát và phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở 09/09 xã, phường.
Qua đó phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các ngành của thị xã; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.