Cứ mỗi độ Thu về, mỗi người chúng ta lại được sống lại khí thế hào hùng về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Chiến tranh đã đi qua nhưng từ trong sâu thẳm tâm thức mỗi con người đều muốn về thăm lại các di tích lịch sử nổi tiếng để cảm nhận sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn và đầy đủ hơn những gian khổ kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Vào sáng ngày 20/8/2022, Ban Thường vụ đảng ủy phường Phước Hội tổ chức hành trình về nguồn tại Địa đạo Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022) cho các đồng chí là ủy viên Ban chấp hành đảng bộ, bí thư các chi bộ và trưởng các khu phố.
Trải qua hơn 250km, đoàn chúng tôi đến với Củ Chi – mảnh đất được mệnh danh “Đất thép, thành đồng”, đặt chân lên mảnh đất linh thiêng lòng chúng tôi bỗng lắng lại. 10h30 sáng, đoàn có mặt tại Đền Bến Dược để làm lễ dâng hương. Tại đây, đoàn đã được nghe thuyết minh về những chiến công hiển hách của ông cha ta thời kháng chiến và thấy xúc động khi được chạm tay vào những tấm bia khắc tên các anh hùng liệt sĩ trên 3 vách tường trong đền, những dòng chữ chi chít ghi tên và năm sinh, năm hi sinh của các anh, các chị, các mẹ cứ hằn mãi trong tâm trí chúng tôi, ở đó nơi lưu danh 44.520 liệt sỹ được khắc tên trong Đền, có người tuổi đời chỉ mới 15, họ đã hiến dâng cả tuổi xuân cho non sông đất nước để chính chúng tôi, tuổi trẻ hôm nay được thanh bình hạnh phúc.
Tiếp theo, Đoàn chúng tôi cũng được theo dõi về trận đánh Cedaphone lịch sử năm 1967 – trận đánh với mục tiêu hủy diệt toàn bộ căn cứ cách mạng dân ta của Mỹ - nhưng chúng đã thất bại thảm hại trước ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi.
Sau đó, đoàn chúng tôi ghé thăm quan Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi. Giữa cái nắng khô rát của tháng 8, chúng tôi hiểu rõ hơn cuộc sống của dân ta ngày xưa với những hình ảnh của vùng ấp chiến lược, đồn bốt của địch, vùng tranh chấp giữa ta và địch... vào thời kỳ 1960 - 1964 của làng quê Củ Chi; hình ảnh sinh hoạt của quân và dân Củ Chi vào những năm 1964-1965, cảnh xây dựng chiến hào, tái hiện vùng giải phóng thời kỳ 1966-1973, tất cả khiến cho chúng tôi càng thêm cảm phục những trái tim và khối óc phi thường của nhân dân ta. Các chú cán bộ hướng dẫn chúng tôi đến thăm lần lượt từng gia đình, mỗi gia đình mang một nếp sống riêng nhưng nhìn chung tất cả đều rất mộc mạc, điều kiện sống hết sức vất vả. Không hiểu tại sao tôi lại có cảm giác rất thân thuộc khi bước vào những căn nhà ấy. Mỗi nếp nhà đều có hầm tránh đạn, đâu đó trong làng tôi thấy có người đan tre, người trồng lúa, người làm bánh, các trẻ nhỏ thì chăn trâu, tất cả mọi người đều có việc riêng của mình, có vườn rau, ao cá. Trong làng có trường học, có đài phát thanh, có chợ, Củ Chi cũng bình yên như bao nhiêu làng quê khác của Việt Nam, chỉ khác là ở đó, những con người đã biến thành những anh hùng. Họ trồng rau, nuôi heo, chài lưới, chăn trâu, hái rau, bắt cá, nhưng họ cũng vót chông, chế tạo vũ khí, cho con em mình kí tên tham gia thực hiện nghĩa vụ với non sông. Cả một lực lượng chiến sĩ anh dũng ở đó đã được chở che bởi tinh thần yêu nước của nhân dân. Họ là những anh hùng chân đất.
Chúng tôi cũng được cảm nhận cuộc sống dưới lòng đất của dân ta thời kháng chiến với một đoạn đường hầm chỉ dài khoảng 15m, nhưng khi đã lên mặt đất, ai cũng phải thốt lên: “Tại sao chúng ta lại có thể làm được một điều phi thường như vậy? Đi lại đã khó, huống gì là sống, sinh hoạt và chiến đấu dưới lòng đất?”. Vậy mà trong chiến tranh tất cả đều được sắp đặt dưới tổng số 250km đường hầm chạy ngoắt ngéo trong lòng đất Củ Chi được đào bằng dụng cụ thô sơ. Những trang lịch sử hào hùng tại nơi đây như sống lại trước mắt chúng tôi. Chúng tôi thêm hiểu rằng vì sao một đất nước nhỏ bé như chúng ta có thể giành được thắng lợi trước những cường quốc như Pháp và Mỹ. Nhiều người cho rằng chiến thắng của chúng ta là may mắn. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng tất cả là nhờ vào nghệ thuật quân sự tài tình và ý chí quyết tâm sắt đá của quân và dân ta. Họ đã biến những điều không thể thành có thể bằng những hành động và ý chí phi thường. Địa đạo là một minh chứng sắt đá cho điều đó.
So sánh với cuộc sống hiện tại khiến chúng tôi cảm thấy vừa tự hào vừa cảm phục những thế hệ cha anh của mình. Hệ thống đường hầm Củ Chi và những sáng tạo trong sinh hoạt và chiến đấu tại đây đã thể hiện tư chất thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam. Trong hoàn cảnh điều kiện thiếu thốn, dụng cụ thô sơ, lực lượng chưa từng trải qua huấn luyện, nhưng những con người ấy đã ghi dấu ấn riêng cho mình trong trang sử hào hùng của dân tộc. Những con người ấy đã chứng minh được rằng Việt Nam là một quốc gia nhỏ nhưng không có nghĩa không làm được những điều vĩ đại. Tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước đã khiến những con người bình thường có thể làm được những việc phi thường. Những nhà lãnh đạo cách mạng, những người chiến sỹ anh dũng đó chắc chắn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, nguyện cố gắng hết sức mình xây dựng quê hương, đất nước phát triển.
Kết thúc hành trình về nguồn vô cùng ý nghĩa, tất cả chúng tôi đều mang trong mình chung những cảm nhận: Đó là cảm nhận về niềm tự hào dân tộc; khâm phục ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân Việt Nam trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc; sự vượt khó, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Tiếp bước cha anh, chúng tôi nguyện cùng đoàn kết, chung sức, phấn đấu thi đua góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp vững mạnh.