Sáng ngày 04/8/2023, tại Hội trường Khối Mặt trận, đoàn thể thị xã, Hội Nông dân thị xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa công nghệ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức lớp tập huấn “Giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín” cho trên 50 hội viên, đoàn viên, nông dân trên địa bàn thị xã.
Đến dự lớp tập huấn có đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa công nghệ thuật tỉnh Bình Thuận; đồng chí Nguyễn Lâm Thuận, Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh; đồng chí Lương Thị Thạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã và chủ tịch Hội Nông dân 9 xã, phường.
Tại buổi tập huấn các hội viên nông dân đã được truyền đạt các nội dung về khái niệm kinh tế tuần hoàn; vai trò, cơ hội, thách thức và định hướng của nền kinh tế tuần hoàn; thông tin về những hoạt động khoa học kỹ thuật mới, giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, một trong những sản phẩm đã nghiên cứu, ứng dụng thành công là mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm như mô hình “trồng cỏ - nuôi bò- nuôi trùn quế- nuôi gà”, mô hình “ trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”, mô hình “ trồng tre tứ quý lấy măng kết hợp nuôi dúi, heo rừng lai” … Cũng tại lớp tập huấn bà con còn được giảng viên truyền đạt các nội dung về kỹ thuật chăn nuôi an toàn kết hợp xử lý chất thải và sản xuất phân hữu cơ. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng, giúp người chăn nuôi có định hướng về một nền chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Nói về quy trình sản xuất tuần hoàn của mô hình “ trồng nấm linh chi, nấm rơm, rau mần và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm”, Trung tâm giải thích: Mô hình đã tận dụng, sử dụng mùn cưa để làm nguồn nguyên liệu đầu vào tạo ra nhiều sản phẩm tiếp theo. Cụ thể, đầu tiên là trồng nấm linh chi, sau khi kết thúc đợt trồng này, tiếp tục tận dụng nguồn mùn cưa để trồng nấm rơm. Bởi nguồn mùn cưa sau trồng các loại nấm khác được sử dụng để trồng nấm rơm thì năng suất cao hơn 5-7% so với trồng nấm rơm trên rơm. Điều này có ý nghĩa kinh tế rất lớn vì không phải tốn chi phí mua nguyên liệu mà năng suất còn cao hơn trên rơm. Sau khi kết thúc đợt trồng nấm rơm, tiếp tục tái sử dụng nguyên liệu này để trồng rau mầm, Sau khi kết thúc đợt trồng rau mần, tận dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất phân hữu cơ, nguồn phân hữu cơ này tiếp tục được sử dụng cho sản xuất.
Theo đánh giá của Trung tâm, mô hình tạo ra được nhiều sản phẩm nhưng tiết kiệm chi phí nguyên liệu, thân thiện với môi trường, hiệu quả nhân rộng cao. Kỹ thuật sản xuất ra các sản phẩm trong mô hình tương đối đơn giản, người dân có thể tiếp cận và làm chủ quy trình nhanh. Mặt khác, kinh phí để triển khai mô hình không lớn, do đó nhiều người dân có thể đầu tư được.
Thông qua việc giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín, các nông dân có dịp trao đổi, chia sẻ và làm rõ thêm những kết quả đạt được và những khó khăn về các mô hình được giới thiệu. Ngoài ra, nông dân có cơ hội chia sẻ thêm những mô hình hay, cách làm mới từ thực tiễn sản xuất. Từ đó, nông dân có thể ứng dụng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.