Thấm thoát mới đó mà chú Nguyễn Nhỏ đã định cư ở Hốc Bồ Đài này hơn 20 năm. Ngày đó, những năm đầu thập niên 80, thoạt nghe đến cái tên đất thôi, vợ chồng chú cũng chùn chân lắm chứ không có được cái sự hăm hở như bây giờ. Bỏ ra 1 chỉ vàng 24 k để đổi lấy 3 sào đất chỉ toàn tranh và cỏ dại. Nơi thì cát trắng bỏng bàn chân, nơi thì cỏ dại mọc quá đầu người. Đất bạc màu đến độ, cứ hễ cắm cây xuống là y như rằng vài ngày sau, mất luôn cả công sức lẫn tiền mua cây giống. Khó khăn là vậy nhưng không làm vợ chồng chú nản chí, bởi cô chú hiểu một điều: người không phụ đất thì đất cũng sẽ chẳng bao giờ phụ lòng người.
Với nghị lực và ý chí “vạn sự khởi đầu nan”, sự lao động chăm chỉ, cần cù của vợ chồng chú Nhỏ đã được đền bù xứng đáng. Hơn 20 năm bám đất, khai hoang, vỡ bờ, đến giờ này, gia đình chú Nhỏ không những đã định cư, nhà cửa khang trang mà tài sản của vợ chúng chú gây dựng đến ngày hôm nay trên 4 ha đất, 1000 trụ thanh long, đàn gia súc, gia cầm vài chục con, 6 sào ruộng gieo cấy quanh năm; không những vậy, chú còn đầu tư cả máy sới, máy kéo tự phục vụ sản xuất trong gia đình, và mới đây lại vừa hạ thế biến áp gần 200 triệu đồng để chong đèn trồng thanh long. Một vùng đất cằn cổi, bạc màu khi xưa giờ đã được thay thế bởi sắc xanh của cây trái, điểm xuyến màu vàng của lúa vào mùa, lấp lánh nụ cười mãn nguyện của người nông dân mỗi khi gặt hái thành quả tốt đẹp.
Ở xã Tân Bình không hiếm gặp những người nông dân chịu khó, ham học hỏi và dám nghĩ, dám làm như chú Nguyễn Nhỏ. Điều kiện thiên nhiên không mấy ưu đãi cho nông dân nơi đây khi đất đai bạc màu, không phì nhiêu, trong khi đó ngành nghề chủ yếu của người dân trong xã là sản xuất nông nghiệp, làm sao để khai thác lợi thế tự nhiên trong từng khu vực để sản xuất, trồng trọt có hiệu quả? Chỉ có sức người, với sự năng động, chịu khó học hỏi và vận dụng kiến thức vào sản xuất mới mong khắc phục được những điều bất lợi của tự nhiên, và đôi khi cái khó lại ló ra cái khôn, trong điều kiện khó khăn như vậy, bà con nông dân trong xã đã luôn năng động tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn áp dụng những cách làm hay, những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện chất đất nơi đây.
Nói đến sự nhanh nhạy, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn phải kể đến cựu chiến binh Trần Văn Lân. Sau nhiều năm trồng keo lá tràm, rồi đầu tư cho cây thanh long thu lại những hiệu quả nhất định, ông liên tục xoay vòng hết trồng trọt lại chăn nuôi, quyết không để đất “nằm im”, hơn một năm nay, sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng đất đai, nhờ con cháu tìm kiếm trên mạng ông đã tìm ra được loại cây trồng mới phù hợp với vùng đất nơi này.
Lặn lội xuống tận miền tây tìm hiểu, tham khảo và được sự tư vấn của kỹ sư nông nghiệp, ông mạnh dạn đầu tư trồng dừa xiêm xanh. Tưởng chừng với đất cát trắng, độ ẩm cao không thích hợp với loại cây trồng này, vậy mà chỉ mới 1 năm 2 tháng, vừa trồng, vừa tham vấn kinh nghiệm từ kỹ sư nông nghiệp, đến nay 360 gốc dừa xiêm lùn xanh và xiêm lùn xanh ma lai nhà ông phát triển xanh tốt, cho tín hiệu khả quan về một loại cây trồng mới trong tương lai.
Với sự năng động, nhạy bén của bà con nông dân, xã Tân Bình cách đây gần chục năm còn được biết đến là địa phương đầu tiên thành công với mô hình trồng bắp vụ nghịch mang lại thu nhập ổn định và trở thành cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo của nông dân địa phương cho đến giờ. Trong thực hiện cơ cấu cây trồng, con nuôi của xã, ngoài 2 loại con nuôi là con bò, con heo; 2 loại cây trồng là cây điều và cây rau sạch theo định hướng phát triển kinh tế chung, bà con nông dân ở đây còn mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định như cây thanh long trên 5 ha, dừa xiêm xanh gần 3 ha, tăng cường phát triển diện tích cây rau sạch quy mô theo quy trình GAP; tăng cường đưa các loại giống mới vào thả nuôi trên 3 ha mặt nước như cá rô đầu vuông, cá lóc bông; ngoài ra các mô hình nuôi dông, heo rừng lai, trồng các loại rau ăn quả cũng đã cho năng suất cao, hiệu quả tốt nhiều năm qua. Trong các mô hình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải kể đến mô hình V.A.C của anh Bùi Ngọc Phong, mô hình trồng trọt chăn nuôi của nông dân Nguyễn Sơn hay hiệu quả từ thực hiện nông lâm kết hợp của Phạm Đình Tám, thực hiện quy trình GAP trồng rau sạch của ông Đặng Văn Nghĩa…v..v
Từ trồng trọt chăn nuôi, với cách làm hiệu quả đã cải thiện đáng kể đời sống, thu nhập của người nông dân trong xã. Căn cứ vào tỷ lệ nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi qua từng nhiệm kỳ có thể thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong đời sống, kinh tế của nông dân Tân Bình. Nếu như từ năm 2007-2009, toàn xã chỉ mới có 115 nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi thì đến nay, số nông dân đạt danh hiệu SX-KD giỏi đã tăng hơn gấp 3 lần so với trước lên tới 348 nông dân, trong đó cấp trung ương 1, cấp tỉnh 7, cấp thị xã 46 và cấp xã 294 người.
Nông dân xã Tân Bình với sự “năng động trong cách nghĩ, mạnh dạn trong cách làm” kết hợp sự chăm chỉ, cần cù trong lao động đã dần thay đổi vùng đất bạc màu trở nên tươi tốt, góp sức cùng với đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn xã nhà phát triển theo nghị quyết mà Đảng bộ Tân Bình đã đề ra trong giai đoạn 2012-2020./.
Thúy Nga