La Gi xưa, sự giàu có được cha ông ta đúc kết qua 2 câu cao dao hết sức ấn tượng: “Ai muốn nghỉ mát lên Đà Lạt/ Ai muốn hốt bạc về Bình Tuy”. La Gi ngày nay là tỉnh lỵ của Bình Tuy xưa. “Muốn hốt bạc về Bình Tuy”... Bình Tuy hồi ấy là sự cộng lại của rừng vàng, biển bạc. Nghề đánh cá La Gi phát triển từ khá sớm. Những ngư dân Nam, Ngãi, Bình, Phú xa xưa dong thuyền trên biển vào đây sinh cơ lập nghiệp.
Sau 37 năm giải phóng, La Gi thành thị xã, thuộc nhóm thị xã phồn vinh và đầy quyến rũ. Vẫn còn đó một Đồi Dương thơ mộng, một bãi biển ngảnh ồn ào, một Cam Bình nên thơ, lãng mạn.
Với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã trẻ từng ngày có sự đổi thay đáng kể. Cuộc sống của người dân nay khác xưa nhiều lắm. Bộ mặt đô thị hiện lên ở từng góc phố, con đường... Hãy cứ hình dung sau giải phóng, toàn tỉnh Bình Tuy (cũ) chỉ có trên dưới 500 chiếc thuyền, mỗi chiếc vài chục mã lực. Xe đò, xe khách toàn chạy bằng than. Còn bây giờ có trên 2.085 ghe thuyền công suất lớn, mỗi chiếc giá vài tỷ đồng. Sản lượng đánh bắt mỗi năm trên 50.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 2 triệu USD. Xe khách loại đời mới có hàng trăm chiếc, là địa phương có đội xe đông nhất, hiện đại nhất.
Xí nghiệp May ra đời đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tạo đà cho sự phát triển công nghiệp ở địa bàn thị xã.
Rất nhiều hộ nông dân, bằng con đường sản xuất đã vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ít ai dám nghĩ trên vùng đất cát bạc màu này, mỗi năm có hàng ngàn ha nông sản đem lại hiệu quả cao, hàng trăm ha cao su đang thời kỳ thu hoạch và phát triển, trên 500 ha thanh long xanh cành, trĩu quả… Nông nghiệp La Gi đã nâng tầm đời sống người dân lên mức đáng kể.
Nói đến La Gi hôm nay, không thể không nói đến cảnh quan đô thị. Bước vào thị xã, vòng xoay Thống Nhất ôm tròn 5 giao lộ, vừa xanh mượt, vừa điệu đà sẽ luôn là điểm nhấn khó quên. Công viên Nguyễn Huệ đối diện vòng xoay là khoảng không gian mở cho khu trung tâm hành chánh thị xã... Không chỉ vậy, chính quyền thị xã đã và đang tiếp tục đầu tư nhiều công trình phúc lợi, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân, trong đó có công viên Phước Lộc, trồng cây xanh đường Lê Minh Công, bến Chương Dương, lắp thêm điện chiếu sáng công cộng, lát gạch vỉa hè những con đường nội thị…
Trên lĩnh vực dân trí, La Gi vẫn duy trì chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Vận động 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp I. Trường lớp hàng năm được đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Mỗi năm, thị xã có hàng trăm em trúng tuyển vào các trường đại học và cao đẳng. Đây là nguồn nhân lực vô cùng quý báu của thị xã.
Ngô Văn Tuấn