Nhìn lại quá trình thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, bám vào các nhiệm vụ được xác định, qua kết quả của từng năm học, nhận thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cần phải tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng nếp sống văn minh ở trường học, mà cụ thể là nâng chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chú ý giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện nếp sống văn hóa, phòng chống bạo lực học đường.
Thực hiện mục tiêu đó, Ngành Giáo dục đã và đang quan tâm xây dựng nếp sống văn minh trong cả ba yếu tố: Nhà trường; thầy, cô giáo và học sinh.
1. Về phía nhà trường: Trong những năm qua, Ngành đã chỉ đạo phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong các nhà trường.
- Xây dựng trường trở thành đơn vị có nếp sống văn minh hay nói cách khác đạt được các tiêu chí của đơn vị có nếp sống văn minh sẽ giúp cho nhà trường có điều kiện thuận lợi để làm tốt nhiệm vụ giáo dục. Gắn liền với nội dung xây dựng đơn vị có nếp sống văn minh , là yếu tố xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực, điều này cũng được ngành coi trọng. Ngành đã tích cực triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Giáo dục phát động. Phong trào này với nhiều nội dung cụ thể thiết thực như xây dựng trường lớp xanh sạch đẹp, chăm sóc các di tích lịch sử,, các hoạt động rèn luyện kĩ năng sống... đã tạo được những chuyển biến trong một số nhà trường. Nhiều trường thực sự quan tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, trong đó, CSVC được đầu tư, cảnh quan môi trường sạch đẹp, các mối quan hệ trong nhà trường giữa giáo viên - giáo viên, giáo viên học sinh, GV - phụ huynh và giữa học sinh với nhau khá lành mạnh, đoàn kết, thân ái. Chính môi trường đó giúp giáo dục đạo đức nhân cách lối sống văn hóa tốt nhất cho thế hệ trẻ.
2. Về vấn đề xây dựng đội ngũ và hình ảnh người thầy:
Từ sự quan tâm của thị xã và sự cố gắng của các thầy giáo, cô giáo, đến nay đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành không chỉ đủ về số lượng, chất lượng đạt chuẩn mà tỉ lệ đạt trên chuẩn khá cao. Đa số đều có ý thức trách nhiệm cao trong công việc. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng giúp ngành Giáo dục thị xã nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nghề giáo là một nghề đòi hỏi cao, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về đạo đức, tư cách. Vai trò người thầy hết sức quan trọng, có yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế chúng ta có khá nhiều thầy cô giáo tận tình, tậm tâm với nghề, hết lòng vì học sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có những biểu hiện rất đáng băn khoăn về đạo đức phẩm chất giáo viên như là sự thiếu gương mẫu, thiếu ý thức phấn đấu hoặc ứng xử chưa văn hóa... trong một số GV.
Vì vậy, ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo để nâng cao chất lượng đội ngũ; yêu cầu thầy giáo, cô giáo không những phải có kiến thức sâu rộng, có lòng yêu thương học trò mà còn phải sống gương mẫu để học sinh yêu kính và noi theo.
Gắn liền với việc xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực, ngành chú ý chỉ đạo xây dựng mối quan hệ thầy – thầy, thầy và trò thực sự lành mạnh đóng vai trò nòng cốt. Mọi vấn đề khác sẽ trở nên giả dối nếu mối quan hệ này không thực sự lành mạnh.
3. Giáo dục và rèn tập cho học sinh về văn hoá đô thị, phòng chống bạo lực học đường.
Đây là một vấn đề mà ngành giáo dục thị xã đã chú ý chỉ đạo thực hiện và đã đạt được một số chuyển biến. Thời gian qua, các trường đã có nhiều hoạt động khá hiệu quả. Chẳng hạn như tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động bổ trợ góp phần giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh, rèn tập lối sống có văn hóa: như phong trào nói lời hay làm việc tốt, các hoạt động tuyên truyền luật an toàn giao thông, phòng chống ma túy, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ở nhiều trường hiện tượng học sinh gây gổ giảm hẳn, đoàn kết thân ái nhau hơn, biết tôn trọng thầy cô giáo, biết ứng xử đúng mực.
Tuy nhiên nhiều trường chưa làm tốt nội dung này, thời lượng dành cho các hoạt động bổ trợ giáo dục còn ít, việc tổ chức nhiều lúc mang tình hình thức, hiệu quả chưa cao; việc giáo dục học sinh cá biệt đang gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả. Hiện tượng học sinh thiếu ý thức học tập, rèn luyện tu dưỡng như bỏ học, sa đà vào chơi game, gây gỗ đánh nhau trong và ngoài trường, tùy tiện trong tham gia giao thông, vẫn còn xảy ra ở một số trường. Ứng xử thiếu văn hóa ...tất cả những biểu hiện đó cho thấy vấn đề giáo dục đạo đức học sinh cần phải được hết sức coi trọng.
Ngành Giáo dục đã quan tâm chỉ đạo vào những vấn đề cụ thể như xây dựng môi trường học tập văn minh, thân thiện; giáo dục các em biết ứng xử có văn hóa, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, để trong môi trường đó các em biết tôn trọng thầy cô, yêu thương bạn bè; về nhà, các em biết yêu thương người thân; ra ngoài xã hội các em sẽ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có nếp sống văn hóa nơi công cộng, nâng cao được tính văn hóa trong ứng xử và hành động. Đặc biệt là vấn đề Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật: đây là điều hết sức hệ trọng hiện nay. Nhà trường phải dạy và rèn cho các em từ việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy ước nhỏ trong lớp, trong trường, đến việc đơn giản gần gũi như là tham gia thực hiện tốt luật giao thông. Bên cạnh việc xây dựng quan hệ thầy trò, bạn bè trong sáng, bền chặt; phải chú ý ngăn ngừa, phát hiện và giải quyết kịp thời mâu thuẫn giữa các cá nhân học sinh trong và ngoài nhà trường, tránh dẫn đến xung khắc, gây gổ; Xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm theo đúng quy định pháp luật và điều lệ nhà trường.
Những biểu hiện văn hóa của con người được thể hiện qua những việc làm rất cụ thể, bình thường ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nhà trường chỉ là một trong nhiều chủ thể tác động đến thế hệ trẻ. Vì vậy để xây dựng nhân cách lối sống cho học sinh – những công dân tương lai của thị xã, ngành Giáo dục kiến nghị:
1. Về thị xã: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn toàn thị xã có hiệu quả thiết thực. Đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa đi vào thực chất chiều sâu, có sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể để vận động các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình có nếp sống văn hóa, tôn trọng pháp luật, làm gương cho con cháu.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả để các gia đình trên địa bàn thị xã nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con em.
Chính quyền thị xã và các phưòng, xã cũng cần có các quy định để góp phần làm lành mạnh không gian văn hoá xung quanh các trường học, không nên để tồn tại những dịch vụ xấu, “nhạy cảm”, làm ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục học sinh. Thực tế có lúc, có nơi, một số địa phương chưa thật sự quan tâm cùng với nhà trường để giải quyết những vấn đề này.
2. Các ngành văn hoá và công an có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để lồng ghép nội dung an ninh trường học với văn hoá học đường vào trong nhà trường, làm cho an ninh và văn hoá khéo léo dựa vào nhau để được lớp trẻ đón nhận nâng cao hiệu quả giáo dục.
3. Về phía các gia đình: Phải quan tâm cùng với nhà trường để giáo dục con em, nêu tấm gương sống cho con em mình.
Xây dựng nếp sống văn minh trong trường học là một quá trình vận động lâu dài, toàn diện và là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục. Không phải một sớm, một chiều mà chúng ta có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Và để rèn tập cho thế hệ trẻ rất cần sự vào cuộc của gia đình và xã hội. Trong khuôn khổ thời gian cho phép, chúng tôi xin được đề cập một số nội dung như trên.
Ngành giáo dục rất mong được sự quan tâm ủng hộ để Ngành thực hiện tốt mục tiêu giáo dục thế hệ chủ nhân tương lai có văn hóa, có sức khỏe, có kĩ năng sống, góp phần vào việc xây dựng phong trào “TDĐKXDĐSVH” của thị xã vững mạnh, hiệu quả.
Lữ Duy Minh