Bốn năm trước đây, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhân dân các phường xã đã tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn. Đã có 8,226 km hẻm bê tông xi măng nội thị với tổng giá trị 2,023 tỷ đồng và 12,78 km đường nông thôn cấp phối sỏi đỏ với tổng giá trị 1,242 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã cải thiện điều kiện, môi trường sống của nhân dân ở nông thôn và nội thị, mang ý nghĩa thiết thực chăm lo đời sống nhân dân.
Năm 2012, theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã phát huy đúng mức ý thức tự giác và khai thác tốt các nguồn lực trong nhân dân. Theo cơ cấu tỷ lệ vốn đầu tư từ đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ta, đối với phường thì nhân dân đóng góp 45 %, còn lại tỉnh hỗ trợ 40 % và cấp huyện thị 15 %; còn đối với địa bàn của một xã thì nhân dân đóng góp 35 %, còn lại cấp tỉnh hỗ trợ 50 %, huyện thị 15 %. Với phương thức góp vốn theo tỷ lệ như vậy, đã thôi thúc nhân dân cùng với nhà nước hưởng ứng tích cực việc làm đường và trở thành phong trào được triển khai sâu rộng tại các địa bàn dân cư, các bước trình tự theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, toàn thị xã đã có 31 tuyến đường đã được triển khai thi công xong với tổng chiều dài 5.532 mét, tổng kinh phí thực hiện 4 tỷ 281 triệu đồng. Qua quá trình tổ chức thực hiện thực tế cho thấy, nơi nào có sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương thì ở đó nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Tại phường Tân An, đơn vị có công trình được triển khai theo phương án nhân dân tự thực hiện mà không giao thầu, đến cuối tháng 8, Tân An đã là địa phương đầu tiên hoàn thành 5/5 tuyến đường với tổng giá trị 1 tỷ 320 triệu đồng. Theo ông Vũ Đình Bửu, Chủ tịch UBND phường Tân An, thì nguyên nhân để Tân An hoàn thành sớm kế hoạch làm đường giao thông nông năm nay là bởi giữa chính quyền và người dân địa phương có sự đồng thuận cao. Trong suốt thời gian thi công, lãnh đạo địa phương đã có mặt kịp thời để động viên bà con nhân dân, nhắc nhở thực hiện đảm bảo quy chế dân chủ, tránh sai sót trong quá trình triển khai thực hiện cũng như tháo gỡ những vướng mắc kịp thời nhờ đó tiến độ thực hiện nhanh chóng. Trong 7 địa phương còn lại có đăng ký kế hoạch ghi vốn thực hiện trong năm nay, thì xã Tân Tiến cũng đã có 2 tuyến đường hoàn thành theo kế hoạch xây dựng. Các địa phương khác cũng khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành sớm. Đến nay, phường Tân Thiện đã hoàn thành 5/6 tuyến giá trị 445 triệu đồng, phường Bình Tân cũng đã có 5/6 tuyến thi công xong, giá trị 1 tỷ 86 triệu đồng, xã Tân Phước 5/6 tuyến với kinh phí gần 440 triệu đồng, Phước Hội 3 tuyến trên tổng số 6 tuyến đường theo kế hoạch, kinh phí trên 336 triệu đồng, Phước Lộc hoàn thành thi công 4/5 tuyến, giá trị trên 211 triệu đồng và xã Tân Hải 2/ 3 tuyến với giá trị 277 triệu đồng.
Qua tìm hiểu thực tế được biết, hầu hết các công trình làm đường giao thông nông thôn, bà con mong muốn được chính họ tự thực hiện con đường của thôn xóm mình, qua đó sẽ tạo điều kiện cho nhân dân có thể góp công, góp tiền, vật liệu, điều này cũng phù hợp với đời sống của bà con nơi cư trú, bên cạnh đó trong quá trình thi công, cộng đồng dân cư trong khu vực cùng tham gia, cộng đồng trách nhiệm tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, nhất là những công trình dân làm sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí về vật tư, điện nước, vừa đề cao tinh thần của nhân dân trong quá trình thi công vừa phát huy được tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh Đảng bộ “Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn là sự nghiệp của nhân dân, dân là chủ thể thực hiện”
Chương trình hành động số 05 của Đảng bộ thị xã La Gi khóa XI về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, hẻm nội thị đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015, phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã đạt tỷ lệ chung ít nhất 45 % tương ứng khoảng 44 km đường ở nông thôn và hẻm nội thị và về lâu dài tất cả các tuyến đường giao thông phải được kiên cố hóa bằng bê tông nhựa, nhựa thâm nhập và bê tông xi măng.
Đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, hẻm nội thị theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” có ý nghĩa thiết thực chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện đi lại học hành cho nhân dân, do đó phải hết sức chú trọng công tác vận động nhân dân để nhân dân thực sự tự nguyện, tự giác, tạo nên phong trào quần chúng rộng khắp. Được như vậy sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và hoàn thành tiêu chí đô thị loại III về giao thông ./.
THÚY NGA