Việc tổ chức lấy ý kiến đã phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết, sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của cả hệ htống chính trị, của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn không để xảy ra những hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiết kiệm. Những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân được trân trọng tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời theo kế hoạch đề ra.
Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn 11 chương, 124 điều. Như vậy, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều; giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đã được nghiên cứu đóng góp ý kiến cho tất cả các chương, các điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua nhiều hình thức: góp ý trực tiếp, trên trang điện tử, bằng văn bản... Nội dung góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên địa bàn thị xã đảm bảo yêu cầu, sát thực. Có tổng cộng 398 ý kiến góp ý với 80/89 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý, tập trung vào các chương: lời nói đầu 20 ý kiến, chương I có 113 ý kiến, chương II có 162 ý kiến, chương III có 53 ý kiến, các chương khác có từ 01 đến 18 ý kiến.
Văn Thoại – Ban Tuyên giáo Thị uỷ