Được địa phương giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình bà vào một ngày trời thật nắng. Phải gởi lại xe và đi bộ khá xa, chen chân trên con đường mòn giữa những vườn Thanh Long, những chân ruộng,… chị cán bộ lao động – thương binh và xã hội Tân Hải cho biết: con đường này vào mùa nắng còn dễ đi chứ mùa mưa thì rất lầy lội, khó đi lắm!
Căn nhà nhỏ nằm tách biệt khuất xa khu dân cư, xung quanh chỉ toàn vườn - ruộng thuộc thôn Hiệp Trí – xã Tân Hải của bà Nguyễn Thị Thạnh gợi cho chúng tôi các buồn man mát. Buồn vì cảnh vắng vẻ và buồn cho gia cảnh của bà. Tham gia kháng chiến năm 1969 hoạt động trong 6 năm, làm công tác tiếp tế lương thực, về sau, bà Thạnh được trao tặng huy chương kháng chiến hạng nhì vì đã có thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chồng cũng là một người hoạt động mật trong chiến tranh… Hòa bình lặp lại, gia đình bà được cấp hơn 3 sào ruộng. Ngày xưa nhà tranh tre vách lá, vợ chồng bà Thạnh nuôi vịt, làm lúa trang trãi cuộc sống gia đình. Chồng mất năm 2004. Nay bà đã 84 tuổi, sức khỏe yếu, hiện đang chung sống với người con gái Tô Thị Chí ngoài 50 tuổi, bị chứng tâm thần, lúc mê – lúc tỉnh và 2 cháu nhỏ: Tô Xuân Thu – 16 tuổi, Tô Thị Xuân Hà – 14 tuổi. Không còn sức lao động, bà cho thuê ruộng đổi lấy gạo để ăn. Người con gái lúc nào tỉnh thì đi lượm phân bò về bán, kiếm vài ba đồng cỏn con. Cuộc sống của bà Thạnh – con và cháu được giúp cái ăn hằng ngày từ người con trai đầu đã lập gia đình, ra riêng mà cuộc sống cũng chẳng hơn bà là mấy. Xuân Thu - cháu trai lớn phải nghỉ học giữa chừng đi làm thuê, ngày giỏi lắm chỉ kiếm được 30 ngàn để lo cho cuộc sống của cả nhà với 4 miệng ăn. Phần còn lại, nhiều người dân trong vùng thấy gia đình bà khó khăn nên giúp đở. Chị Chí - con gái bà, mang bệnh từ nhỏ, 2 cháu ngoại là do chị bị “lợi dụng” xâm hại mà sinh ra. Trong cái thời tiết khắc nghiệt như thế này, bệnh tình của chị càng nặng thêm, chị thường xuyên bị đau đầu nhưng “tiền ăn còn không đủ thì lấy đâu mà uống thuốc”. Xuân Hà năm học tới sẽ vào lớp 6, là gia đình chính sách lại thuộc diện cận nghèo Hà được miễn học phí. Từ trước đến giờ, sách em học toàn là do đi xin của mấy anh chị lớp trước, vở thì những người hàng xóm thương tình mua cho.
Nhà chẳng có tài sản giá trị. Bà Thạnh kể, lúc trước còn xài đèn dầu, nhà ở nơi heo hút nên buồn lắm. Anh Nguyễn Anh Năm (người mà bà thường gọi bằng cái tên thân tình là Năm Thẹo) thương gia đình bà nên mua dây kéo điện vào cho. Chị Phạm Hồng Ánh cho gia đình bà thạnh cái ti vi cũ. Nhà trước đây còn không có cửa, chị Nguyệt bên thôn Hiệp Hòa biết được gia cảnh của bà ủng hộ tiền cho mua tôn làm cửa. Ngay cả ngôi nhà gia đình bà đang ở đây cũng là do xã vận động ủng hộ được 3 triệu đồng, đoàn thanh niên giúp công, cộng thêm số tiền gia đình vay mượn mà xây nên, giờ đã lâu nên cũ kỹ, hơn nữa hồi đó cũng làm tạm bợ lắm vì chẳng có nhiều tiền… Nghèo và khổ thật, nhưng niềm an ủi lớn nhất đối với bà là sự giúp đở từ mọi người, tuy nhỏ thôi và cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với vô vàn cái gia đình đang túng thiếu nhưng điều đó xuất phát từ những tình cảm chân thành, bằng sự sẻ chia đối với một gia đình khó khăn, một gia đình có công cách mạng.
Chẳng biết tự bao đời lý lẽ sống “mình vì mọi người” đã trở thành nét đẹp trong người dân Việt Nam, trong người dân La Gi nói chung, người dân ở xã Tân Hải nói riêng. Cũng như đối với gia đình mẹ liệt sĩ Lê Thị Tỷ - trong điều kiện công tác ngắn ngủi chúng tôi có dịp ghé thăm. Bà cũng thuộc diện cận nghèo, cuộc sống tuy có phần đở chật vật hơn nhưng bà lại mang nỗi đau thể xác, bị cưa 2 chân do bệnh tật. Vết cưa tuy đã lâu nhưng vẫn thường xuyên đau nhức. Bà đang sống với 2 vợ chồng người con làm biển. Theo chế độ bà được hưởng tuất, được tặng xe lăn. Hiện bà được phòng Quản lý đô thị nhận phụng dưỡng hàng tháng…
Anh Năm, chị Nguyệt, chị Ánh, phòng Quản lý đô thị và còn rất nhiều nữa những cái tên cá nhân, tên đơn vị cơ quan – tổ chức gắn với những việc làm, các hoạt động từ thiện. Mà ở đây là công tác đối với gia đình chính sách – đền ơn đáp nghĩa. Như đã thấm nhuần lời dặn dò của Bác trước lúc đi xa “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn… Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ thiếu sức lao động, túng thiếu, chính quyền địa phương cần giúp đỡ họ có công ăn việc làm, quyết không để họ bị đói rét”… truyền thống “uống nước nhớ nguồn – ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã được phát huy.
Không lâu nữa, gia đình bà Thạnh sẽ được ở trong căn nhà mới, khang trang, kiên cố hơn… Mong sao ước mơ “trở thành bác sĩ” của Xuân Hà cũng được chắp cánh, trở thành hiện thực. Và mong muốn lớn hơn “tình người sẽ nở hoa”, bằng những việc làm, những nghĩa cử cao đẹp dành cho các đối tượng chính sách, gia đình có công cách mạng không chỉ vào dịp 27.7 – ngày thương binh liệt sĩ này mà sẽ mãi được duy trì, phát huy… để mỗi người dân đều có thể tự hào: La Gi – quê hương chúng tôi, nơi đó làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa./.
Minh Trúc