Tại xã Tân Bình, có 4 lớp học về chăn nuôi gà thả vườn đã được tổ chức, thu hút 116 người tham gia. Với cách thức: giáo viên vừa truyền đạt kiến thức, học viên song song đó sẽ được tiến hành tất cả các công đoạn chăm sóc gà, từ chuẩn bị và vệ sinh chuồng trại, cho ăn uống, tiêm thuốc, tiêm vacxin,... Trực tiếp theo dõi và so sánh quá trình sinh trưởng phát triển của gà với cách nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trước đây tại gia đình, càng làm cho học viên cảm thấy như bị lôi cuốn vào lớp học.
Chị Nguyễn Thị Bích Liên - xóm 4, thôn Bình An 3, người đã từng tham gia lớp học về chăn nuôi gà thả vườn, trao đổi với chúng tôi đầy thân tình và phấn khởi. Công việc hằng ngày của chị chủ yếu là giữ trẻ tại nhà. Trước đây chị có nuôi gà và chỉ nuôi 5, 10 con để tận dụng nguồn thức ăn thừa, nuôi để lấy trứng, lâu lâu thì làm thịt. Biết đến lớp học chăn nuôi gà thả vườn chị đăng ký tham gia ngay, với mong muốn có thể tận dụng quỹ thời gian nhàng rỗi làm việc gì đó để có thêm thu nhập. Muốn tường tận thấy được kết quả, thời gian đó, ở nhà mình chị cũng nuôi gà đúng như độ tuổi ngày bắt đầu lớp học và quả thật nhận thấy sự khác biệt. Vậy là về sau, chị mạnh dạn tăng số lượng gà nuôi lên 150 - 160 con. Gà nhà chị tự đẻ, tự ấp, tự nhân giống. Chị tham gia lớp học, từ tháng 12 năm trước, và đến nay, sau khi lớp học kết thúc, nhờ áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, bài bản đúng như những gì đã được học, tiền gà bán ra của chị được hơn 20 triệu đồng. Với khoản chi phí chăn nuôi không nhiều vì phần lớn chị sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, nên xem ra số lợi nhuận thu về là đáng kể.
Còn tại hộ gia đình anh Nguyễn Ngọc Báu - thôn Tân Lý 2, hiện có khoảng 500 con gà với nhiều độ tuổi khác nhau. Cũng đã từng rất nhiều năm nuôi gà, thế nhưng sau khi tham gia lớp học chăn nuôi gà thả vườn được mở tại xã , anh mới cảm thấy tự tin hơn với số lượng gà nuôi khá nhiều như vậy. Trước đây, anh Báu cũng chịu khó tìm mua và học hỏi từ những tài liệu về việc chăn nuôi gà nhưng theo anh, những kiến thức ấy còn chung chung, khác với những gì được học tại lớp là những điều thật tỷ mỷ, dễ nhớ vì được học được hành song song nhau. Không như nhiều gia đình chọn phương pháp ấp nở tự nhiên, anh Báu trang bị cho mình máy ấp trứng. Như anh nói, nuôi số lượng nhiều, ấp bằng máy tỷ lệ nở sẽ đạt hơn. Lại tiết kiệm được thời gian - trong lúc để gà tự ấp đến lúc nở và chăm con có thể mất đến hơn 1 tháng gà mới đẻ trở lại. Còn nếu bỏ qua khâu cho gà tự ấp, thì đẻ xong một đợt gà nghỉ chỉ độ 10 ngày sẽ đẻ trở lại. Để đảm bảo chất lượng trứng tốt, ấp nở thành công, anh phân ô nuôi, cứ 7 - 8 gà mái sẽ thả chung với 1 gà trống. Mỗi tháng anh cho ra một lứa gà, khoảng 100 con. Gà từng độ tuổi sẽ được tách nuôi riêng để thuận tiện hơn trong quá trình tiến hành các khâu chăm sóc. Trung bình nuôi 4 tháng thì xuất bán, giá trị thu về thường lời gấp đôi so chi phí. Tuy nhiên, nhu cầu khách hàng của anh Báu phần lớn là mua gà con, nên số đông gà mái anh dành gây giống và lấy trứng để đủ cung cho thị trường. Có vẻ khá hài lòng với công việc hiện tại và đối với anh lớp học chăn nuôi gà thả vườn có một ý nghĩa khá lớn, góp phần không nhỏ cho thành công từ vật nuôi anh đã gắn bó nhiều năm qua.
Lớp chăn nuôi gà thả vườn được tổ chức thu hút khá nhiều đối tượng tham gia học. Phần nhiều trong số đó là chị em phụ nữ. Kết quả sau hơn 2 tháng học được đánh giá chính bằng số gà được nuôi ngay tại lớp. Người thực, việc thực... và hiệu quả là thực chất, thế nên không ít người sau khi được học ở lớp đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi tại gia đình.
Vậy mới biết khi chính sách phù hợp với lòng dân, thiết thực phục vụ đời sống nhân dân, người dân vui, chính sách không lãng phí. Và chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn như lớp học chăn nuôi gà thả vườn là một ví dụ, đã thiết thực phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình./.
Minh Trúc