Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) và 04 năm thực hiện Kết luận số 93-KL/TU của Tỉnh ủy (khóa XI); nhìn chung, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai và thường xuyên đẩy mạnh thực hiện, gắn với phong trào giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; nổi rõ là: Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên đáng kể, nhất là lao động nông thôn. Lực lượng lao động được giải quyết việc làm ngày càng nhiều hơn, góp phần ổn định cuộc sống nhân dân,...Tuy nhiên, kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động còn nhiều hạn chế và không ít khó khăn; đáng chú ý là: Nhận thức và ý thức về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong một bộ phận nhân dân chuyển biến chưa mạnh, chưa đều và chưa tích cực. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề còn thấp, chủ yếu nghề ngắn hạn. Lực lượng lao động chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định trên có giảm, nhưng chưa thực sự bền vững. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề còn nhiều bất cập, đầu tư chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu, kỹ năng thực hành còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả trong thời gian tới, đồng chí Phó bí thư Thường trực Thị ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 05 nội dung sau:
1. Về công tác tuyên truyền:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
2. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ sở dạy nghề gắn với tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương:
- Sáp nhập Trung tâm giáo dục – hướng nghiệp, Trung tâm dạy nghề thành 01 đơn vị; rà soát, xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; các cơ sở dạy nghề phải nắm chắc nhu cầu thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ giữa Trung tâm dạy nghề, đào tạo nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; rà soát đội ngũ lao động hiện có để có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
3. Về giải quyết việc làm:
- Tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương; chú trọng liên kết đào tạo gắn với giải quyết việc làm nhất là thị trường lao động ngoài thị xã; chú ý nhân điển hình các cá nhân, mô hình tiên tiến về đào tạo nghề giải quyết việc làm hiệu quả; khuyến khích mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm.
4. Tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm:
- Quản lý chặt chẽ và phát huy tốt quỹ giải quyết việc làm; chú ý tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.