Trong các lớp học theo chương trình mới, bàn ghế của học sinh không kê theo kiểu thông thường, mà hai bàn học được kê quay mặt vào nhau, để quá trình học, các học sinh luôn ngồi đối diện. Trong các lớp học treo nhiều tranh, ảnh, tủ xinh xắn, ghi tên các góc tự nhiên, góc xã hội, góc tiếng Việt, góc ngoại ngữ, góc cộng đồng, góc điều em muốn nói, sơ đồ cộng đồng.Từ khi thực hiện thí điểm mô hình trường học mới, đến nay trường tiểu học Phước Hội 4 đã có nhiều thay đổi tích cực trong nhận thức của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.Trường chọn 6 lớp gồm 3 lớp khối 2 với 104 học sinh và 3 lớp khối 3 với 99 học sinh tham gia chương trình học. Kết quả học tập của học sinh có sự tiến bộ rõ rệt: Như ở khối lớp 2, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng hơn 7,3% và ở khối lớp 3 tỷ lệ tăng 6% so với năm học trước; Tỷ lệ học sinh trung bình giảm và còn rút ngắn khoảng cách điểm số giữa học sinh giỏi và học sinh trung bình. Đối với trường tiểu học Tân An 1 cũng vậy trong năm học 2012-2013 trường được chọn 2 khối lớp 2 và 3 mỗi khối 2 lớp với 116 học sinh tham gia học với mô hình Vnen này. Qua 1 năm thực hiện việc dạy và học đã có sự chuyển biến rõ nét, số lượng học sinh khá giỏi năm học 2011-2012 là 77,8% , khi áp dụng học mô hình Vnen thì tỷ lệ học sinh khá giỏi đã tăng lên 85,3%. Tuy nhiên để đạt được kết quả đó nhà trường và trực tiếp là các thầy cô giáo giảng dạy theo mô hình Vnen đã nỗ lực hết mình, tâm huyết trao đổi kinh nghiệm mới vào trong tầng tiết dạy, đồng thời khắc phục những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để đạt được kết quả.
Một tiết học theo mô hình VNEN gồm 10 bước, nhưng có thể tổng hợp thành 3 bước cơ bản: học sinh tự học nắm được kiến thức; học sinh vận dụng kiến thức, giải quyết những nhiệm vụ trực tiếp; học sinh ứng dụng kiến thức vào điều kiện thực tế của nhà trường, của cộng đồng, của gia đình. Nội dung dạy học được thiết kế bảo đảm kiến thức có tính thực tiễn, học sinh tự học chứ không chỉ ngồi nghe giáo viên giảng bài. Với cách học như vậy, tùy vào năng lực các em có thể hoàn thành bài học trước hoặc sau. Học sinh hoàn thành trước thì có thể chuyển sang các bài học mới hoặc giáo viên đặt các yêu cầu cao hơn để các em phát huy năng lực cá nhân. Nếu như trước đây, việc đánh giá kết quả nhận thức của học sinh chủ yếu là giáo viên thì nay dựa trên 3 kênh, gồm học sinh tự đánh giá, học sinh đánh giá bạn và bạn đánh giá mình; phụ huynh đánh giá và giáo viên đánh giá trên cơ sở tham khảo 2 kênh nói trên.
Không khí trong giờ học khi áp dụng mô hình mới VNEN luôn sôi nổi, cách giao tiếp của các em tự tin hơn hẳn. Trong phần bài tập về nhà đều có yêu cầu phải có sự giúp đỡ của bố mẹ, điều này đã tạo điều kiện kiểm tra việc học tập của con, em mình, đồng thời cũng tạo sự tin tưởng cho phụ huynh học sinh. Tất cả những điều đó đã khẳng định sự thành công của mô hình trường học mới. Giáo viên, học sinh và phụ huynh đã quen với cách học mới đều rất thích và ủng hộ phương pháp này. Hầu hết các em học sinh của trường đều cho biết khi học theo mô hình này rất thú vị, giúp học sinh thoải mái hơn khi đến lớp.
Do đã quen với cách học mới nên trong suốt quá trình học không khí lớp học khá sôi nổi; việc trao đổi giữa học sinh và giáo viên trở nên thân thiện và gần gũi hơn; các em được chia thành các nhóm nhỏ để cùng học, khi có gì khó không thể giải đáp được, các em sẽ yêu cầu sự trợ giúp từ giáo viên bằng cách sử dụng cờ cứu trợ. Sự phân công công việc trong một nhóm rất rõ ràng, mỗi người một nhiệm vụ, những học sinh yếu cũng được tham gia và bình đẳng như các bạn khác trong nhóm. Cả 2 trường Tiểu học Phước Hội 4 và tiểu học Tân An 1 cùng tham gia thí điểm, sau 1 năm đều mong muốn được nhân rộng mô hình trên toàn bộ các lớp. Có thể khẳng định, đây là mô hình học tiên tiến, việc triển khai nhân rộng sẽ phù hợp với sự phát triển chung của nền giáo dục hiện đại.
Với mô hình trường học mới theo chương trình VNEN của bộ giáo dục và đào tạo triển khai trong năm học 2012-2013 ở các trường tiểu học trên toàn quốc trong đó có 2 trường tại thị xã La Gi, bước đầu mang lại hiệu quả trong việc dạy và học . Đây là một cơ hội lớn để đổi mới căn bản hoạt động sư phạm, chuyển từ hoạt động dạy của giáo viên sang tổ chức hoạt động của học sinh. Học sinh là người tự quản, tự giác, tự khám phá phát hiện để hình thành kiến thức, rèn luyện kỹ năng; học sinh cũng là người chủ động, thực sự là trung tâm của quá trình học tập. Chính vì sự thành công của mô hình, năm học 2013-2014, ngoài việc tiếp tục thực hiện mô hình tại hai trường Tiểu học Phước Hội 4 và tiểu học Tân An 1, mô hình còn được nhân rộng tại hai trường tiểu học Phước Hội 3 và tiểu học Phước Lộc 1.
L.H