Chiều ngày 02/10/2014, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị La Gi tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa bàn xã Tân Phước. Tham dự buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị La Gi có các ông, bà: Bà Phùng Thị Thọ - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Quang - Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; bà Huỳnh Thị Hoa - Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc Điện lực Bình Thuận. Ở thị xã có ông Huỳnh Văn Mạnh - Chủ tịch HĐND thị xã, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận TQVN thị xã, Hội Nông dân, Phòng Kinh tế, Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Đồn Biên phòng Phước Lộc, Văn phòng HĐND&UBND thị xã. Xã Tân Phước có đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận TQVN, Hội Nông dân và đặc biệt có gần 30 hộ cử tri đại diện cho cử tri là chủ phương tiện tàu thuyền trên địa bàn xã đang hoạt động đánh bắt hải sản đã từng bị phương tiện giã cào bay cuốn ngư lưới cụ.Xã Tân Phước - Thị xã La Gi có diện tích gần 33 km2, dân số trung bình 11.722 người, có bờ biển dài từ 5 đến 6 km; người dân Tân Phước sống bằng nghề nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Theo khảo sát trên địa bàn xã có khoảng 500 thúng chai, thuyền công suất nhỏ dưới 20CV có khoảng 40 chiếc. Với phương tiện thô sơ này người dân chủ yếu khai thác gần bờ. Phát biểu khai mạc buổi tiếp xúc, bà Phùng Thị Thọ thay mặt Tổ đại biểu HĐND tỉnh cho biết toàn thị xã hiện nay có 106 tàu cá hoạt động nghề giã cào bay (tức 53 đôi, gồm: Bình Tân 31 đôi, Phước Hội 13 đôi, Phước Lộc 07 đôi, Tân An 01 đôi, Tân Thiện 01 đôi). Ngoài ra hàng năm, số thuyền hoạt động nghề giã cào bay ngoài địa phương đến vùng biển La Gi cao điểm nhất ở vụ cá Nam khoảng 60 chiếc. Theo quy định tại Thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP; Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam họat động trên các vùng biển đã quy định: Cấm nghề lưới kéo hoạt động tại tuyến bờ, tại tuyến lộng cấm nghề lưới kéo hoạt động đối với thuyền có công suất từ 90CV trở lên. Theo đó, thì thuyền nghề giã cào bay chỉ được hoạt động ở vùng khơi (là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam). Tuy nhiên, vùng biển xã Tân Phước có đặc điểm của vùng bãi ngang, nằm trong vùng nước đối lưu nên sinh vật "phù du" tập trung nhiều vì thế nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng phong phú, đặc biệt là vụ cá Nam từ tháng 4 đến tháng 10, khi khai thác ven bờ, nghề giã cào bay thu được lợi nhuận cao hơn nhiều so với các nghề khác. Chính đặc điểm đó đã thu hút nhiều thuyền nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến, gây thiệt hại rất lớn đến nguồn lợi thủy sản và làm ảnh hưởng đến các nghề khai thác ven bờ, gây mâu thuẩn trong cộng đồng dân cư. Mặc dù có nhiều quy định điều chỉnh, quản lý nghề giã cào bay và được các cơ quan chức năng tuyên truyền thường xuyên nhưng đến vụ cá Nam tại vùng biển thị xã La Gi vẫn có khoảng 30 thuyền (15 đôi) nghề giã cào bay có công suất lớn (trên 90CV) hoạt động ven bờ (tuyến bờ và tuyến lộng), thường xuyên sử dụng lưới có kích thước mắt lưới phần đụt nhỏ hơn quy định để khai thác các loài thủy sản; đặc biệt vùng ven bờ là vùng hoạt động đông đúc của nghề lưới rê, nghề lưới ghẹ, nghề rập ốc... nên hoạt động của thuyền giã cào bay đã cào rách, mất lưới của các thuyền nghề này.
Tại buổi tiếp xúc, có 07 ý kiến phát biểu đại diện cho gần 30 hộ cử tri là chủ phương tiện tàu thuyền trên địa bàn xã đang hoạt động đánh bắt hải sản đã từng bị phương tiện giã cào bay cuốn ngư lưới cụ và 4 ý kiến phát biểu của đại diện các phòng, ban tham dự. Qua phát biểu, cử tri đã cho thấy sự bức xúc, nổi lo lắng khi phải đối đầu với những mâu thuẫn sâu sắc trong quá trình khai thác giữa những thuyền có công suất lớn, lực lượng lao động đông với những thuyền, thúng nhỏ, đơn lẻ; sự lo lắng về trật tự trị an trên biển, có người cho rằng: "chỉvì miếng cơm, manh áo để nuôi con ăn học mà để xảy ra những mâu thuẫn có thể dẫn đến chết người...". Kết thúc buổi tiếp xúc, bà Phùng Thị Thọ, đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh hết sức cảm thông và chia sẻ những bức xúc của bà con ngư dân và ghi nhận ý kiến đóng góp nhiệt tình, sôi nổi của đại biểu cử tri và đại diện các đơn vị và nhấn mạnh các nội dung sau: Hoạt động giã cào bay sai tuyến làm mất, rách ngư lưới cụ của các ngư dân hoạt động khai thác thủy sản ven bờ là bức xúc kéo dài của bà con ngư dân xã Tân Phước nói riêng và ngư dân toàn thị xã nói chung. Lãnh đạo thị xã sẽ cố gắng kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Thủy sản xem xét điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm làm hạn chế việc cấp mới giấy phép khai thác, hạn chế thời gian khai thác...đối với loại hình khai thác này. Về phía địa phương, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp cho hai nhóm đối tượng: nhóm bị thiệt hại (chú ý tính chất chân thật trong khai báo khi bị mất tài sản, công tác phối hợp hỗ trợ với đơn vị chức năng) và nhóm hoạt động giã cào bay (thực hiện cam kết, giới thiệu về địa phương để chú ý khi thụ hưởng các chính sách khác). Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tốt các tin báo, các tình huống tranh chấp xảy ra; phát huy đúng mức vai trò của chính quyền cơ sở, đoàn thể, các tổ đội khai thác thủy sản, chi hội nghề cá trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát việc thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương. Phát động ngư dân nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thường xuyên giám sát và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng giã cào bay hoạt động sai tuyến. Đồng thời thị xã sẽ nghiên cứu thành lập đường dây nóng, Tổ liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này.
Qua buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về " Thực trạng các phương tiện giã cào bay hoạt động sai tuyến trên địa bàn thị xã La Gi làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại ngư lưới cụ của bà con ngư dân và giải pháp khắc phục", bà con ngư dân đã gởi gắm nhiều tâm tư, tình cảm đến các các cơ quan chức năng. Với quyết tâm của các đơn vị chức năng, sự công tác nhiệt tình của đại biểu cử tri, hy vọng rằng, qua đợt tiếp xúc chuyên đề này Tổ đại biểu HĐND tỉnh sẽ có những giải pháp hữu ích giúp người dân tháo gỡ những khó khăn. vướng mắc mà bấy lâu nay họ mong đợi./.