Trong lúc tình hình cả nước có những chuyển biến dồn dập, khẩn trương khi phát xít Nhật đầu hàng quân đội đồng minh không điều kiện. Ngày 24-8-1945, những nguồn tin sôi động về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh từ thị xã Phan Thiết được xác nhận, lan rộng đến Hàm Tân. Các làng Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân đã cử người ra tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, ngay sau đó một số đảng viên của chi bộ Cộng sản Tam Tân trước đây cũng chủ động lãnh đạo cuộc chuẩn bị cướp chính quyền tại chỗ.
Lúc này, số thanh niên tiến bộ trong các tổ chức thanh niên Hướng đạo, thanh niên Tiền tuyến (Phan Anh)… từ lâu do các thành phần quan lại, tư sản, trí thức thành thị chi phối hoạt động nay được dịp đứng dậy vận động quần chúng mà họ tranh thủ được.
Đêm 25-8, những thanh niên cốt cán thuộc lực lượng thanh niên Tiền tuyến của huyện và các tổng Phong Điền, Phước Thắng, thanh niên các làng Phước Lộc, Hàm Tân họp mặt tại huyện lỵ (La Gi) bàn việc cấp bách cử người ra Phan Thiết tiếp xúc với Việt Minh tỉnh. Nhưng mãi đến 9 giờ sáng hôm sau kết quả tranh luận đề cử ai nhận sứ mệnh này vẫn bế tắc giữa 2 nhóm: Nhóm do Đào Lương vốn là thừa phái tri huyện đang giữ chức huyện đoàn trưởng thanh niên muốn giành ảnh hưởng chính trị về nhóm mình. Nhóm khác đa số hơn đã cử Đỗ Đơn Thơ, Đỗ Đơn Trì, Lê Kim Khôi làm đại biểu ra tỉnh xin chỉ thị.
Chuyến xe đò duy nhất trong ngày 26-8 phải khởi hành trễ hơn 3 giờ so với mọi hôm vì chờ đợi sự tranh chấp của 2 nhóm, kết quả nhóm thanh niên tiến bộ thắng thế hơn. Cùng đi trên chuyến xe này cũng có thừa phái Đào Lương và tri huyện Hồ Đình Lan về tỉnh để gặp Tuần vũ Huỳnh Dư (tỉnh trưởng Bình Thuận lúc đó) để báo cáo và xem xét lại tình hình. Đoàn đại biểu thanh niên Hàm Tân đến Phan Thiết giữa lúc Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đang bề bộn nhiều việc. Đến sáng ngày 28-8, đoàn đại biểu mới gặp được đồng chí Nguyễn Nhơn, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh. Sau khi báo cáo tình hình và trao đổi kế hoạch, tỉnh đã cấp giấy ủy nhiệm cho đồng chí Đỗ Đơn Thơ, đại diện về tổ chức giành chính quyền ở Hàm Tân.
Các xã mảng bắc Hàm Tân (Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân) khi được tin các nơi khởi nghĩa giành chính quyền, số đảng viên trong tổ chức Cộng sản trước đây bị vỡ nằm im và quần chúng cách mạng nay có cơ hội đứng lên vận động quần chúng khởi nghĩa cướp chính quyền([1]). Ngày 21-8-1945, số đảng viên này cử người về tỉnh liên hệ xin chỉ thị và 7 giờ sáng ngày 26-8-1945, cuộc nổi dậy của nhân dân 3 xã mảng bắc Hàm Tân rầm rộ trong khí thế “cờ phất trống rung”, làn sóng người như nước vỡ bờ từ các nơi xa xôi hẻo lánh, già trẻ gái trai tay dao, tay mác kéo về đình làng, trụ sở, trường học… mit-tinh hô vang khẩu hiệu:
- Đả đảo phát xít Nhật !
- Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim !
- Việt Nam độc lập muôn năm !
- Chính quyền cách mạng muôn năm !
Tại một địa điểm tập trung trước sân trường học Phong Điền, lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay trước gió làm nức lòng mọi người. Ông Ngô Quang Minh (tức Thị Tâm) nhân danh Mặt trận Việt Minh đứng ra tuyên bố chương trình hành động Mặt trận Việt Minh và tuyên bố từ nay chính quyền đã về tay nhân dân, tự mình làm chủ đất nước, mọi người đều bình đẳng dưới chế độ mới, xoá bỏ chế độ người bóc lột người. Sau mit-tinh là cuộc biểu tình tuần hành qua các xóm thôn, cờ bay phất phới và vang lời hô to khẩu hiệu làm náo nức lòng người hơn bao giờ hết.
Tại La Gi, khoảng 17 giờ ngày 28-8 xuất hiện một chiếc máy bay, sau mấy vòng quần đảo ở vùng bãi biển đồi dương Tân Lý thả xuống 13 chiếc dù. Lần đầu tiên nhân dân ở đây mới thấy máy bay thả dù, tuy chưa nhận định sự việc sẽ xảy ra thế nào nhưng cũng linh cảm được tình hình khẩn trương, cấp bách đã diễn ra trong những ngày gần đây. Lực lượng thanh niên tiến bộ kịp thời phát hiện âm mưu địch, vừa báo động vừa huy động lực lượng quần chúng xung phong hướng thẳng Đồi Dương với tinh thần truy lùng bắt địch. Lúc ấy mọi người già, trẻ, gái, trai với tay dao, tay mác, gậy gộc… bất chấp hiểm nguy xông về phía trận địa. Đây là trận tập dượt đầu tiên với khí thế hừng hực cách mạng của nhân dân các làng Phước Lộc, Hàm Tân, Tân Lý…
Bọn địch nhảy dù lợi dụng Đồi Dương rậm rạp và bóng đêm ẩn náu nhưng chưa kịp thu dọn những chiếc dù, quân dụng còn rơi rớt trên bãi biển. Trong lúc đó các anh Phạm Phú Đạm, Hứa Tự An, Trần Công Hoành… cùng một số trai tráng hăng hái bàn tính kế hoạch truy lùng. Sau khi thương lượng và mượn được cây súng săn 2 nòng của linh mục Giàu (nhà thờ Tân Lý) với vũ khí thô sơ ná, tên, giáo, mác đã áp đảo được kẻ địch còn đang lúng túng, hốt hoảng. Kết quả ta bắn bị thương 1 tên Pháp, bắt sống 3 tên khác và 2 tên Việt gian. Về vũ khí ta thu được 2 súng Cạc-bin, 1 Mi-trai-det, 4 súng ngắn, 6 máy TSE và một số đồ đạc, vàng, tiền… Lần lượt đưa từng tên giặc bị bắt về giam tại nhà Thương Chánh La Gi để khai thác.
Cùng lúc đó các làng phía Bắc (Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân, Văn Kê…) cũng được tin Tây nhảy dù Đồi Dương đã nhanh chóng huy động quần chúng kéo xuống tiếp ứng, nhưng đến ngảnh Tam Tân thì cuộc truy lùng vừa kết thúc.
Trong tình hình sôi động, lòng dân như mở hội, tinh thần đoàn kết có dịp khơi dậy nên hăng hái tự giác ai ai cũng muốn góp phần mình vào cuộc chiến đấu chung. Thế là không ai bảo ai mà mỗi người đã tự nguyện tham gia đóng góp sức mình từ thức ăn, nước uống, quà bánh tiếp tế cho lực lượng truy lùng bắt địch suốt ngày đêm. Bọn nguỵ quyền Hàm Tân vô cùng hốt hoảng, rệu rã trước khí thế của toàn dân, cùng lúc tri huyện Hồ Đình Lan từ Phan Thiết vừa về và xin đầu hàng chính quyền cách mạng vô điều kiện.
Sáng ngày 29-8, các làng Bình Châu, Thắng Hải nghe tin cách mạng làm chủ tình hình huyện lỵ, quần chúng đã tự động trang bị vũ khí kéo về huyện để biểu dương khí thế hưởng ứng.
Sau vụ nhảy dù bị thất bại, giặc Pháp vẫn chưa từ bỏ âm mưu chiếm đóng lại vùng này nên cho máy bay tiếp tục nhảy dù ở Suối Kiết, quần đảo liên tục trên bầu trời Hàm Tân và ngoài biển La Gi, có tàu thủy chạy ven bờ hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân ta.
Lực lượng cách mạng ở huyện lỵ còn non trẻ, chưa nắm vững phương hướng hành động cách mạng nhưng qua hệ thống nhà Dây Thép([2]) được duy trì, ta giữ được liên lạc thường xuyên với Việt Minh tỉnh, nhờ vậy sự chỉ đạo được kịp thời trong tình hình có biến động.
Ngày 2-9, tại sân banh La Gi (nay thuộc khu vực đường Bác Ái, phường Phước Hội), gồm đông đảo nhân dân các làng phụ cận về dự lễ mừng độc lập với khí thế tưng bừng của ngày hội lớn. Buổi mit-tinh được biến thành cuộc bầu cử dân chủ để thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của huyện. Lần đầu tiên người dân ở đây chào lá cờ đỏ sao vàng với bao niềm xúc động tự hào. Đồng chí Đỗ Đơn Thơ với tư cách người được Việt Minh tỉnh ủy nhiệm đứng ra điều khiển chương trình lễ mừng độc lập, phổ biến chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh và tổ chức trưng cầu ý dân về việc bầu cử Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời. Mọi người cảm thấy phấn khởi khi nghe đến quyền cơ bản của con người, về sự bình đẳng các dân tộc, bình đẳng nam và nữ, bãi bỏ các chế độ người bóc lột người, bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, chia ruộng cho dân nghèo v.v… Đến phần bầu cử, theo phương thức người được giới thiệu ứng cử đứng ở một góc sân banh và cách biểu quyết là ai tán thành người nào thì kéo đến đứng bên ứng cử viên đó. Tuy cách làm đơn giản nhưng xiết bao xúc động dạt dào của những tấm lòng khao khát tự do dân chủ, độc lập của nhân dân buổi đầu được chính quyền cách mạng trao cho quyền lựa chọn. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân như sau: Chủ tịch: ông Phan Thanh Bá, Phó Chủ tịch: ông Đỗ Đơn Thơ, Tổng thư ký: ông Trần Công Hoành, Uỷ viên quân sự: ông Phạm Phú Đạm.
Ngay sau đó Ủy ban họp phân công và cử thêm 4 uỷ viên: ông Tạ Văn Hiệp (cán bộ tỉnh) làm Ủy viên tuyên truyền; ông Đỗ Đơn Trì làm Ủy viên kinh-tiếp-tế và ông Lê Kim Khôi làm Ủy viên trinh sát.
Buổi lễ mừng độc lập kết quả đầy phấn khởi và tin tưởng.
Trước đó, tri huyện Hồ Đình Lan ngấm ngầm tập hợp số quan lại cũ để thành lập chính quyền cách mạng giả hiệu, nhưng âm mưu đó không thành. Ngày 3-9, Hồ Đình Lan đã giao nộp sổ sách, ấn dấu cho chính quyền cách mạng chấm dứt vĩnh viễn chế độ ngụy quyền phong kiến thực dân ở Hàm Tân.
([1]) Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Thuận Hải (1984) T.162
([2]) Bưu điện.
Nguồn: Trích từ Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân (1930 – 2005).