Từ những ngày đầu sau giải phóng và thành lập Đảng bộ huyện Hàm Tân lâm thời, cơ quan Tuyên giáo được thành lập. Tùy vào từng giai đoạn, do yêu cầu thực tiễn, biên chế của Ban có từ 2 đến 5 đồng chí, có thời điểm đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy kiêm trưởng ban, cán bộ huấn học Ban Tuyên giáo kiêm phụ trách Trường Đảng huyện (nay là Trung tâm bồi dưỡng chính trị). Hiện nay, Ban Tuyên giáo Thị uỷ đã hoàn chỉnh bộ máy theo qui định với biên chế là 04 đồng chí; ở các đoàn thể chính trị xã hội đều có phân công cán bộ phụ trách công tác tuyên huấn; tất cả 9 xã, phường đều có thành lập Ban Tuyên giáo và có cán bộ phụ trách công tác Tuyên giáo. Đội ngũ Báo cáo viên có 16 đồng chí và Tổ cộng tác viên Dư luận xã hội có 22 đồng chí.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo được quan tâm tăng cường. Hiện nay tất cả cán bộ của Ban Tuyên giáo Thị ủy đều có trình độ đại học chuyên ngành, và đủ chuẩn về trình độ lý luận chính trị, đáp ứng được yêu cầu công tác. Qua nhiều thời kỳ đã có nhiều đồng chí được đào tạo và trưởng thành từ Ban Tuyên giáo được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của thị xã, và nhiều đồng chí được khen thưởng, vinh danh vì sự nghiệp tuyên giáo. Đối với cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo xã, phường thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cơ bản và nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy Đảng và Uỷ ban nhân dân xã, phường... Các binh chủng của công tác Tuyên giáo cũng trưởng thành và phát triển, đảm nhiệm được yêu cầu của công tác được giao.
Về phương tiện, nội dung và phương pháp công tác của ngành không ngừng được cải tiến. Bằng sự nhạy bén, sáng tạo, đội ngũ cán bộ Tuyên giáo đã chủ động đề ra những phương thức đa dạng, linh hoạt, thích hợp với từng yêu cầu nhiệm vụ, từng đối tượng đã làm cho chất lượng công tác Tuyên giáo không ngừng được nâng lên.
Thời kỳ đầu sau giải phóng, công tác tuyên truyền cổ động trực quan chỉ thực hiện bằng các hình thức thô sơ, đơn giản như sử dụng các đội thông tin lưu động, những đội văn nghệ quần chúng, dùng loa tay, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền bằng phấn, sơn trên những tấm tôn, gỗ, giấy… tuyên truyền, phát động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng xã hội mới… Đến nay đã có hệ thống Đài truyền thanh – truyền hình phủ sóng trong toàn thị xã và mạng lưới Đài cơ sở cùng với đội thông tin lưu động của thị xã với những phương tiện tuyên truyền hiện đại như xe loa, khẩu hiệu in hamlet, khẩu hiệu điện tử..., trang thông tin điện tử của thị xã được thành lập từ nhiều năm trước góp phần chuyển tải thông tin được kịp thời, chính xác. Công tác tuyên truyền trực quan đã không ngừng cải tiến nội dung phục vụ, nhằm mục đích đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với Nhân dân; phát động, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hoá qua việc giới thiệu các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương người tốt việc tốt... Lực lượng tuyên truyền viên cơ sở trên 100 đồng chí được phân công hoạt động đều khắp các thôn, khu phố. Qua công tác tuyên truyền, vận động nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân tự nguyện hiến đất làm công trình, đường giao thông nông thôn, thủy lợi phục vụ lợi ích dân sinh, lợi ích công cộng… Để nắm bắt kịp thời tâm trạng và dư luận xã hội có đội ngũ nghiên cứu dư luận xã hội với 22 đồng chí hoạt động theo qui chế của Ban thường vụ Thị uỷ. Qua lực lượng này Ban Tuyên giáo đã kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, trên cơ sở đó nghiên cứu, phân tích, chọn lọc, báo cáo với lãnh đạo, phản ánh, đề nghị với các ngành chức năng có biện pháp xử lý nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã.
Công tác giáo dục lý luận chính trị thường xuyên được đổi mới về nội dung và phương pháp. Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã được thành lập từ tiền thân là Trường Đảng huyện với đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm chức vững vàng về chính trị và đầy tâm huyết. Phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới, chú trọng phương pháp đối thoại giữa giảng viên và học viên, kết hợp báo cáo thông tin thời sự trong và ngoài nước để định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giáo án điện tử thay thế dần cho phương pháp truyền thống trong những năm trước. Bình quân hàng năm, Trung tâm bồi dưỡng chính trị thị xã mở 40 lớp học, tập huấn các loại với hơn 3000 lượt học viên tham dự, qua học tập, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên đáng kể, các học viên đã vận dụng kiến thức vào công tác góp phần hoàn thành nhiệm vụ đạt kết quả tốt hơn đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác đấu tranh, phản bác mọi luận điệu xuyên tạc sai trái, phản động của các thế lực thù địch góp phần bồi đắp niềm tin đối với Đảng.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống được xem là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Sau 18 năm giải phóng – năm 1993, Đảng bộ huyện Hàm Tân đã xuất bản cuốn “Hàm Tân - 45 năm lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng 1930 - 1975”. Đến năm 2008, Đảng bộ thị xã La Gi cùng với Đảng bộ huyện Hàm Tân trên cơ sở tái bản, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung ở giai đoạn 1930 – 1975 và biên soạn tiếp giai đoạn xây dựng và phát triển 1975 – 2005, đã xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân 1930 – 2005”. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, phường triển khai biên soạn lịch sử truyền thống. Đến nay tất cả các xã, phường (kể cả các xã, thị trấn theo đơn vị hành chính huyện Hàm Tân trước khi chia tách) đều đã xuất bản tập lịch sử truyền thống. Cùng với những công trình biên soạn lịch sử truyền thống ở địa phương, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng được cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện bước đầu đã phát huy được tác dụng giáo dục, tuyên truyền, tác động sâu sắc về ý thức cũng như tình cảm gắn bó với mảnh đất, con người cũng như niềm tự hào của các thế hệ qua các giai đoạn lịch sử vẻ vang của quê hương.
Ngoài các chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo giúp cho Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo triển khai thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sâu rộng trong toàn đảng bộ, đã đưa việc “làm theo” gương Bác đi vào nề nếp và trở thành việc làm thường xuyên của mọi tổ chức và cá nhân. Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” đã có tác dụng lớn trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đấu tranh, ngăn ngừa tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tạo được sự tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, có sức lan toả làm chuyển biến ý thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân theo hướng tích cực, chất lượng và hiệu quả của việc phục vụ nhân dân được nâng lên rõ nét.
Với những nỗ lực trong chặng đường 40 năm qua, chúng ta rất đỗi tự hào về những kết quả đạt được trong công tác Tuyên giáo của Đảng bộ thị xã. Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ các thế hệ đi trước, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, muốn hoàn thành nhiệm vụ, người làm công tác tuyên giáo phải nhạy bén, chủ động trong việc nắm bắt và xử lý thông tin, kịp thời định hướng dư luận, giúp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, các sự kiện bằng cách phản ánh thông tin chính thống, kịp thời, thuyết phục, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, chúng ta tin tưởng từng đồng chí làm công tác Tuyên giáo sẽ tích cực rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bám sát thực tiễn, luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhân dân giao phó với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội của thị xã trong những năm tiếp theo.