Hành trình đi qua các địa chỉ đỏ, các bia chiến tích, nơi ghi dấu những trận đấu tranh, những sự kiện lịch sử quan trọng như Di tích lịch sử Dốc Ông Bằng nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận (1930), bia chiến tích Bắt lính nhảy dù (1945), bia chiến tích trận Mã Thánh (1947), bia chiến tích trận diệt chi khu Hàm Tân (1962), tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Hành trình dài tổng cộng 37km, các thành viên di chuyển bằng xe đạp xuyên suốt hành trình.
Đúng 6h00 sáng ngày 22/7/2017, 24 thành viên tham gia có mặt tại Bia chiến tích trận Chi khu Hàm Tân, thuộc xã Tân Hải ngày nay. Các thành viên được nghe đồng chí Trần Văn Quý, giáo viên bộ môn Giáo dục Quốc phòng trường THPT Nguyễn Trường Tộ, nêu tóm lược ý nghĩa trận đánh diệt chi khu Hàm Tân. Tại nơi đây, “Đêm ngày 4/8/1962, lực lượng tập trung của tỉnh phối hợp cùng bộ đội địa phương huyện có nội tuyến trong lực lượng dân vệ phục vụ nắm tình hình đã hướng dẫn tấn công tiêu diệt hoàn toàn Chi khu Hàm Tân diệt và làm bị thương gần 150 tên, bắt sống 9 tên, thu 84 súng các loại, số còn lại đầu hàng” (1).
Đúng 6h30, với tinh thần hăng hái, sẵn sàng tham gia hành trình, 24 thành viên hành quân về di tích Dốc Ông Bằng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, thuộc xã Tân Tiến ngày nay. Tại nơi đây, “Thầy giáo Ngô Đức Tốn vào dạy học ở làng Tam Tân và thành lập Phản đế Đồng minh Hội, đến cuối năm 1930 thành lập chi bộ Đảng Tam Tân tại Dốc Ông Bằng gồm 7 đảng viên do đồng chí Ngô Đức Tốn làm bí thư” (2). Dưới ánh nắng dịu nhẹ của tiết trời sáng tháng 7, cả đoàn đã tổ chức chào cờ, hát Quốc ca, phút tưởng niệm vong linh các tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã đổ xương máu bảo vệ vùng đất Cách mạng Tam Tân.
Chúng tôi tiếp tục lên đường, đạp xe dọc theo tuyến đường Bàu Dòi đến điểm tiếp theo. Đi trên con đường mới, ngắm nhìn những cánh đồng ruộng bao la, bát ngát trải dài đến những ngọn núi xa, ngẩng đầu đón những cơn gió mát, cảm thấy lòng khoan khoái tràn ngập niềm vui. Các giai điệu vang lên, đoạn đường như ngắn lại, chúng tôi đến Bia chiến tích Trận Mã Thánh vào lúc 9h30. Tại nơi đây, “Sáng ngày 17/8/1947, đơn vị Hoàng Hoa Thám thuộc trung đoàn 82 Bình Thuận phối hợp với 1 trung đội thuộc đại đội Phan Đình Phùng cùng dân quân địa phương chặn đánh địch. Ta diệt tại chỗ 47 tên, làm bị thương 18 tên, trong đó có 2 sĩ quan Pháp chỉ huy, thu được 1 trung liên Brem, 1 tiểu liên Sten, 37 súng trường Anh và nhiều đạn dược, quân dụng, ….”(3) Được biết đây là trận đánh quân ta lấy ít thắng nhiều, trận đánh có tính chiến lược cao, các bạn đoàn viên thanh niên rất thích và chăm chú lắng nghe…
Hành trình lại tiếp tục đến Công viên thị xã La Gi, tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, tại đây các thành viên tham gia các trò chơi làm việc nhóm, các trò chơi vận động vui vẻ, lý thú, và đặc biệt là cuộc thi tìm hiểu về Ngày Thương binh, Liệt sỹ Việt Nam đã cung cấp rất nhiều kiến thức cho các bạn đoàn viên thanh niên. Sau buổi trưa, những chiếc xe đạp lại hăng hái lên đường, những lá cờ Tổ Quốc, cờ phướng tươi màu lại tiếp tục tung bay trên tuyến đường Thống Nhất. Đoàn cờ lại tiếp tục qua cầu Tân Lý, nơi neo đậu nhiều tàu thuyền của ngư dân thị xã La Gi, các đoàn tàu trải dài khắp bờ sông Dinh, tạo cảm giác cuộc sống trù phú, khá giả đang lan tỏa dần trong cộng đồng người dân La Gi.
14h00, chúng tôi đến với bia chiến tích Bắt lính Tây nhảy dù thuộc khu Đồi Dường, phường Bình Tân. Tại nơi đây, “Chiều ngày 24/8/1945, trên bờ biển Đồi Dương (Tân Lý) xuất hiện chiếc máy bay thả xuống 13 chiếc dù. Rất kịp thời và chủ động, lực lượng quần chúng La Gi, Tân Lý, Phước Lộc, Tam Tân, Phong Điền đã tiến công truy bắt địch và ngay trong đêm tóm gọn 4 tên Pháp, 2 tên Việt gian và một số vũ khí, quân dụng.”(4) Được biết ở trận này, người dân tham gia rất đông, mà chủ lực là lực lượng thanh niên tiến tiến đã lùng bắt bọn giặc khi chúng lẩn trốn vào vùng bụi rậm, đầm lầy. Thế mới biết, thời nào cũng vậy, thanh niên là phải luôn xung kích đi đầu trong mọi hoạt động khó khăn mà anh dũng.
Hành trình khép lại cùng những hoạt động tổng kết tại Bãi biển Đồi Dương. Chúng tôi lên xe đạp quay về. 37km với nhiều cảm xúc và kiến thức về lịch sử địa phương. Vừa được rèn luyện sức khỏe, vừa được nuôi đưỡng tinh thần Cách mạng, mỗi thành viên tự hứa với lòng sẽ tham gia và cống hiến nhiều hơn nữa cho công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi trên toàn thị xã.
Các chú thích:
(1) Sách Lịch sử Đảng bộ Huyện Hàm Tân, trang 157.
(2) Sách lịch sử Đảng bộ Huyện Hàm Tân, trang 401.
(3) Sách lịch sử Đảng bộ Huyện Hàm Tân, trang 70, 71.
(4) Sách lịch sử Đảng bộ Huyện Hàm Tân, trang 402.