Trước tình hình đó, để tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch thời gian qua, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội; trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 như sau:
1. Tuyên truyền, khuyến cáo tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị) và các giải pháp phòng, chống dịch theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” trước sự xuất hiện của biến thể BA.4, BA.5 của Omicron và các biến thể khác. Tự giác, tích cực tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 kịp thời, đầy đủ: mũi 3 và mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mục tiêu của Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời, tự thực hiện kiểm tra, rà soát thông tin tiêm chủng Covid-19 của cá nhân (trên ứng dụng PC- COVID, Hồ sơ sức khỏe điện tử, VNEID) và sử dụng chức năng “Phản ánh thông tin tiêm chủng” trên Cổng Thông tin tiêm chủng COVID-19 tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn/ nếu thông tin thiếu hoặc sai lệch.
2. Tuyên truyền, làm rõ về tác dụng, hiệu quả, lợi ích của vắc xin trong phòng dịch bệnh; khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng; nhất là các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em), những người muốn lựa chọn vắc xin, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp; tuyên truyền, giải thích “tiêm chủng phòng ngừa COVID- 19 là nghĩa vụ, là quyền lợi, trách nhiệm của người dân”; khẳng định “tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh”, cần tiêm đầy đủ và đúng hạn các loại vắc xin được khuyến nghị; cảnh báo về các biến chủng mới của dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm và tái nhiễm Covid-19.
3. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về chiến dịch tiêm chủng, kế hoạch, chỉ tiêu tăng cường tiêm vắc xin do Chính phủ đề ra; quan tâm tuyên truyền đến các nhóm đối tượng được chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin: các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
4. Tuyên truyền, quán triệt tư tưởng “Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch Covid-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thúc đẩy hồi phục kinh tế nhanh và phát triển bền vững”; “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết trước hết để hành động”; “phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm từ xa, ngay từ cơ sở”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin cũng như phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác”.
5. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch; làm rõ, nêu bật những kết quả đã đạt được; biểu dương tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân; lan tỏa các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương hy sinh, cống hiến vì tính mạng, sức khỏe người dân; tuyên truyền phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phòng, chống dịch; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
6. Tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền định hướng trên trang thông tin điện tử; trang, nhóm công khai (toàn hệ thống) trên mạng xã hội (MXH): Khai thác tài liệu từ các nguồn chính thống (Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, tỉnh; Cổng thông tin Bộ Y tế: moh.gov.vn, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế: vncdc.gov.vn, Sở Y tế Bình Thuận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, Trang Fanpage Tuyên giáo Bình Thuận, Quê hương Bình Thuận (facebook), Trang Fanpage Tuyên giáo La Gi, Quê hương La Gi…), sử dụng các nguồn tin chính thống để lan tỏa, thông tin, định hướng tuyên truyền tình hình về chiến dịch tiêm chủng và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để Nhân dân biết, tham gia tiêm chủng đầy đủ, cảnh giác, không hoang mang với dịch bệnh, tuyên truyền để Nhân dân không chia sẻ, phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật. Đồng thời, chỉ đạo kiểm duyệt chặt chẽ nội dung tin, bài, hình ảnh, clip, Infographic, bình luận; cảnh giác nhận biết phương thức, thủ đoạn phát tán, lan truyền tin giả (fake new, fake clip), tài khoản giả mạo; tăng cường công tác đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề này, nhất là trong các ngày nghỉ, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9, 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022); kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm với các tổ chức, cá nhân đưa tin, thông tin không chính xác về tiêm chủng, dịch bệnh Covid-19.
Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân thường xuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin chính thống, tích cực về chiến dịch tiêm chủng và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng xã hội. Nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội nhằm xử lý tốt các vấn đề nảy sinh; thường xuyên theo dõi, nắm bắt, kịp thời phản bác các thông tin sai trái của các thế lực thù địch, kịp thời phối hợp, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.
(Nguồn: trích Công văn số 138-CV/BTG, ngày 23/8/2022 của Ban Tuyên giáo Thị ủy La Gi)