Bài viết thông tin đến bạn đọc một số vấn đề liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài nhằm đẩy mạnh tinh thần đoàn kết của toàn dân, nhất là Nhân dân trên địa bàn thị xã La Gi chung tay ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác IUU, góp phần cho Việt Nam được gỡ “Thẻ vàng”.
Chúng ta cùng tìm hiểu những khái niệm sau để làm rõ vấn đề được đặt ra!
IUU là gì?
Khái niệm hoạt động đánh bắt IUU
Hoạt động đánh bắt IUU (trong tiếng Anh là Illegal, unreported and unregulated fishing, viết tắt là IUU) có nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lí. Đây là hoạt động đánh bắt cá trái với các biện pháp bảo tồn và quản lí ở khắp nơi trên thế giới.
Theo Hội đồng Liên minh châu Âu (EC), hoạt động này là một trong những hoạt động gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, tính bền vững của các đàn cá và tình hình kinh tế - xã hội của ngư dân. Theo đó, EC ban hành quy định số 1005/2008 vào tháng 9/2008 nhằm thiết lập hệ thống trong cộng đồng phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Nội dung của hoạt động đánh bắt IUU
Theo Luật IUU trong đánh bắt thủy sản của EU là gì? FAO - Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực, kế hoạch hành động quốc tế về ngăn chặn đánh cá bất hợp pháp (IPOA-IUU) bao gồm các tiêu chuẩn sau:
Hoạt động đánh bắt cá trái phép
Đánh bắt cá trái phép bao gồm các hoạt động sau:
Thứ nhất, hoạt động đánh bắt trái phép của các tàu thuyền trên vùng biển thuộc thẩm quyền của quốc gia đó mà không có sự cho phép của quốc gia đó hoặc vi phạm qui định khai thác thủy sản của quốc gia, quốc tế.
Thứ hai, các tàu đánh cá phải treo cờ các quốc gia là các bên liên quan đến các tổ chức quản lí thủy sản ở các khu vực liên quan và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.
Thứ ba, hoạt động khai thác thủy sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những qui định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế.
Không báo cáo trong hoạt động đánh bắt
Thứ nhất, không báo cáo hoặc báo cáo sai cho các cơ quan quốc gia liên quan, vi phạm đến luật pháp và qui định của quốc gia đó.
Thứ hai, thực hiện đánh bắt cá trong phạm vi có thẩm quyền của các tổ chức quản lí thủy sản có liên quan tới khu vực đánh bắt nhưng chưa báo cáo hoặc báo cáo sai, vi phạm đến các thủ tục báo cáo của các cơ quan, tổ chức.
Không được quản lí trong các hoạt động đánh bắt
Thứ nhất, đánh bắt trong các khu vực có thẩm quyền của các tổ chức quản lí thủy sản có liên quan mà không có quốc tịch hay treo cờ quốc gia không thuộc tổ chức đó hoặc của một tổ chức đánh cá, không phù hợp, trái với các biện pháp quản lí và bảo tồn của tổ chức đó.
Thứ hai, trong khu vực hoặc nơi dự trữ cá liên quan đến việc không có biện pháp bảo tồn hay quản lí thích hợp và nơi các hoạt động nuôi giống và đánh bắt cá được sắp đặt theo dự trình không đồng nhất với trách nhiệm của quốc gia đối với việc bảo tồn tài nguyên sinh vật biển theo luật pháp quốc tế.
“Thẻ vàng” IUU là gì?
“Thẻ vàng” thủy sản của EC là thẻ phạt đối với quốc gia vi phạm quy định hàng hóa hải sản khi nhập khẩu vào thị trường Châu Âu (EU). Hải sản vào thị trường này đều phải khai báo, xác nhận nguồn gốc, đảm bảo không vi phạm quy định IUU. Khi việc khắc phục “thẻ vàng” không đạt được sẽ có nguy cơ nhận “thẻ đỏ” (bị cấm xuất sang Châu Âu).
Việt Nam bị “thẻ vàng” IUU khi nào?
Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi EC rút thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào ngày 23/10/2017. Và đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhưng thẻ vàng vẫn chưa được tháo gỡ. Thực tế trong suốt thời gian qua, đã có 28 quốc gia bị rút thẻ vàng, thẻ đỏ IUU, trong đó đã có 14 quốc gia đã gỡ được “thẻ vàng”, 14 quốc gia còn lại có 5 quốc gia bị “thẻ đỏ”, 9 quốc gia bị “thẻ vàng” (trong đó có Việt Nam) chưa thể gỡ.
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay, xuất khẩu thủy sản bị tắc nghẽn, cuộc sống của ngư dân vì thế còn gian nan hơn nữa.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các địa phương trong thời gian qua để tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để đi đến tận cùng của vấn đề, có được quyết định gỡ “thẻ vàng” từ EC, Việt Nam còn phải thực sự nỗ lực và cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm minh việc xử phạt các tàu cá vi phạm và nhất thiết, cần phải áp dụng một mức xử phạt chung cho tất cả các tỉnh, thành về vấn đề xử lý tàu cá vi phạm, tránh sự việc đã nêu trên khi tàu cá chuyển từ nơi bị xử phạt sang nơi chỉ bị nhắc nhở, đảm bảo sự thống nhất và minh bạch, công khai trên tất cả các tỉnh, thành phố có biển.
Theo thông tin được biết, chỉ còn hơn 01 tháng nữa sẽ đón đoàn của EC lần thứ tư đến thanh tra, kiểm tra công tác Chống khai thác IUU tại Việt Nam. Cảnh báo “thẻ vàng” của EC có tháo gỡ được hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản.
Cần thấy rằng, việc gấp rút triển khai tháo gỡ “thẻ vàng” là động lực tích cực để tiến hành đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm hơn trong việc khai thác và đánh bắt hải sản, thích ứng với hội nhập quốc tế. Đời sống ngư dân sẽ cải thiện hơn, giàu có và sung túc hơn.
Tỉnh Bình Thuận nói chung và thị xã La Gi nói riêng, đã làm gì để góp phần cho Việt Nam gỡ được “thẻ vàng”?
Thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND, ngày 30/01/2023 chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị, các đơn vị chức năng và các địa phương ở Bình Thuận đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức.
Toàn hệ thống chính trị của thị xã La Gi đang quyết liệt cần triển khai thực hiện nghiêm túc, ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt để từng bước hạn chế dần và tiến tới chấm dứt tình trạng các tàu cá vi phạm trong thời gian ngắn nhất. Địa phương cũng cố gắng quản lý tốt nhất tàu cá của ngư dân trên địa bàn, mạnh tay xử lý hành chính, nâng cao tính răn đe dù việc này rất đau xót nhưng càng nương nhẹ thì càng khó gỡ “thẻ vàng”… Ngoài ra, thị xã La Gi đang từng bước hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề - một nhiệm vụ rất gian nan, khó khăn do tập quán của ngư dân và do khó tiếp cận nguồn vốn.
Mới đây, ngày 02/8/2023, Ủy ban nhân dân thị xã La Gi đã ban hành Công văn số 2308/UBND-KT về việc tập trung triển khai quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 238/TB-UBND ngày 01/8/2023 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh 07 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Theo đó, UBND thị xã yêu cầu UBND các phường, xã, Đồn Biên phòng Phước Lộc, Trạm Kiểm ngư khu vực La Gi và các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo hàng tuần để theo dõi, chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, thành lập Tổ Công tác theo dõi, giám sát công tác rà soát tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép thủy sản hết hạn cở phường, xã…Theo thống kê kèm theo Công văn 2308/UBND-KT, trên toàn thị xã (tính đến 21/7/2023) có 223 tàu cá (đa số tàu có chiều dài dưới 15m) có nguy cơ cao vi phạm quy định IUU – tập trung nhiều nhất ở Phường Bình Tân (65 tàu); tàu cá 3 số do thị xã quản lý năm 2023 có 141 tàu. Đây cũng là con số không nhỏ, đòi hỏi sự lãnh, chỉ đạo sát sao của chính quyền thị xã và sự chung sức, chung lòng của Nhân dân, nhất là ngư dân địa phương.
Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, lộ trình lắp đặt và ché tài xử lý theo quy định của pháp luật. Theo bài đăng của Đình Châu, ngày 26/6/2023 trên báo Nhân dân cho hay: Ông Bạch Lòng, ở phường Bình Tân, chủ đội tàu cá 6 chiếc chuyên đi đánh bắt hải sản ở vùng biển phía nam cho biết, việc lắp đặt thiết bị VMS tạo thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát vị trí của tàu cá đang hoạt động trên biển, đồng thời cũng giúp mình nhắc nhở, cảnh báo cho anh em khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ngay khi Nhà nước quy định phải lắp đặt thiết bị VMS, ông đã chủ động mua và lắp đặt VMS lên cả 6 chiếc tàu của mình.
Ban Tuyên giáo Thị ủy mong muốn được các cơ quan, đơn vị,… và Nhân dân trên địa bàn thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai rộng rãi hơn nữa, tích cực hơn nữa, sâu rộng hơn nữa để chúng ta thực sự thấm nhuần sự cần thiết tham gia vào việc tháo gỡ “thẻ vàng”, trước hết là chấm dứt tình trạng khai thác IUU trên địa bàn thị xã La Gi.
Tham khảo thêm “ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC IUU, ĐẶC BIỆT, LÀ HÀNH VI VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI ĐỂ KHAI THÁC THUỶ SẢN BẤT HỢP PHÁP” ban hành kèm Công văn 103-CV/BTG, ngày 02/3/2022 của Ban Tuyên giáo Thị ủy về tuyên truyền kịp thời quy định xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) có 3 phần:
Phần 1: LUẬT THỦY SẢN SỐ 18/2017/QH14
Phần 2: NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN
Phần 3: CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH