Bao nhiêu năm chung lưng đấu cật, đã có một khoảng thời gian dài hai vợ chồng chị Nguyên đi làm công, quyết chí vượt qua cái nghèo cái khó để nuôi con ăn học. Kết quả con gái đầu Bùi Thị Khánh Trang – sắp đến đã là cô sinh viên năm thứ 3 đại học Luật, thành phố Hồ Chí Minh; con gái thứ hai Bùi Thị Khánh Xuân – bị câm điếc bẫm sinh đang học tại công ty TNHH tranh cát Phi Long; Khánh Thơ chuẩn bị lên lớp 12 trường THPT Lý Thường Kiệt; Khánh Hà vừa thi tuyển vào lớp 10 và Khánh Ngân năm học tới sẽ lên lớp 7 trường THCS Tân An. Năm cô con gái ngoan hiền, lại rất ham học, năm nào cũng đều đạt học sinh khá giỏi… Đó là niềm tự hào và có lẽ vừa là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho đôi vợ chồng nghèo phấn đấu không mệt mỏi.
Khi một mình chống chọi với biết bao khó khăn của cuộc sống. Là trụ cột trong gia đình không có người đàn ông. Chị Nguyên – người phụ nữ vốn đã lam lũ trước kia, giờ lại càng thêm khắc khổ. Với chi phí 3 triệu đồng phải gởi vào hàng tháng cho Trang học đại học, cộng những khoản chi tiêu tất yếu của cuộc sống thường nhật… quá cao so với số tiền kiếm được từ những buổi làm cỏ, nhặt đầu cá cơm của chị Nguyên. Để các con được đến trường, chị đã phải vay tất cả những nguồn có thể từ: nước sạch – vệ sinh môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nguồn vốn vay sinh viên. Với số nợ ngân hàng tổng cộng gần 50 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền vay mượn của những người thân quen. Đở phần nào khi xe đạp - phương tiện đến trường thì được tặng hay vở học các em nhận thưởng từ thành tích học tập khá giỏi, gia đình không tiêu tốn những chi phí đó. Sách và quần áo thì chị lớn để lại cho em.
“Khoe” với chúng tôi về những tệp được chồng phân ra và cất giữ cẩn thận nào bằng cấp, phiếu liên lạc và giấy khen của riêng từng đứa con một, chị Nguyên càng thêm xót xa. Và cũng chính từ tâm nguyện khi xưa của hai vợ chồng – làm sao phải để con cái được học hành đến nơi đến chốn, càng giúp chị bền chí đối mặt với vô vàn khó khăn, đổi lấy cái chữ, đưa các con đến với ngày mai tươi sáng hơn… dẫu biết rằng chặng đường đó còn dài lắm.
Đã có lúc đói lòng nhín từng bữa ăn để có thêm ít tiền lo cho con “được chút nào hay chút đó”. Sổ đỏ đất đai, khi chồng còn sống đã cầm cố vay mua bò đi kéo thuê, anh ra đi đột ngột… chị cũng không biết ai đang giữ. Hai con đầu – một đi học ở Sài Gòn, một đang học nghề tại Phan Thiết thi thoảng mới về thăm mẹ vì ngại chi phí đi lại, ngôi nhà vì thế lại càng thêm quạnh quẻ. Cuộc sống thiếu trước hụt sau… đắp đổi qua ngày chỉ vẻn vẹn là số tiền công ít ỏi, bữa có bữa không từ công việc làm thuê. Tuy nhiên, chông gai không ngăn trở được những uớc mơ luôn cháy bỏng trong lòng chị Nguyên và các con.
Rời ngôi nhà nhỏ, có thể còn thiếu rất nhiều cái để đáp ứng cho cuộc sống được chỉnh chu, nhưng ở đó chắc chắn sẽ không bao giờ thiếu ý chí và nghị lực vươn lên của những “học sinh nghèo hiếu học”. Hy vọng rằng bài viết này sẽ là một nhịp cầu nối gia đình chị Nguyên với những trái tim nhân ái… để chắp cánh ước mơ… để con đường đến trường của các em không trở nên dang dở…./.
Minh Trúc