Nhưng ở thị xã La Gi khi nói đến Đồi Dương là chỉ có một Đồi Dương Tân Lý (nay thuộc phường Bình Tân) trong ký ức với bao kỷ niệm khó quên. Đồi Dương này được trồng dưới thời Pháp thuộc trước năm 1938 kéo dài khoảng 5 cây số, từ giếng Nước Nhỉ (Tân Bình) đến làng chài Tân Long. Trước năm 1945 Sở Thủy lâm Hàm Tân, thành lập 2 điểm quản lý là Sở Dương 1 và Sở Dương 2. Cách đây 40 năm, người dân địa phương còn gọi là Rừng Dương vì cây dương mọc đan xen rậm rịt, đứng xa chừng hai chục bước khó mà nhìn thấy nhau, nhiều thân cây dương to bằng cả một vòng tay ôm.
Địa danh Đồi Dương đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến giữ nước và cũng là nơi có một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, bên bờ biển xanh hiền hòa có thể ngắm nhìn hòn đảo nhỏ Hòn Bà với câu chuyện tình diễm lệ. Cứ mỗi mùa Thu- Tháng Tám lại về vẫn còn nhiều người còn trong ký ức về một trận đánh “Bắt Tây Nhảy Dù” rất hào hùng và đầy kịch tính. Từ cuối năm 1975, một số cán bộ quê Hàm Tân tập kết từ miền Bắc trở vể như các ông Đỗ Đơn Thơ, Hứa Tự An, Ngô Quang Minh…cùng các ông Đỗ Đơn Chiếu, Trần Công Hoành (Năm Hoành), Lê Kim Khôi (Sáu Đồng), Đỗ Đơn Đình (Chín Chồ), Trần Xuất (Tám Xuất)…đang sống tại chỗ, ngày ấy họ còn là những chàng trai mới lớn, mỗi người một góc nhớ, vẽ lại bức tranh sôi động của một thời. Theo lời kể, trong số này có người đang tham gia các hoạt động xã hội của tổ chức tiến bộ Thanh niên Hướng Đạo, Thanh niên Tiền Tuyến. Còn gọi là Thanh niên Phan Anh để phân biệt với tổ chức thân chính quyền “Thanh niên Tiền Phong” thuộc Nam bộ. Sáng tỏ hơn trong hồ sơ tư liệu lịch sử cách mạng, những trang ghi chép của các ông Đỗ Đơn Thơ, Ngô Quang Minh mang từ miền Bắc về rất có giá trị cho tư liệu lịch sử, tính trung thật và tái hiện được bối cảnh, khí thế trong trận “Bắt Tây nhảy dù” ở Đồi Dương năm xưa.
Ngày 24.8.1945, được tin từ Phan thiết cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã làm chủ tỉnh đường Bình Thuận. Không khí ở La Gi- Hàm Tân rộn ràng thế trận giành chính quyền mà nòng cốt là lực lượng thanh niên. Riêng việc bàn đề cử người ra Phan Thiết để xin chỉ thị của Việt Minh tỉnh cũng phải tranh luận gay go vì có sự nhen nhóm khuynh hướng chính trị trong lực lượng. Trong thời gian âm ỉ chờ đoàn đại biểu thanh niên đi ra tỉnh về, cùng lúc tri huyện Hàm Tân Hồ Đình Lan cũng đang ở Phan Thiết tranh thủ về số phận của mình, thì khoảng 5 giờ chiều ngày 28.8 trên bầu trời bở biển Đồi Dương xuất hiện một chiếc may bay, quần đảo nhiều lượt rồi thả xuống 13 chiếc dù. Bà con ở La Gi, Phước Lộc, Tân Lý, Tân Long và các làng lân cận có thể nhìn thấy, coi như một hiện tượng lạ. Có người chưa có khái niệm “nhảy dù” là gì? Thế là các thanh niên trai trẻ, kể cả người lớn tuổi sẵn gì trong tay đều cầm lấy dao, rựa, ná tên, gậy gộc…xông thẳng về phía Đồi Dương. Tốp địch nhảy dù nhanh chóng thu gọn súng ống, quân dụng lẩn vào rừng cây rậm rạp. Tuy vậy, địch có lợi thế về vũ khí và địa hình rừng cây để ẩn náu cho nên các thanh niên Phạm Phú Đạm, Hứa Tự An, Trần Công Hoành…nghĩ đến việc mượn cây súng săn 2 nòng của linh mục Giàu (nhà thờ Tân Lý) để cùng lực lượng tiến công địch. Kết quả sau một đêm quần thảo, truy kích ta bắn bị thương 1 tên Pháp, bắt sống 3 tên khác và 2 tên Việt gian. Cũng liên quan đến trận đánh có nhiều câu chuyện khá hay về sự ứng phó nhanh nhạy và hơn hết là lòng căm thù giặc xâm lược được biểu lộ mạnh mẽ của đồng bào. Khi có một tên Tây bị lôi ra khỏi bụi rậm, dù đã ra dấu đầu hàng nhưng để chắc ăn, các chàng trai dùng đoạn cây dài ngáng qua bụng, đè xuống rồi mới trói thúc ké cho an toàn. Rồi có một Việt gian trốn về bìa xóm Tân Long, chui vào gầm giường đang có phụ nữ (ở cữ) vừa sinh con, van xin chủ nhà cho bộ quần áo ngư dân với giá nào cũng được, nhưng không, anh chồng báo ngay cho lực lượng tiến công.
Từ kết quả đánh thắng toán nhảy dù, chỉ bằng tinh thần yêu nước và căm thù đế quốc xâm lược, đồng bào địa phương La Gi- Hàm Tân nhận ra thời cơ đã đến với lòng khát khao độc lập của cả nước đang trong khí thế ào ạt dâng cao lúc bấy giờ. Cùng lúc này đại biểu Hàm Tân ra tỉnh xin chỉ thị khởi nghĩa trở về và ông Đỗ Đơn Thơ được ủy nhiệm của Mặt trận Việt Minh tỉnh, trực tiếp điều hành.
Có lẽ cuộc bầu cử Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện lúc ấy với một cách làm được coi là hiếm có, nhưng thật sự mang ý nghĩa “trưng cầu dân ý”, dân chủ một cách chân thật. Với tư cách người được Mặt trận Việt Minh tỉnh ủy nhiệm, ông Đỗ Đơn Thơ giới thiệu ba ứng cử viên Chủ tịch là Phan Thanh Bá (Lý Bá), Phạm Phú Đạm, Hoàng Đình Yến, kết hợp trong chương trình buổi mít-tinh mừng đất nước độc lập. Ông Phan Thanh Bá (Lý Bá), là lý trưởng làng Hàm Tân, không ăn hối lộ, không hà hiếp dân; ông Phạm Phú Đạm là một nhà giáo có đạo đức mẫu mực; ông Hoàng Đình Yến là viên chức Kiểm lâm, có kiến thức cao. Cách bầu là cả ba ứng viên đứng ra 3 góc sân đá banh để người dân dự mít-tinh tán đồng ai là Chủ tịch thì đến góc sân có ứng viên mình tín nhiệm. Ông Phan Thanh Bá được đông người kéo đến, thấy vậy 2 ứng viên còn lại xin khỏi phải bầu và chấp nhận sự phân công cùng các chức danh phó chủ tịch, các ủy viên thư ký, quân sư, tài chánh, tuyên truyền… sau này. Ngày 3.9, Ủy ban nhân cách mạng huyện đến huyện đường tiếp quản hồ sơ, ấn dấu từ tay tri huyện Hồ Đình Lan. Trong những trang hồi ký viết tay của ông Đỗ Đơn Thơ còn lưu lại: ”Tôi cứ băn khoăn và suy nghĩ tại sao tôi giới thiệu Lý Bá là một lý trưởng đương quyền có uy thế trong huyện để đắc cử chủ tịch; tại sao tôi đưa anh Yến là “quan” Kiểm Lâm vào Ủy ban huyện?”. Ông Đỗ Đơn Thơ lý giải, nhờ anh Yến tuy là quan lại nhưng sớm giác ngộ đã tiết lộ âm mưu của Tri huyện Hồ Đình Lan nên mạnh dạn cử Lý Bá là người có uy thế ở địa phương để chế ngự bọn quan lại đang có âm mưu cản trở kế hoạch giành chính quyền. Nhìn lại mới thấy phù hợp với tình hình dầu sôi lửa bỏng lúc bấy giờ.
PHAN CHÍNH