Vui đùa cùng các bạn trong buổi liên hoan cuối năm học, Em Nguyễn Thị Trà My tạm quên những công việc mà em sẽ phải làm trong mùa hè này. Với các bạn, hè là dịp để vui chơi thoả thích bù lại sau 9 tháng trời học tập, thì với em, hè là dịp để em có thể làm thêm phụ giúp bà và kiếm tiền phụ thêm cho việc học. Nhìn em nhỏ thó, bé tí ít ai nghĩ rằng em đã tự bươn chãi, kiếm cái ăn từ hơn 2 năm nay. Từ khi ba mẹ chia tay nhau, em về ở với ngoại. Ngoại thì già, sức khoẻ yếu, cái ăn vì thế đôi lúc cũng thiếu thốn, đắp đổi qua ngày. Để phụ thêm với bà, trước 5 giờ sáng mỗi ngày, My làm công việc rửa chén cho một quán cơm. Sau mỗi buổi phụ giúp như vậy, em được chủ quán cho vài ngàn và một hộp cơm để ăn sáng trước khi đến trường.
Em My còn hạnh phúc hơn khi có bà ngoại chăm sóc, chứ 3 chị em của Nguyễn Thị Minh Kiều hoàn cảnh còn đáng thương hơn nhiều. Từ ngày mẹ cùng chị gái đầu đi làm ăn xa thì ba của các em cũng trở nên say xỉn nhiều hơn. Cùng với những cơn say của ba là những trận đòn đau cũng ngày càng nhiều hơn. Có lúc phải ngủ bờ ngủ bụi để tránh đòn, nhiều hôm phải tá túc trú nhờ qua đêm đã làm cho các em không còn đâu tâm trí để học hành, thậm chí những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, tắm rửa cũng không được thường xuyên. Đi học mà không có gì bỏ bụng là “chuyện thường ngày” với ba chị em Kiều.
Hai hoàn cảnh nêu trên thuộc trong rất nhiều hoàn cảnh đáng thương đang được thầy cô, bạn bè trường Tiểu học Bình Tân 3 quân tâm, chú ý đặc biệt nhằm giúp đỡ từng em vượt qua khó khăn, tiếp tục an tâm học tập tốt. Theo Thầy Hiệu trưởng, với đặc thù là trường nằm trên địa bàn khu tái định cư, học sinh phần lớn là con em gia đình lao động biển, làm thuê, dân di cư tự do nên cuộc sống của cha mẹ các em vẫn còn tạm bợ, không ít khó khăn. Năm học 2010-2011, toàn trường có 33 em thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011-2012, còn 19 em. Đó là chưa nói đến những em có hoàn cảnh gia đình không mấy thuận lợi: bố mẹ bỏ nhau, các em bị bỏ rơi, có em mồ côi hoặc phải tự bươn chãi kiếm sống cũng không phải là hiếm ở ngôi trường này. Quản lý, theo dõi học sinh của mình, hiểu thấu đáo hoàn cảnh đáng thương đó, nhiệm vụ chăm sóc, quan tâm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trở thành trách nhiệm của giáo viên trong trường, từ giáo viên chủ nhiệm cho đến Ban giám hiệu Trường.
Từng hoàn cảnh, sự khó khăn của học sinh được thầy cô quan tâm chia sẻ. Và trong sâu thẳm, sự bất hạnh của các em như đó là nỗi đau của chính mình. Từ sự yêu thương quan tâm của thầy cô các em như tìm thấy niềm vui, niềm tin trong cuộc sống, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Tuy có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng liên tục trong 4 năm học trở lại đây, toàn trường không có học sinh bỏ học giữa chừng bởi còn đi học, được đến trường các em còn được cảm nhận sự chăm sóc, bảo ban, chở che trong tình thương yêu của thầy cô và bạn bè.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Hãy tạo điều kiện để trẻ em luôn sống trong một môi trường không có bạo lực, không bị xâm hại. Để các em phát triển mạnh khoẻ cả về thể lực và trí lực. Điều đó đòi hỏi từng gia đình và cả xã hội cùng dành những tình cảm thân thương nhất, những gì tốt đẹp nhất cho các em, nâng bước để các em vững tin bước vào đời ./.
Thuý Nga