Hoà chung không khí phấn khởi, tự hào cùng Nhân dân cả nước hướng về kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Đảng bộ và Nhân dân Thị xã La Gi tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thị xã La Gi (23/4/1975 – 23/4/2015) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2015) . Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Bốn mươi năm đã trôi qua, “nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Giữa những ngày tháng tư lịch sử này, mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân Thị xã La Gi cùng nhau nhớ lại chặng đường 21 năm chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân thị xã La Gi góp phần cùng với quân và dân trong tỉnh và cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
La Gi là dải đất cuối cùng của vùng cực nam trung bộ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những vị trí xung yếu của vùng chiến lược quân sự giữa 2 khu vực miền Đông Nam bộ và các tỉnh khu V, là cửa ngõ của Sài Gòn – sào huyệt của Mỹ, nguỵ, vì thế chúng xây dựng bộ máy tay sai nguỵ quân, nguỵ quyền đắc lực và phản động từ tỉnh cho đến xã, ấp. Trong quá trình thực hiện các chiến lược chống phá, chúng đều đặt Bình Tuy nói chung và La Gi nói riêng là điểm thực hiện điển hình, nên quân và dân La Gi luôn đối mặt với sự chống phá quyết liệt của địch.
Vượt qua những khó khăn, thử thách, bằng truyền thống yêu nước và kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp, ta đã bám trụ, củng cố cơ sở cách mạng, lãnh đạo quần chúng đứng lên đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành hiệp định Giơ-Ne-Vơ, chống bắt bớ đàn áp, đồng thời ta đã xây dựng, hình thành các đội võ trang công tác. Từ thế đấu tranh chính trị, chuyển dần lên thế đấu tranh vũ trang làm phá sản chiến lược tố cộng, diệt cộng của địch, gây cho địch lúng túng, bị động, đẩy phong trào cách mạng lên thế tiến công.
Đứng trước âm mưu, thủ đoạn tàn bạo của địch, tinh thần yêu nước của nhân dân được thử thách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lại được thổi bùng lên, cán bộ, đảng viên kiên cường, bất khuất, một lòng tin đảng, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên trì bám dân, sát địch để hoàn thành nhiiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bức xúc cách mạng của quần chúng, tạo nên sức bật như vũ bão để chuyển lên thế tấn công địch bằng bạo lực vũ trang, sẵn sàng đương đầu với âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ.
Thất bại ở chiến lược chiến tranh đơn phương, giai đoạn 1961-1965 Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt “, dựa vào quốc sách ấp chiến lược và kế hoạch bình định. Đối với La Gi, địch ra sức đôn quân, bắt lính củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền, tiếp tục củng cố ấp chiến lược, dồn dân các vùng không giữ được để giành dân với ta. Đồng thời địch mở nhiều chiến dịch tập trung quân đánh phá dài ngày hòng xoá trắng vùng căn cứ của ta, kết hợp với tổ chức càn quét, đột kích, bắn pháo, ném bom…
Quán triệt quan điểm của Đảng, trong giai đoạn này đấu tranh chính trị và vũ trang sẽ diễn ra đồng thời, nhưng vũ trang chuyển sang hướng đóng vai trò ngày càng quyết định. Từ đầu năm 1961 ta thành lập Ban chỉ huy Huyện đội, hình thành trung đội 460, tăng cường cũng cố, phát triển các đội biệt động, du kích, đội võ trang công tác, đẩy mạnh hơn các hoạt động quân sự, vùng giải phóng tiếp tục được xây dựng, cũng cố. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự chi viện của trên, nhờ sự phối hợp hoạt động của các chiến trường nên bộ đội địa phương hoạt động liên tục, quá trình chiến đấu bộ đội ta trưởng thành, làm nòng cốt cho các đội võ trang công tác xây dựng phong trào, hỗ trợ cho phong trào phá ấp, phá kềm giành quyền làm chủ, tạo thế nổi dậy của quần chúng. Vận dụng phương châm lấy ít đánh nhiều, tận dụng yếu tố bất ngờ đánh địch tạo hiệu quả chiến đấu cao. Kết hợp đồng bộ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và công tác binh vận. Qua đó đã dần tạo thế, tạo lực làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta, bất lợi cho địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại từng bước, giành thắng lợi từng phần, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, nguỵ.
Với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ quyết định tăng cường chiến tranh, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, triển khai lực lượng lớn quân Mỹ tham chiến với vũ khí chiến tranh hiện đại hòng thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho chúng. Tháng 10/1965 lực lượng Mỹ trực tiếp vào chiến trường Bình Thuận, Bình Tuy, cùng với quân nguỵ tăng cường đánh phá ác liệt, đàn áp phong trào cách mạng để thực hiện âm mưu “Tìm diệt” và “ Bình định”, quân nguỵ bung ra càn quét, hành quân đánh phá các vùng căn cứ cách mạng, chúng ra sức bắt lính, đôn quân, tổ chức hệ thống gián điệp, tăng cường chiến tranh tâm lý, tuyên truyền…Quân và dân La Gi lại đối đầu với cuộc chiến gian khổ, khốc liệt trực diện với quân Mỹ. Trước sự đánh phá quyết liệt của địch, có những giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng với ý chí và quyết tâm thắng địch của Đảng bộ, quân và dân La Gi vừa khẩn trương xây dựng phát triển lực lượng, vừa tổ chức bám đánh địch bung ra càn quét, đánh địch ngay trong nội ô, phối hợp với lực lượng của trên đánh vào cơ quan đầu não chi khu Bình Tuy của địch, tăng cường đấu tranh chính trị với binh vận, phát triển cơ sở cách mạng, từng bước đẩy địch vào thế bị động, giảm sút tinh thần chiến đấu. Từ lợi thế của chiến trường của Tỉnh và cả nước, bước vào chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968, cùng với lực lượng Tỉnh phối hợp tấn công vào hướng trọng điểm Phan Thiết, Hàm Tân là diện của Tỉnh, với tinh thần chấp hành triệt để mệnh lệnh, đã huy động tập trung mọi lực lượng tổ chức các đợt tấn công, võ trang tuyên truyền, phát động quần chúng trên hầu khắp các điểm trọng yếu trên địa bàn thị xã, đã góp phần chia lửa với trọng điểm, tạo thế căng kéo địch để giành thắng lợi, góp phần cùng cả nước làm phá sản chiến tranh cục bộ của địch. Tạo thế và lực mới đánh bại kế hoạch bình định, làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” buộc địch phải ký hiệp định Pari rút quân về nước.
Sau Hiệp định Pari 1973, thực hiện đường lối chiến lược của Đảng, nhiệm vụ của Tỉnh uỷ Bình Tuy đã xác định, quân và dân La Gi không ngừng củng cố thực lực cách mạng, tăng cường mở rộng các hoạt động quân sự, đẩy mạnh các phong trào chính trị quần chúng, khiến địch ở địa bàn lâm vào thế co cụm, bị động, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh và cả nước tạo thế và lực chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975.
Hoà vào khí thế tiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với phương châm xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương. Quân và dân La Gi được sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng tỉnh, quân khu và quân đoàn 2, với ý chí và tinh thần quyết tâm cao nhất - tiêu diệt kẻ thù, đã giải phóng quê hương vào rạng sáng ngày 23/4/1975.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhân dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người trong thế kỷ 20, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Nhân dân ta đã thực hiện thống nhất đất nước, đưa đất nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng CNXH như mong ước của Hồ Chủ tịch.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân thị xã tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, ý chí tự cường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến xoá đói nghèo lạc hậu, bảo vệ thành quả cách mạng bằng tất cả ý chí và nghị lực mới. 40 năm qua, từ những ngày đầu chiến tranh kết thúc, Đảng bộ và Nhân dân đã tập trung công sức nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, sau 10 thành lập thị xã, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các cấp các ngành, các tầng lớp nhân dân trong Thị xã đã khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, đưa thị xã không ngừng vươn lên trên tất cả các lĩnh vực, đạt được những kết quả đáng phấn khởi, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện và nâng lên, bộ mặt địa phương có nhiều khởi sắc. So với những năm đầu mới giải phóng, nguồn lực về đất đai, rừng, biển được phát huy, khai thác có hiệu quả. Diện tích gieo trồng, nămg lực tàu thuyền, sản lượng, năng suất đánh bắt, nuôi trồng đều tăng gấp nhiều lần. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được quan tâm triển khai ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất, nền kinh tế có bước tăng trưởng khá nhanh. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân từ 9% - 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. (cơ cấu ngành nông nghiệp giảm từ 46,66% năm 2006 còn 28,76% năm 2014; cơ cấu ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 17,31% năm 2006 lên 21,3% năm 2014; cơ cấu ngành dịch vụ tăng từ 36,03% năm 2006 lên 49,94% năm 2014). Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 04 lần từ 452 USD năm 2006 lên gần 2.000 USD/ người năm vào cuối năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu tăng lên đáng kể từ 4,7 triệu USD năm 2006 lên đến 70 triệu USD vào cuối năm 2014. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhiều công trình an sinh được đầu tư mang lại hiệu quả cao như hệ thống nước thải Phước Lộc - Phước Hội; kênh thoát lũ Hồ Tôm; Nhà máy nước Tân Tiến; Đền thờ liệt sĩ; Công viên và Tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi; Nhà thiếu nhi Thị xã; hầu hết trụ sở UBND, Công an, BCH quân sự các xã, phường được đầu tư xây dựng mới. Một số dự án phát triển kinh tế được đầu tư và đi vào hoạt động như Cảng cá La Gi; các nhà máy chế biến thuỷ sản; các dự án du lịch. Nhiều khu dân cư tập trung, khu tái định cư được đầu tư như khu tái định cư Ba Đăng, khu tái định cư khu vực triều cường, khu dân cư 27 ha…, góp phần giải quyết nhà ở cho nhân dân các vùng quy hoạch, vùng bị bão, lũ, triều cường. Hệ thống hạ tầng khu vực vùng ven được quan tâm đầu tư, nhất là việc triển khai thực hiện Đề án giao thông nông thôn, hẻm nội thị và chương trình xây dựng nông thôn mới; bộ mặt từng xã thay đổi rõ nét.
Thấm nhuần quan điểm tăng trưởng kinh tế gắn liền với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chặng phát triển, phát huy nhân tố con người, là mục tiêu tốt đẹp của CNXH. Sự nghiệp phát triển văn hoá, y tế, giáo dục… được Đảng bộ, các cấp các ngành quan tâm lãnh đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp, được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân đã đạt được những kết quả khả quan - Trường lớp được xây dựng ngày càng khang trang, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng, trình độ dân trí được nâng lên. Sức khoẻ nhân dân được chăm sóc tốt hơn thông qua các chương trình y tế quốc gia. Các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo ngày càng được quan tâm chăm sóc tốt hơn thông qua thực hiện các chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân luôn được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn, ngày càng phát triển, kết hợp đồng bộ 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Qua đó đã kịp thời đập tan các âm mưu chống phá của bọn phản động và các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng ổn định cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong 40 năm qua.
Hệ thống chính trị được thường xuyên củng cố, chỉnh đốn từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước. Dân chủ XHCN ngày càng mở rộng, phát huy.
Kết quả, thành tựu của chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của quê hương trong bối cảnh không ít những khó khăn thử thách, một lần nữa chứng minh ý chí tự lực tự cường, truyền thống đoàn kết một lòng của quân và dân thị xã La Gi được phát huy trong giai đoạn mới của cách mạng. Kết quả ấy đã khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã phát huy được tiềm năng nguồn lực của địa phương, đã tập hợp được sức mạnh, trí tuệ, nhiệt tình của Nhân dân tạo nên sức sống sôi động, làm thay đổi bộ mặt của địa phương.
Với niềm tự hào, niềm tin sâu sắc vào truyền thống cách mạng, vào Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, phát huy khí thế phấn khởi đối với một thị xã tươi trẻ, quyết tâm cao của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân; tất cả chúng ta, mỗi người đều quyết tâm một lòng, nêu cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2015, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, đó cũng là hành động thiết thực kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng, góp phần vào thực hiện mục tiêu” Dân giàu - nước mạnh - dân chủ- công bằng- văn minh”.