Vì sao mà bán hàng đa cấp đã thành công như vậy? và có phải đây là mô hình kinh doanh hợp pháp, bền vững, để mà mọi người có thể chọn làm nghề mưu sinh cho mình? Nếu không xem xét, định hướng kịp thời thì sẽ dễ xảy ra “thảm họa”, nhiều người sẽ bị vướng vào các công ty lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp như đã và đang xảy ra tại nhiều nơi khác trên địa bàn cả nước hiện nay.
Chúng ta có thể hiểu rằng kinh doanh đa cấp hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng là “việc bán lẽ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhánh khác nhau” (theo Điều 3 – Luật Cạnh tranh 2005); theo lý thuyết, người tham gia, vừa là khách hàng của công ty (bước đầu tham gia), vừa là một thành phần của công ty đó (sau khi đã tham gia); hưởng lợi của người tham gia là từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được (do bản thân mình, hoặc người cấp dưới).
Nhà phân phối có vai trò như những đại lý; họ dùng những kết quả sử dụng của bản thân và những người quen biết để thu hút khách hàng, qua việc làm đó họ đem về lượng khách hàng cho công ty và bản thân họ; họ có thể tìm những đối tác để trở thành nhà phân phối cùng làm việc với mình, việc này được quản lý bằng mã số. Nếu các công ty bán hàng đa cấp chỉ cạnh tranh nhau về giá và chất lượng sản phẩm chứ không phải là kiếm lợi nhuận từ những người tham gia đa cấp thì đây chỉ là một loại hình kinh doanh bình thường.
Tuy nhiên, nhiều công ty đa cấp đã không làm như vậy, họ không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chủ yếu là việc đánh vào lòng tham của đa số mọi người với chiêu thức mời gọi hấp dẫn: “làm giàu thật nhanh, thật dễ dàng mà không mất công sức gì, được du lịch khắp thế giới”; và đào tạo bài bản cho các thành viên về kỹ năng thuyết trình thuyết phục người khác, kể cả các chiêu thức “khiêu khích” như: “ai mời được nhiều người cùng tham gia thì người đó có tố chất làm thủ lĩnh”, “hãy thể hiện mình là người bản lĩnh”, giới thiệu một số người thành đạt nhanh chóng với mức thu nhập hàng ngàn đô một tháng…. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dồn hết tiền vào đăng ký các gói sản phẩm (nhưng thực chất là không nhận hàng về) để được nhanh “lên cấp” và hưởng nhiều hoa hồng…nhưng mọi người không nghĩ rằng họ nhận lại được tiền trích từ nguồn vốn của chính họ và của những người vào sau, cho đến khi mạng lưới phát triển đến ngưỡng nhất định, không còn thu hút được nhiều người tham gia nữa thì mạng lưới cũng sẽ bị vỡ vì sẽ không có tiền để tiếp tục chi trả vốn và các lãi suất khủng khiếp như họ hứa để đánh vào lòng tham và làm mờ lý trí của mọi người.
Các công ty lừa đảo núp bóng đa cấp đã không từ bất cứ đối tượng nào, kể cả việc lôi kéo sinh viên, đánh vào tâm lý thích thể hiện tính năng “vượt trội”, làm giàu nhanh chóng, nhiều sinh viên đã thu gom tiền của gia đình, của người thân quen đưa vào đăng ký mã sản phẩm của công ty, sau đó không mời gọi được người tiếp tục tham gia để chia sẽ, sản phẩm trả lại không được đành phải chịu mất vốn, phải dấn thân vào nợ nần, túng quẫn…
Vậy, làm sao để phân biệt công ty kinh doanh đa cấp minh bạch hay bất chính, chúng ta có thể căn cứ một số yếu tố cơ bản như sau:
* Kinh doanh hợp pháp:
|
* Kinh doanh bất hợp pháp:
|
- Mọi người tự nguyện tham gia.
|
- Có tính chất lôi kéo, ép buộc tham gia.
|
- Người tham gia bán sản phẩm cho những người ngoài mạng lưới (theo giá lẻ) và tuyển mộ người khác vào mạng lưới (bán sản phẩm theo giá sỉ)
|
- Không có bán hàng, chỉ mời người vào mạng lưới.
|
- Không mất phí hoặc mất khoản phí nhỏ để mua tài liệu, làm thẻ.
|
- Mất khoản tiền lớn để tham gia.
|
- Đối tượng làm việc là sản phẩm.
|
- Đối tượng làm việc là tiền (từ người mới vào).
|
- Hoa hồng phụ thuộc vào cấp bậc và hệ thống.
|
- Hoa hồng phụ thuộc vào vị trí trong mạng lưới là cao hay thấp, trên đỉnh hay nằm ở đáy (mạng hình tháp ảo).
|
- Không bị bắt ép mua sản phẩm.
|
- Bắt buộc đóng một khoản tiền lớn để được tham gia hoặc bắt người tham gia mua một lượng sản phẩm nhất định.
|
- Mua sản phẩm vì có nhu cầu sử dụng.
|
- Mua sản phẩm để được tham gia mạng lưới, để có lợi ích kinh tế hay lợi ích khác, không có nhu cầu sử dụng.
|
- Sản phẩm chất lượng tốt.
|
- Chất lượng bình thường hoặc kém chất lượng, được nâng giá cao gấp nhiều lần để chi trả hoa hồng.
|
- Được hướng dẫn về sản phẩm trước khi chia sẻ.
|
- Không được hướng dẫn hoặc hướng dẫn qua loa.
|
- Giá mua của nhà phân phối thấp hơn giá thị trường.
|
- Không thể bán ra thị trường hoặc bán ra với giá thấp hơn mua sỉ.
|
- Cam kết nhận lại sản phẩm và trả lại ít nhất 90% giá trị.
|
- Không cam kết hoặc cố tình trì hoãn thực hiện nhận lại sản phẩm.
|
Qua nhiều kênh thông tin cho thấy hiện nay có ít kinh doanh đa cấp chân chính, phần lớn là lừa đảo. Mọi người nên tự trang bị kiến thức cho mình, cần thận trọng xem xét khi chọn nghề mưu sinh là bán hàng đa cấp để tránh trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo và nhất là đánh mất lòng tin đối với mọi người thân quen và cộng đồng.