Sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Thị ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, các cấp ủy cơ sở, các cơ quan, đơn vị đã kịp thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền, học tập đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.
Công tác giải quyết đơn thư năm 2014 của thị xã là 118/129 vụ việc đạt tỷ lệ 91,5% và giải quyết 172/190 kiến nghị, phản ánh. Hoạt động giám sát của HĐND các cấp được tăng cường; Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy khá tốt vai trò trong công tác hòa giải ở cơ sở, tích cực phối hợp với chính quyền tuyên truyền chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Công tác phòng, chống tham nhũng được cấp ủy cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm nhiều hơn; các cấp ủy đã đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng vào các cuộc họp định kỳ; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng của cấp ủy được tăng cường.
Nhìn chung các cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, quan tâm nhiều hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện khá tốt và theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai khá đồng bộ, tích cực; ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó cũng còn những hạn chế: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy cơ sở, người đứng đầu đơn vị chưa thực sự tập trung, thiếu chủ động trong việc triển khai, thực hiện các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật chưa phong phú, thiếu sâu rộng. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và người đứng đầu thiếu thường xuyên; việc chỉ đạo hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể thực hiện giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nghiệp vụ, quy trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có một số thiếu sót, chưa bảo đảm theo quy định.
Một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới: Các cấp ủy cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân và đảng viên đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; hết sức coi trọng giáo dục đạo đức, phẩm chất, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót; phát huy công tác tự kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Công khai, minh bạch các nguồn vận động, hỗ trợ đóng góp của Nhân dân; xây dựng, bổ sung các quy chế làm việc, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế chi tiêu nội bộ, quy định về phân công, giao nhiệm vụ... Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu; đề cao việc tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế, quy trình trong hoạt động công vụ./.