Vậy giải pháp nào để việc chăn nuôi theo hộ gia đình nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn tồn tại mà không gây ra ô nhiễm môi trường, sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn, sạch, thân thiện với môi trường luôn là vấn đề mà đông đảo hộ chăn nuôi quan tâm. Trước kia việc phát triển mở rộng đàn gia súc gia cầm gặp rất nhiều khó khăn, vì ngoài việc đầu tư vốn lớn, cần phải học tập, nghiên cứu cách nuôi sao cho hiệu quả , tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng bên cạnh đó còn một vấn đề nan giải, đó là khâu vệ sinh chuồng trại, vì tăng số lượng con nuôi đồng thời cũng tăng lên số lượng chất thải, nước vệ sinh chuồng trại. Nhiều hộ gia đình vì sống trong khu dân cư diện tích nhỏ nên việc xử lý nguồn phân thải ra là hết sức khó khăn, chủ yếu dùng phương pháp thủ công, đào hoặc xây hố ủ mục để tận dụng vào việc sản xuất nông nghiệp, số dư thừa đều thải ra ngoài môi trường không qua khâu xử lý gây nên mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường sống của gia đình hộ nuôi và các hộ lân cận. Ngoài ra nó còn gây lãng phí nguồn chất thải có thể tạo ra lượng khí sinh học dồi dào có lợi cho cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng lắp đặt hệ thống hầm BIOGAS là giải pháp hữu hiệu đối với hộ sản xuất chăn nuôi. Thực tế cho thấy ở địa phương hầm BIOGAS đã mang lại hiệu quả thiết thực là giải pháp mà bà con nông dân mong đợi. Việc xây dựng lắp hầm rất đơn giản chỉ cần diện tích từ 7m2 đến 20m2 là có thể lắp đặt được tùy thuộc vào số lượng đàn nuôi nhiều hay ít mà áp dụng riêng cho mỗi hộ nuôi. Hầu hết các gia đình đã lắp đặt xây dựng và đưa vào sử dụng đều cho thấy hiệu quả. Tất cả chất thải từ chăn nuôi đều được hệ thống ống cống rãnh lắp đặt xung quanh chuồng trại gom hết và cho đổ vào hầm chứa với quy trình khép kín. Theo thời gian quy định chất thải theo quá trình phân giải chất hữu cơ sẽ tạo thành khí sinh học hay còn gọi là khí GAS. Khí gas thu được từ hầm chứa sẽ được hệ thống dẫn ra ngoài cung cấp và phục vụ cho việc đun nấu thay thế cho chất đốt thông thường ngoài ra còn phục vụ cho việc tăng gia sản xuất. Nhiều hộ khi lắp đặt, lượng khí gas quá nhiều sử dụng trong gia đình không hết nên tận dụng làm bóng đèn thắp sáng. Thời gian gần đây tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà rịa – Vũng tàu nhiều hộ đã tận dụng nguồn khí gas này lắp đặt hệ thống máy phát điện thay thế cho nguồn điện quốc gia phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và trong chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình sau khi lắp đặt hầm biogas, hàng tháng đã tiết kiệm được chi phí mua gas và điện thắp sáng từ 300-700 ngàn đồng. Ngoài ra lượng chất cặn và nước thải ra từ hầm biogas sau quá trình lên men dùng để bón tưới cho cây trồng sẽ hạn chế được việc sử dụng phân hóa học. Đồng thời cũng trong quá trình lên men điều kiện kỵ khí các vi khuẩn gây bệnh cho con người đã được loại trừ.
Qua thực tế ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã đã lắp đặt xây dựng hầm biogas đều thấy rõ được hiệu quả mà nó mang lại, giảm được chi phí trong chăn nuôi, mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo thống kê của Trạm Khuyến nông và phòng Kinh tế thì hiện nay trên địa bàn thị xã chỉ mới có 120 hầm biogas được lắp đặt và xây dựng, con số này còn quá thấp so với nhu cầu thực tế của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân chủ yếu: việc lắp đặt và sử dụng hầm chưa thuận lợi, chi phí đầu tư xây dựng và lắp đặt còn cao so với thu nhập của nông dân, việc thay thế sửa chữa khó khăn do thiếu cơ sở dịch vụ kỹ thuật. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ người nuôi vẫn chưa nắm bắt được kiến thức khoa học, còn chủ quan và không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sống của cộng đồng và của chính gia đình mình. Do vậy thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng của thị xã cũng đã nỗ lực truyền tải những thông tin khoa học cũng như các ngành chức năng thông qua các ban ngành đoàn thể tổ chức các chương trình tập huấn chuyển giao công nghệ để bà con nông dân tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và đời sống. Từ năm 2010 đến đầu năm 2012 bằng nguồn kinh phí khoa học công nghệ, Trung tâm thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh đã thực hiện đề tài xây dựng mô hình biogas cải tiến hỗ trợ kinh phí xây dựng 50% tại các xã phường: Tân Tiến, Tân An và xã Tân Bình mặc dù số lượng triển khai còn ít nhưng các hầm biogas đã cho thấy hiệu quả, an toàn tiết kiệm, đặc biệt là làm tăng lượng khí gas cho hộ nuôi.
Việc xây dựng lắp đặt hầm biogas để thu khí sinh học đã chứng tỏ tính ưu việt của nó so với các công nghệ khác trong việc xử lý chất thải chăn nuôi, đem lại nguồn khí đốt vừa rẻ, vừa sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần giảm cơn khát điện đang khan hiếm ở nông thôn hiện nay. Đồng thời công nghệ khí sinh học xây dựng hầm biogas còn giúp thay đổi nhận thức và nếp sống chăn nuôi thuần túy của nông dân. Phát triển nhân rộng mô hình xây dựng hầm biogas để thu khí sinh học trong hộ chăn nuôi là hết sức cần thiết, giúp nông dân có hướng phát triển ngành nghề an toàn hiệu quả, bền vững luôn thân thiện với môi trường./.