Những tháng gần đây, kể từ khi bệnh SXH phát sinh, bùng phát tại các phường xã lân cận thì công việc của cô Thái Thị Nhiều cũng vất vả hơn bình thường. Tranh thủ một công đôi ba việc, khi thì sáng sớm, lúc thì chiều tối, cô đến từng hộ gia đình trên địa bàn phụ trách để vận động, tuyên truyền bà con trong khu phố giữ gìn vệ sinh nhà cửa, súc rửa lu vại đúng cách, ngủ mùng kể cả ban ngày hoặc là mặc quần áo dài tay cho trẻ để phòng tránh muỗi đốt. Công việc của cô nhằm theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên để kịp thời thông báo về Trạm y tế Phường, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống SXH trong nhân dân.
Phước Lộc có 8 khu phố thì có tới 7 khu phố ven biển. Với số dân gần 14.700 người, nhà cửa san sát nhau, do đó mà khi xuất hiện ca bệnh truyền nhiễm như SXH, điều kiện lây lan bệnh sẽ rất nhanh. Thêm vào đó, với đặc thù nghề nghiệp lao động bà con cũng ít có thời gian quan tâm tìm hiểu kiến thức phòng chống SXH. Chính vì lẽ đó, hơn 5 năm trước đây, Phước Lộc luôn là địa phương đầu tiên trở thành điểm nóng SXH với tốc độ gia tăng nhanh, bởi một khi có cas bệnh là xuất hiện ổ dịch cần xử lý. Cũng bởi lý do này, năm 2005, Phước Lộc là một trong 2 địa phương trọng điểm của dịch bệnh SXH cùng với Phước Hội thuộc diện chương trình SXH của Trung ương, được ưu tiên trong xử lý dịch bệnh, có đội ngũ CTV quản lý địa bàn.
Thực hiện chương trình, toàn phường có 36 cộng tác viên, phân công phù hợp theo số dân ở từng khu dân cư. Mỗi cộng tác viên với nhiệm vụ của một một tuyên truyền viên, cung cấp kiến thức phòng bệnh SXH và vận động bà con thực hiện tốt. Đa phần các CTV cũng đã tham gia các tổ chức đoàn thể nên công tác này đối với họ cũng thuận lợi hơn.
Địa bàn nào tình hình vệ sinh môi trường không được tốt, những nơi có điều kiện phát sinh bệnh hay nơi nào xuất hiện các trường hợp nghi ngờ SXH, ngay lập tức lực lượng CTV sẽ báo về Trạm y tế phường và cán bộ chuyên trách sẽ tiến hành kiểm tra thực địa. Nếu có ca bệnh SXH sẽ kịp thời xử lý, tránh để lây lan. Ngược lại, thông qua Bệnh viện, Trung tâm y tế sẽ nắm các ca bệnh trên địa bàn, nếu có sẽ báo về Trạm y tế Phường, từ đây thông qua lực lượng CTV, cán bộ chuyên trách sẽ đi thực địa, giám sát tình hình, nhanh chóng báo về Trung tâm y tế để có hướng xử lý. Do vậy mà tình hình cũng như diễn biến bệnh SXH trên địa bàn phường được quản lý và xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Từ chỗ là “điểm nóng” về dịch bệnh SXH mỗi năm thì nay, SXH ở Phước Lộc đã được phòng chống hiệu quả. Riêng năm nay, mặc dù các nơi bùng phát bệnh nhưng trong phường, căn bệnh này đã được khống chế ngay tại từng địa bàn khu phố. Đến giữa tháng 8, toàn phường chỉ có 8 cas mắc SXH và tỷ lệ mắc trong dân đã được khống chế hiệu quả trong nhiều năm qua.
Được nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên, chị em phụ nữ trong phường cũng dần được trang bị và nâng cao kiền thức, hiểu biết về bệnh SXH, tính chất nguy hiểm của nó cũng như nắm rõ cách thức phòng bệnh cho con em và người thân trong gia đình.
Mỗi tháng với phụ cấp 50.000 đồng, bình quân mỗi cộng tác viên SXH sẽ đảm trách theo dõi, quản lý 50 hộ gia đình, trong đó 90 % gia đình phải được vãng gia, họp giao ban định kỳ hàng tháng, tuyên truyền, nhắc nhở đồng thời giám sát địa bàn chặt chẽ, đôi khi các CTV còn nhận sự phản ứng gay gắt của người dân do bị nhắc nhở nhiều lần, vậy nhưng không buồn vì điều đó bởi sự tích cực nhiệt tình của cộng tác viên SXH đã góp phần quan trọng khống chế tốt dịch bệnh SXH ở phường vùng biển Phước Lộc./.
Thúy Nga