Hai vợ chồng chị Tiến đều là thương binh, trở về sau chiến tranh với một phần thương tật trên cơ thể. Từ vùng quê Hà Tĩnh vào Phước Tiến – Tân Phước, La Gi lập nghiệp gần như chỉ với hai bàn tay trắng. Hai đôi chân đã từng rạn gãy do bom đạn, chuyển trời lại âm ĩ đau nhức… vẫn không ngăn được những bước chân lân la đến từng góc phố, ngôi nhà La Gi chào mời vé số. Kết duyên và gắn bó vợ chồng từ năm 1977, cùng chăm sóc nuôi dạy 5 người con ăn học nên người. Chồng chị Tiến – thương binh Phan Đình Thun, tháng 9 năm 2011 vì mắc bệnh tim nặng đã mãi mãi ra đi. Những tưởng với hoàn cảnh lúc này, khi 4 người con trai là: Phan Tiến Nhu – dạy học tại trường THCS Tân Bình, Phan Đình Chung – làm việc tại bệnh viện Hàm Tân, Phan Đình Vũ – giáo viên trường THPT Nguyễn Trường Tộ và Phan Đình Đông – đang công tác tại đại học Bách Khoa thành phố; người con trai út Phan Đình Nam sắp tới sẽ bước vào năm thứ tư đại học Lao Động Xã Hội cơ sở 2 thành phố Hồ Chí Minh – các anh đã có thể lo chi phí việc học của em mình, chị Tiến phần nào yên tâm thôi việc bán vé số, nhưng không… chị vẫn tiếp tục công việc.
Trước kia, khi vé số còn có giá 2 ngàn đồng một tờ chị Tiến bán được từ 200 đến 250 tờ mỗi ngày. Khi lên giá 10 ngàn đồng, số người bán vé số nhiều hơn, người trẻ nhanh nhẹn hơn, chị lại thêm căn bệnh cao huyết áp công việc bán vé số gặp nhiều khó khăn. Một ngày chỉ bán được nhiều nhất 50 tờ đồng nghĩa với số tiền kiếm được cao nhất là 50 ngàn đồng. Cộng với số tiền chế độ ưu đãi chính sách 740 ngàn đồng/tháng. Gia đình chị phải vay thêm các nguồn vốn sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường, vốn hỗ trợ đối tượng chính sách, với số nợ gần 70 triệu đồng để trang trãi các chi phí cuộc sống. Gánh nặng của chị giờ đã được vơi đi phần nào và niềm an ủi lớn nhất lúc này của chị có lẽ là sự lớn khôn, trưởng thành và tương lai của các con có phần ổn định.
Nhìn lại chặn đường vất vả nhất đã qua, bán công sức cho người từ những buổi làm thuê đầy nhọc nhằn dưới trời nắng nóng hay mưa dầm. Vợ chồng chia nhau xấp vé số - chồng thì bằng chiếc xe đạp cọc cạch, vợ với đôi dép lê góp nhặt từng đồng lo cho con ăn học. Rồi thì chạy vạy ngược xuôi vay mượn tiền đi hết bệnh viện Tỉnh đến bệnh viện Việt Pháp chữa bệnh cho chồng. Nhưng đành bất lực trước chi phí quá cao 5 ngàn 800 đô để anh Thun được phẩu thuật tim. Dành dụm tiền để mua con bò giống là tài sản gần như có giá trị lớn nhất. Kể ra cũng có hơn chục con khác được gầy và mỗi đầu năm học hay đầu học kỳ 2 lại có một con bò được bán đi để chi trả việc học của các con… Chắc cũng đủ một cuộc đời thương binh không phẳng lặng. Với ý chí và nghị lực kiên cường… chị Tiến đã vượt qua tất cả bằng tâm niệm: để con cái được đỗ đạt nên người, giúp ích cho xã hội./.
Minh Trúc