Những năm qua, Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thể hiện trách nhiệm, sự quyết liệt, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) có sự chuyển biến tích cực; nhất là thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài theo Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 16/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Kết quả nổi rõ là:
- Công tác quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan về chống khai thác IUU được tập trung đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nhờ đó nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn càng được nâng cao, góp phần làm chuyển biến trong hành động, hạn chế được vi phạm.
- Công tác quản lý, kiểm soát, xử lý vi phạm đối tượng và tàu cá hoạt động trên biển được chú trọng và triển khai thực hiện khá tốt; việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ngư dân thực hiện nghiêm túc, bước đầu khai thác, phát huy được cơ sở dữ liệu giám sát hành trình tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam; các chính sách hỗ trợ ngư dân được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
- Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm và kịp thời có biện pháp khắc phục. Qua đó, đã hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài hằng năm, trong đó có khoảng thời gian gần 02 năm (từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2021) và năm 2023 đến nay không phát hiện tàu cá, ngư dân thị xã vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập đáng lưu ý là: Kết quả công tác ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân thị xã vi phạm vùng biển nước ngoài chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái diễn còn cao. Công tác quản lý tàu cá, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm còn khó khăn. Công tác thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, còn nhiều hành vi vi phạm chưa được phát hiện xử lý kịp thời, nương nhẹ trong xử lý; tình trạng cào nhám hoạt động ven bờ vẫn còn xảy ra, có thời điểm diễn ra phức tạp chưa được xử lý kiên quyết; chính sách, pháp luật trong việc đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài còn bất cập. Công tác điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân thị xã ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản chưa có kết quả cụ thể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Một số địa phương chưa nắm chắc số lượng tàu cá, tình hình hoạt động tàu cá, lao động nghề cá thuộc địa bàn mình phụ trách nên số tàu cá phát sinh, chưa đăng ký không được kiểm soát. Ý thức chấp hành pháp luật của một số ngư dân còn hạn chế, chỉ quan tâm lợi ích kinh tế trước mắt. Nguồn lực (phương tiện, nhân lực, kinh phí) của lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ quản lý thủy sản, chống khai thác IUU còn khó khăn, hạn hẹp.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Cả hệ thống chính trị thị xã phải xác định việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quy định, kế hoạch của Chính phủ về chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài; phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục hạn chế thời gian qua, tập trung nguồn lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để phòng, chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), hướng đến phát triển nghề cá bền vững thời gian tới. Trọng tâm là:
1. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp, các phòng, ban, ngành liên quan, trước hết là Ban Thường vụ cấp ủy, UBND các phường, xã phải quán triệt quan điểm chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Thường vụ Thị ủy, nhất là Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 07/3/2022 và Kế hoạch số 101-KH/TU, ngày 03/11/2022 của Ban Thường vụ Thị ủy về thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân thị xã khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, các cơ quan, đơn vị liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU; thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân ở thị xã vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU dưới mọi hình thức, đặc biệt đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân khai thác trên các vùng biển xa, nhất là các tàu cá hành nghề câu khơi thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh nhằm làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức tự giác của ngư dân trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống khai thác IUU.
Khuyến khích ngư dân tích cực phát hiện, phản ánh, tố giác, cung cấp thông tin các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc đang vi phạm quy định về chống khai thác IUU cho các cơ quan chức năng biết để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện của chính quyền và các ngành.
3. Tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát các khâu yếu, chưa chặt chẽ trong quản lý nhóm tàu cá có nguy cơ cao (nghề câu khơi); lập danh sách tàu cá nằm trong diện nguy cơ cao để bố trí lực lượng từng địa bàn theo dõi từng tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ đầu, không để xảy ra vi phạm; phát huy tốt vai trò của cốt cán chính trị ở cơ sở trong việc cung cấp thông tin và tăng cường biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng. Quản lý chặt chẽ tàu cá xuất bến theo quy định và yêu cầu thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm; phối hợp điều tra, xác minh, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm theo quy định.
4. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội,... nhất là Hội Nông dân, Nghiệp đoàn khai thác hải sản, các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục đoàn viên, hội viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình sát thực, hiệu quả về chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
5. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại hoạt động nghề cá trên biển, từng bước giữ vững và giảm dần số lượng thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Thực hiện tốt chế độ chính sách cho chủ tàu đánh bắt vùng biển xa, góp phần bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo quốc gia.
6. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cấp ủy, ngành chức năng và địa phương trong thực hiện các quy chế phối hợp đã ký kết.