Vì sao phải tiến hành xây dựng nông thôn mới?
Dân số nước ta chủ yếu tập trung hơn 65% ở địa bàn nông thôn, đời sống người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Nông thôn ổn định và phát triển thì mới đóng góp chung vào sự ổn định và phát triển của cả nước. Để giải quyết hiệu quả vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo chủ trương của Đảng, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, “Về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2022” hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tăng cường, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân cải thiện rõ rệt. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế… Những thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”([1]).
Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, về đích sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng; diện mạo nông thôn Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao”([2]).
Trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu: “Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”([3]), Đảng ta đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, gồm: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn([4]).
Chính phủ đã có Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vậy, dựa vào những tiêu chí nào để công nhận cấp xã, huyện/thị/thành phố, cấp tỉnh đạt NTM (2010 – 2020)?
Cấp xã: Xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là xã đạt năm nhóm tiêu chí, gồm 19 tiêu chí (Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009):
Thứ nhất, về quy hoạch sử dụng đất, hạn tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch các khu dân cư;
Thứ hai, về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, gồm: Tiêu chí 2. Giao thông; 3. Thủy lợi; 4. Điện; 5. Trường học; 6. Cơ sở vật chất văn hóa; 7. Chợ; 8. Bưu điện; 9. Nhà ở khu dân cư;
Thứ ba, về kinh tế và tổ chức sản xuất, gồm: Tiêu chí 10. Thu nhập; 11. Hộ nghèo; 12. Cơ cấu lao động; 13. Hình thức tổ chức sản xuất;
Thứ tư, về văn hóa, xã hội, môi trường, gồm: Tiêu chí 14. Giáo dục; 15. Y tế; 16. Văn hóa; 17. Môi trường;
Thứ năm, về hệ thống chính trị, gồm: Tiêu chí 18. Hệ thống chính trị xã hội vững mạnh và 19. An ninh, trật tự xã hội.
Trong từng tiêu chí có các chỉ tiêu cho từng vùng, miền, từng ngành, lĩnh vực. (Ngày 20-02-2013, ban hành Quyết định số 342/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ: Sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).
Cấp huyện: Huyện/Thị xã/Thành phố thuộc tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh: có 100% số xã trong huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. (Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 05/4/2016).
Cấp tỉnh: Tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là tỉnh có 80% số huyện trong tỉnh đạt nông thôn mới (Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009).
Trong xây dựng NTM, tiêu chí nào cần ưu tiên thực hiện trước?
Trong 19 tiêu chí về NTM, tiêu chí cần ưu tiên thực hiện trước gồm:
Thứ nhất, là quy hoạch gồm: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đến năm 2020 tầm nhìn 2025; quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường theo chuẩn mới và quy hoạch hạ tầng dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Thứ hai, là Đào tạo, gồm đào tạo cán bộ, đào tạo lao động có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để có những con người thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình xây dựng NTM;
Thứ ba, là Hoàn thiện các hạ tầng kinh tế - xã hội, gồm điện, đường, trường, trạm, chợ.
Đây là nhóm các tiêu chí cần phải ưu tiên thực hiện, làm nền tảng cho việc định hướng phát triển ổn định hạ tầng kinh tế kỹ thuật và phát triển kinh tế của địa phương.
Xã nông thôn mới nâng cao cần đạt những tiêu chí nào so với xã nông thôn mới (2021 – 2025)?
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 19 tiêu chí. Cụ thể, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2- Giao thông; 3- Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4- Điện; 5- Trường học; 6- Cơ sở vật chất văn hóa; 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8- Thông tin và truyền thông; 9- Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10- Thu nhập; 11- Nghèo đa chiều; 12- Lao động; 13- Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (14- Giáo dục và Đào tạo; 15- Y tế; 16- Văn hóa; 17- Môi trường và an toàn thực phẩm; 18- Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19- Quốc phòng và an ninh).
Với mỗi tiêu chí, Quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai có các nội dung: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.
Về thu nhập bình quân đầu người năm 2024, chỉ tiêu chung là từ 54 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ là từ 45 triệu đồng/người trở lên; vùng Đồng bằng sông Hồng là từ 59 triệu đồng/người trở lên; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là từ 50 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam Bộ là từ 68 triệu đồng/người trở lên; Đồng bằng sông Cửu Long là từ 59 triệu đồng/người trở lên.
Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn gồm các nội dung: Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Tiêu chí về y tế có 4 nội dung: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi); tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử.
Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm gồm các nội dung: Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định;...
Quyết định cũng quy định cụ thể xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, gồm:
1- Là xã đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025);
2- Đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, gồm: 1- Quy hoạch; 2- Giao thông; 3- Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4- Điện; 5- Giáo dục; 6- Văn hóa; 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8- Thông tin và Truyền thông; 9- Nhà ở dân cư; 10 -Thu nhập; 11- Nghèo đa chiều; 12- Lao động; 13- Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 14- Y tế; 15- Hành chính công; 16- Tiếp cận pháp luật; 17- Môi trường; 18- Chất lượng môi trường sống; 19- Quốc phòng và An ninh.
Trong đó, về tiêu chí quy hoạch có các nội dung: Có quy hoạch chung xây dựng xã còn thời hạn hoặc đã được rà soát, điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; có quy chế quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch; có quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch cấp trên.
Tiêu chí giao thông gồm các nội dung: Tỷ lệ đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định; tỷ lệ đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp: Được cứng hóa và bảo trì hàng năm; có các hạng mục cần thiết theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; tỷ lệ đường ngõ, xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Về thu nhập bình quân đầu người năm 2024, chỉ tiêu chung là từ 66 triệu đồng/người trở lên; còn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ là từ 55 triệu đồng/người trở lên; vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long là từ 72 triệu đồng/người trở lên; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là từ 60 triệu đồng/người trở lên; vùng Đông Nam Bộ là từ 84 triệu đồng/người trở lên.
Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2022/QĐ-TTg về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị xây dựng xã Tân Phước,
thị xã La Gi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024
Vừa qua, căn cứ Kết luận số 1059-KL/TU, ngày 11/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã (khóa XI) về việc điều chỉnh giao nhiệm vụ xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. UBND thị xã La Gi đã ban hành Kế hoạch xây dựng xã Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Tại Kế hoạch xác định rõ, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, kết quả xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo bền vững và hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao nhằm nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn theo hướng đồng bộ, bền vững và được người dân hài lòng. Đảm bảo công khai dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương, đoàn thể chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục tiêu, các biện pháp tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò làm chủ của người dân trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ.
Tuy nhiên, so với 19 tiêu chí, xã Tân Phước mới đạt được 9/19 tiêu chí. Còn 10/19 tiêu chí phải tiếp tục tập trung thực hiện, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt. Cụ thể là:
- Tiêu chí 1. Quy hoạch: Tháng 11/2024 phải hoàn thành.
- Tiêu chí 2. Giao thông: mục tiêu là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại khu vực có dân cư sinh sống tập trung tại 03 tuyến đường: Trần Quang Diệu, Lê Văn Duyệt Ngô Tất Tố. Hoàn thành trong tháng 9/2024.
- Tiêu chí 5. Giáo dục: đầu tư xây dựng Trường Mẫu giáo Tân Phước (thôn Hồ Tôm) và mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học trong các phòng, đồ chơi ngoài trời. Hoàn thành trong tháng 8/2024.
- Tiêu chí 6. Văn hóa: Tu bổ, tôn tạo, xây mới đảm bảo về diện tích, chỗ ngồi, trang thiết bị hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục – thể thao của cộng đồng dân cư. Hoàn thành trong tháng 9/2024.
- Tiêu chí 7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: đầu tư nâng cấp chợ Tân Phước đạt các tiêu chí quy định về chơ kinh doanh thực phẩm; khảo sát đánh giá và hướng dẫn quy trình, lập hồ sơ công nhận mô hình chợ an toàn thực phẩm theo quy định. Hoàn thành trong tháng 8/2024.
- Tiêu chí 8. Thông tin và truyền thông: hoàn thiện sản phẩm OCOP của xã được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử. Hoàn thành trong tháng 8/2024.
- Tiêu chí 10. Thu nhập: thu nhập bình quân của xã đạt 60 triệu đồng/người/năm. Hoàn thành trong tháng 9/2024.
- Tiêu chí 13. Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn: đăng ký sản phẩm chủ lực của xã đáp ứng điều kiện (…) trong ít nhất 02 năm liên tục trước năm xét, công nhận xã nông thôn mới nâng cao; hoàn chỉnh thủ tục liên quan đến cấp mã vùng trồng đối với cây Thanh long của nhóm sản xuất thanh long VietGAP thôn Tân Lý 1; đăng ký mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả (đảm bảo tối thiểu 02 tiêu chí trong các tiêu chí sau: tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của mô hình; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập; giữ gìn bản sắc văn háo, không gây ô nhiễm môi trường). Hoàn thành trong tháng 8/2024.
- Tiêu chí 14. Y tế: tiếp tục tăng cường phối hợp, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách BHYT giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia. Hoàn thành trong tháng 9/2024.
- Tiêu chí 17. Môi trường; Tiêu chí 18. Chất lượng môi trường sống: tuyên truyền, vận động cho Nhân dân nên áp dụng hình thức hỏa táng khi gia đình có người thân qua đời. Xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn của UBND xã Tân Phước và đang triển khai thực hiện. Xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện, hướng dẫn các bể thu gom rác thải nguy hại ở các khu vực hoạt động sản xuất nông nghiệp (để chứa các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật) và ở các khu vực dân cư tập trung (để chứa chất thải ngủy hại phát sinh trong sinh hoạt của người dân). Hoàn thành trong tháng 8/2024.
Với quyết tâm và nổ lực cao của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng lòng ủng hộ, chung tay dựng xây của Nhân dân, xã Tân Phước chắn chắn sẽ thực hiện tốt các mục tiêu và hoàn thành 19/19 tiêu chí để được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao năm 2024. Chúng ta hi vọng, cùng nhau chờ đón tin vui này.
([1]) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 61 – 62.
([2]) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 90.
([3]) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 97.
([4]) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 99-118.