Thực hiện chủ trương trên, Thị ủy La Gi ban hành Chương trình hành động để triển khai với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của thị xã đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững. Từ đó góp phần vào kết quả thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy.
Qua 03 năm thực hiện, các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn thị xã và đạt một số kết quả tích cực: (1) Hoạt động ngành nông nghiệp nhiều lĩnh vực cơ bản ổn định, một số chỉ tiêu tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có bước chuyển tiến bộ, đúng định hướng. (2) Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp được chú ý, hình thành một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng năng suất, chất lượng một số cây trồng chủ lực, lợi thế, mang lại thu nhập cho nông dân, hiệu quả sử dụng đất được nâng lên (Chuyển dịch trên 100 ha diện tích đất canh tác cây lúa manh mún, năng suất thấp, khó khăn về nước tưới sang trồng các cây ngắn ngày như rau, đậu các loại, bắp đã góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của các hộ nông dân tại các xã Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước. Diện tích cây mãng cầu, xoài, chuối, nhất là măng tre tứ quý được nông dân đầu tư thâm canh tập trung...). (3) Hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, chăn nuôi, trồng trọt được đẩy mạnh (Triển khai 01 nhiệm vụ cấp cơ sở lĩnh vực nông nghiệp, hằng năm xây dựng 05 mô hình khuyến nông, lâm, ngư, kết hợp liên kết tiêu thụ sản phẩm; 35% diện tích đất sản xuất nông nghiệp áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan (PU) để bảo quản sản phẩm trên tàu cá...); sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng an toàn, chất lượng (03 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và 07 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP 3 sao). (4) Kinh tế thủy sản phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, sản lượng khai thác thủy sản bình quân đạt 62.973 tấn/năm. (5) Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai được quan tâm (Hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng khu neo đậu tránh trú bão sông Dinh, nâng cấp mở rộng Cảng cá La Gi và chỉnh trị cửa biển La Gi, triển khai xây dựng dự án Hoàn thiện công trình Kè bảo vệ Sông Dinh và Kè bảo vệ khu dân cư phường Phước Lộc, xin chủ trương sửa chữa Công trình kè tạm bảo vệ bờ biển thôn Phước Hải, xã Tân Phước; các tuyến đường chính của đô thị (57/57 tuyến đường), 100% khu vực công cộng và nhiều tuyến ngõ hẻm được đầu tư hệ thống điện chiếu sáng; 100% dân số khu vực nội thị được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh...). (6) Đời sống Nhân dân ở khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống có nâng cao hơn trước.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,8%/năm, đạt 100% KH (chỉ tiêu 2,8%).
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản (sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng bình quân trên 5%/năm, đạt 100% KH (chỉ tiêu khoảng 5%).
- Tỷ lệ phân bón hữu cơ đạt trên 30% tổng phân bón được sử dụng trên địa bàn, đạt 200%KH (chỉ tiêu đạt khoảng 15%).
- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 63%, đạt 126% KH (chỉ tiêu trên 50%).
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 70%, đạt 109,4% KH (chỉ tiêu đạt trên 64%).
- Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt trên 130 triệu đồng, đạt 100% KH (chỉ tiêu đạt khoảng 130 triệu đồng).
|
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp ở thị xã còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ; đa số doanh nghiệp và hợp tác xã có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, giữa “4 nhà” còn yếu dẫn tới thực trạng một nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Năng lực mở rộng và dự báo thị trường cho sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và kỹ thuật viên còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Với những kết quả và tồn tại, hạn chế nêu trên thì việc thực hiện đạt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của thị xã đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững” còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị thị xã phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, đổi mới phương thức, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, Thị ủy La Gi yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã chú trọng thực hiện một số nội dung cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động của Thị ủy gắn với các văn bản có liên quan và Quy hoạch chung thị xã đến năm 2035 để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao đến các cấp, ngành, địa phương và người dân về xây dựng nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Thứ hai, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ.
Thứ tư, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi trong chuỗi sản xuất, nhất là quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh; xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, nhất là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thứ sáu, tập trung huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
Thứ bảy, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động của các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.