Một số kết quả trong thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU
Việc tổ chức học tập, quán triệt nội dung Chỉ thị số 32-CT/TU được triển khai nghiêm túc trong cán bộ, đảng viên và đoàn viên, hội viên trong toàn thị xã; Ban Tuyên giáo Thị ủy đưa nội dung Chỉ thị số 32-CT/TU vào Thông tin sinh hoạt nội hàng tháng và tăng cường các tin, bài tuyên truyền trên các trang mạng xã hội nhằm tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện cuộc vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và vận động các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ môi trường được đẩy mạnh; thực hiện việc xây dựng và sửa chữa các pano, treo băng rôn, cờ phướn tuyên truyền về bảo vệ môi trường (xây dựng và sữa chữa 21 pano tuyên truyền về bảo vệ môi trường, in ấn và phân phát hơn 50 băng rôn tuyên truyền cho UBND các xã, phường; thực hiện treo hơn 200 băng rôn, cờ phướn dọc các tuyến đường chính vào dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; đưa 120 lượt tin, bài, phóng sự được phát sóng, tổng thời lượng hơn 600 phút); nhiều đợt ra quân làm sạch môi trường vào các dịp Tết Nguyên Đán, các ngày lễ lớn, các ngày sự kiện môi trường,... phần lớn người dân quan tâm tham gia, hưởng ứng tích cực, ý thức của người dân về tự giữ gìn vệ sinh nơi công cộng từng bước được nâng lên, phố phường ngày càng sạch đẹp hơn.
UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 10/7/2023 triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 05/6/2023 của Thị ủy La Gi và hơn 20 văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực môi trường. UBND thị xã đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và UBND các phường, xã tập trung tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TU và Kế hoạch số153/KH-UBND trên phương tiện thông tin đại chúng,… Mở chuyên mục “ Vì một thị xã La Gi xanh - sạch – đẹp” với các tin, bài phản ánh các hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các phường, xã. Xây dựng tin, bài phóng sự phản ánh những trường hợp vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Phản ánh nêu gương điển hình một số địa phương thực hiện tốt công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường nhằm động viên, khuyến khích các hoạt động tích cực đến công tác bảo vệ môi trường. Từ tháng 6/2023 đến nay, đã tổ chức 06 đợt ra quân đồng loạt để tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường trên toàn thị xã; tiếp nhận 05 thùng rác (có 02 ngăn phân loại rác) từ Sở Tài nguyên và Môi trường đặt ở các trường học nhằm mục đích giáo dục, tuyên truyền cho các em học sinh về ý thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
UBND các phường, xã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện loa phát thanh các nội dung về “ Mô hình phân loại rác tại nguồn”, “ Mô hình thu gom rác hẻm”, “Chống rác thải nhựa” theo đó, vận động người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thu gom, thải bỏ rác đúng nơi quy định, tập làm quen với tái sử dụng, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy,.…
Kết quả tổ chức triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã đã được tập trung. Về xử lý rác thải sinh hoạt mỗi ngày, Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ tiếp nhận và xử lý khoảng 75 – 85 tấn/ngày rác thải sinh hoạt của thị xã, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác cũ xã Tân Phước. Đồng thời. Nhà máy xử lý rác đã tận dụng rác hữu cơ để làm ra sản phẩm phân vi sinh compost, tận dụng rác sản xuất ra gạch. Hoạt động của Nhà máy đã giải quyết được vấn đề xử lý rác thải trên toàn thị xã; đối với chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (khoảng 100 kg/ngày), bệnh viện thị xã xử lý bằng hệ thống khử khuẩn kết hợp cắt nghiền. Sau đó, thu gom chung với rác thải sinh hoạt, hợp đồng với Ban Quản lý công trình công cộng thu gom, chuyển nhà máy xử lý. Đối với chất thải rắn lây nhiễm sắc nhọn và chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm, bệnh viện thị xã hợp đồng với Công ty TNHH TM & MT Hậu Sanh (ở Bình Định) vận chuyển và xử lý theo quy định; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên có sức tác động đến việc triển khai tổ chức thu gom rác thải hẻm tại các phường, xã, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng vứt rác, đốt rác bừa bãi trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an ninh trật tự. Tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư ngày càng ít hơn trước đây, người dân dần hình thành nếp sống văn minh hơn trong ứng xử với rác thải, nhất là khu vực nội thị; việc thu gom rác ven sông, ven biển được UBND thị xã giao cho Ban Quản lý công trình công cộng định kỳ phối hợp với UBND các phường, xã tiến hành trục vớt, thu gom. Đến nay, được xem là nhiệm vụ thường xuyên của Ban Quản lý công trình công cộng và vẫn đang được duy trì cơ bản có hiệu quả; việc phân loại chất thải rắn tại nguồn được UBND thị xã quan tâm và quyết tâm thực hiện từ năm 2023. Hiện nay, UBND thị xã đã tổ chức họp, lấy ý kiến các phòng ban và UBND các phường, xã để hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị xã đến năm 2025 và sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Về di dời các cơ sở phế liệu ra khỏi khu dân cư tập trung, qua thời gian triển khai tuyên truyền, vận động, đến nay, phần lớn các cơ sở đã chấp hành di dời ra khỏi khu dân cư; chỉ còn một số cơ sở nhỏ lẻ thu mua, vận chuyển đi trong ngày, cam kết không tập kết những vật liệu dễ cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, được UBND thị xã giao cho UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi. UBND thị xã đã và đang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban liên quan, UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, vận động các cơ sở này di dời đến nơi khác phù hợp hơn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, sau thời gian cố gắng phấn đấu thực hiện để đạt được Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, đến nay 04 xã đều đã đạt Chuẩn nông thôn mới; tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là xã Tân Phước vào cuối năm 2024, đối với các tiêu chí về môi trường, UBND thị xã đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện và thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện của các xã, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Công tác phối hợp xử lý môi trường đối với Khu tránh bão – Cảng cá La Gi được Ban Thường vụ Thị ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo; các ngành chức năng thị xã đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý, UBND phường Phước Lộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong khu vực cảng chấp hành các quy định pháp luật trên lĩnh vực vệ sinh môi trường, xả rác thải, nước thải theo đúng quy định.
Việc phát động thực hiện Cuộc vận động được Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã triển khai kịp thời, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện cuộc vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên trong thực hiện cuộc vận động để từng bước đi đến chấm dứt, không còn tình trạng xả nước thải, vứt rác thải bừa bãi, người dân tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và bao bì hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp gắn với việc thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã chủ động phối hợp các ngành, các phường, xã liên quan tuyên truyền, thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, sinh hoạt tại khu dân cư, sinh hoạt chi, tổ hội của các tổ chức thành viên, hoạt động của các tổ chức tôn giáo,… các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo môi trường.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã xây dựng và triển khai thực hiện 02 mô hình phát động Cuộc vận động “Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường” tại Khu phố 4, phường Phước Hội với mô hình “Kết nối xanh - Dân quản lý”; và Khu phố 4, phường Tân Thiện với mô hình “Xanh – Sạch - Thân thiện với môi trường”. Bên cạnh đó, 04 điểm tuyến đường văn minh đô thị (tuyến đường văn minh đô thị trong vùng đồng bào có đạo đường Lý Thường Kiệt, khu phố 1 phường Tân An; đường Cách mạng Tháng Tám, khu phố 4, 5, 6 phường Bình Tân; đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu phố 7, 8 phường Tân An và tuyến đường văn minh, cảnh quan đô thị đường Nguyễn Du thôn Cam Bình, xã Tân Phước); 18 điểm môn hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường” tại các thôn, khu phố đã duy trì hoạt động, nâng cao tiêu chí, chất lượng gắn với nội dung thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU, đến nay các mô hình phát huy hiệu quả góp phần tích cực trong Cuộc vận động “Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường”.
Hội Nông dân thị xã đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong thị xã, duy trì hoạt động và xây dựng mới các điểm mô hình về bảo vệ môi trường, củng cố các điểm “thu gom rác thải nông nghiệp” thùng, bể chứa rác thải ở các xã vùng sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên nông dân, phối hợp với các cấp, các ngành hưởng ứng tham gia các cuộc vận động địa phương phát động về môi trường; xây dựng thành lập 01 mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp” thôn Hiệp Trí – Tân Hải; Hội Cựu Chiến binh thị xã đã xây dựng 09 mô hình “Giữ gìn vệ sinh môi trường” với 174 thành viên. Hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” các cấp Hội đã phối hợp tham gia và đóng góp, vận động kinh phí mua cây xanh trồng tại địa bàn dân cư; Đoàn Thanh niên thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai phát động Cuộc vận động “Tuổi trẻ La Gi chung tay bảo vệ môi trường”. Đưa nội dung phát động chung tay bảo vệ môi trường đến với đoàn viên, thanh niên thị xã thông qua các lớp tập huấn cán bộ Đoàn, cán bộ Hội, đoàn viên, hội viên năm 2023; lớp tập huấn cán bộ đoàn, hội, thanh niên trường học năm 2023 thu hút hơn 440 lượt cán bộ đoàn, hội tham gia giúp cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ môi trường; thúc đẩy các hoạt động phong trào phát triển mạnh mẽ ở các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn thị xã; Hội Phụ nữ thị xã phối hợp tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”với nhiều hình thức. Các hoạt động vệ sinh môi trường được các cấp hội thực hiện gắn với chủ đề, nhiệm vụ từng năm như thực hiện tuần lễ quốc gia, vệ sinh môi trường và ngày môi trường thế giới, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp theo chủ đề từng năm. hưởng ứng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, phát huy tinh thần trách nhiệm, mỗi cán bộ, hội viên, tổ chức hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình hội viên. Xây dựng mô hình chi hội bảo vệ môi trường Khu phố 2 - Phước Lộc; Tổ phụ nữ thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo Khu phố 5 - Phước Hội; xây dựng 08 mô hình sinh kế biến đổi khí hậu, giúp cho cán bộ hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và chung tay bảo vệ môi trường; Liên đoàn Lao động thị xã đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU với nhiều hình thức; các hoạt động vệ sinh môi trường được các công đoàn thực hiện gắn với chủ đề, nhiệm vụ năm; vận động đoàn viên tham gia dọn vệ sinh tại cơ quan và cộng đồng. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “Mỗi công đoàn cơ sở - Một môi trường xanh”. Tập trung vận động cán bộ, đoàn viên tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị, phân loại rác thải tại nguồn, trong đó tập trung làm điểm xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, các công ty có 100 lao động trở lên thành lập mô hình“Phân loại rác thải rắn tại nguồn”.
Cấp ủy các phường, xã đã ban hành văn bản tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện Cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, đảm bảo thực hiện tốt công tác thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư; các địa phường đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; UBND các phường, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung Kế hoạch số 153/KH-UBND của UBND thị xã một cách nghiêm túc. Đã và đang xây dựng, hình thành các tuyến đường tự quản, tự phòng trong các khu dân cư; việc thực hiện Đề án thu gom rác hẻm của các phường, xã trong thời gian qua được tập trung chỉ đạo, đến nay toàn thị xã có 181 tuyến hẻm được triển khai mô hình thu gom; các địa phương thường xuyên kiểm tra đối với các điểm tập kết rác trên địa bàn nhằm quản lý không để tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm vứt rác thải bừa bãi theo quy định của pháp luật. Xây dựng và triển khai kế hoạch hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” tại các phường, xã được tập trung chỉ đạo thực hiện. Công trình trồng cây xanh khối phường, xã đã thực hiện trong năm 2023 đã trồng 1868 (khối phường 1094 cây; khối xã 774 cây).
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên. HĐND thị xã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân thị xã La Gi (khóa XII) về thành lập Đoàn giám sát công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã La Gi. Qua giám sát, làm việc trực tiếp và khảo sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thị xã đã chỉ ra các kết quả đã đạt được và những việc còn hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện đối với công tác môi trường tại thị xã, nhất là thực hiện các nội dung được nêu tại Chỉ thị số 32-CT/TU, Kế hoạch số 153/KH-UBND của UBND thị xã; UBND thị xã đã nhiều lần chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra yêu cầu khắc phục, đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với các nhà máy trong Cụm công nghiệp có mùi Tân Bình 1. Từ tháng 6/2023 đến nay, tham mưu UBND tỉnh ban hành 01 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 235.000.000 đồng (trường hợp ông Nguyễn Văn Lợi – Khu phố 3, phường Bình Tân về hành vi mua chất thải nguy hại); UBND thị xã ban hành 03 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 195.000.000 đồng; UBND phường, xã kiểm tra, xử lý 05 trường hơp, xử phạt vi phạm hành chính vi phạm môi trường với tổng số tiền là 6.000.000 đồng.
Qua 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU cho thấy nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở đối với công tác bảo vệ môi trường thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các phòng, ban, ngành thị xã, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp và Nhân dân, có sự chuyển biến rõ nét, nhận thức và hành động được nâng lên và tập trung hơn trước; tích cực tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về Cuộc vận động “Người dân thị xã La Gi chung tay bảo vệ môi trường” nhằm tạo vẻ mỹ quan đô thị xanh, sạch, đẹp. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã từng bước chuyển biến tiến bộ, cơ bản được đảm bảo sạch sẽ mỹ quan; việc triển khai tổ chức thu gom rác hẻm tại các phường, xã từng bước đi vào ổn định; tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư ngày càng cải thiện; việc phối hợp tổ chức các hoạt động môi trường được diễn ra thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị đã mang lại hiệu quả nhất định, vừa góp phần làm sạch môi trường, vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thị xã.
Một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và người dân tuy được triển khai thường xuyên nhưng hiệu quả mang lại chưa triệt để.
Việc triển khai tại địa bàn cơ sở phường, xã có lúc, có nơi chưa xem là việc làm thường xuyên; nhiều nơi tổ chức phát động nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện dẫn đến Cuộc vận động ở một số địa bàn dân cư chưa chuyển biến đúng theo yêu cầu đặt ra.
Tình trạng lén lút bỏ rác thải tại các khu vực dân cư vẫn còn tiếp diễn; còn làm rơi vãi rác thải trong quá trình thu gom; công tác phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường liên quan đến Cảng La Gi chuyển biến chậm, kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một số nội dung chưa nghiêm túc; việc triển khai Đề án thu gom rác hẻm vẫn còn một số phường, xã thực hiện chưa tốt; việc triển khai mô hình người dân tự thu gom, phân loại rác sinh hoạt để có thể tự xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, hạn chế thấp nhất lượng rác thải đưa vào thu gom chung của thị xã thực hiện chậm, kết quả còn khiêm tốn.
Về nguyên nhân của những hạn chế: Việc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch có nơi thực hiện chưa sâu kỹ; một số cơ quan, đơn vị, phường, xã chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; cán bộ công chức phụ trách môi trường của các xã, phường còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, chuyên môn còn hạn chế, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số xã, phường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực hiện chưa sâu kỹ; vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường chưa thường xuyên. Ý thức của một số ít hộ gia đình, cơ sở kinh doanh còn kém; tình trạng người dân vứt rác thải ra đường phố, nơi công cộng, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, sông, suối,… vẫn còn diễn ra; còn thói quen chăn nuôi gia súc gia cầm xen kẽ trong khu dân cư, rác sinh hoạt một phần được chôn, đốt, ủ làm phân, phần lớn còn lại đổ ra môi trường, sông, suối,... nhất là ở các khu vực nông thôn; việc phòng, chống rác thải nhựa trong cộng đồng dân cư vẫn còn chưa cao, người dân chưa từ bỏ thói quen sử dụng bịch nilong trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; tình trạng lạm dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, hoá chất trong chế biến, bảo quản thực phẩm, nông sản và chăn nuôi vẫn còn phổ biến, làm ảnh hường đến môi trường và sức khoẻ của cộng đồng dân cư. Vẫn còn một bộ phận người dân xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, không tham gia công tác vệ sinh nơi địa bàn cư trú. Việc triển khai một số dự án như: Cụm công nghiệp có mùi Tân Bình 1 còn chậm; quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu giết mổ tập trung nhưng chưa có cơ sở hạ tầng để yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm di dời vào.
Một số bài học kinh nghiệm
Một là, cần phải tập trung công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên cức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn dân cư; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải tuyên truyền, vận động gia đình và người thân nêu gương trong công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo hiệu ứng trong Nhân dân.
Hai là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở cần tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và sự quan tâm phối hợp đồng bộ của các ban, ngành; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đốn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung đề ra.
Ba là, các hoạt động bảo vệ môi trường cần tổ chức thường xuyên gắn các phong trào thi đua của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo thành nếp sống văn minh trong Nhân dân đối với việc xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Kịp thời biểu dương, khen thưởng hàng năm cho phong trào vận động để khích lệ tinh thần.
Bốn là, kịp thời kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động từ thị xã đến các phường, xã nhiệt tình, năng lực, uy tính, thường xuyên phối hợp, tổ chức vận động; tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.
Năm là, thường xuyên quan tâm hỗ trợ ngân sách nhằm đảm bảo kinh phí cho công tác môi trường; tăng cường các hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực môi trường trên địa bàn thị xã.