Những quy định trên nhằm đảm bảo chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tế; nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức và công dân; tăng cường công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thật sâu sát, quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức quan tâm sâu sát đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý, khắc phục sai phạm nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức có quan hệ phối hợp chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, củng cố kịp thời. Tạo tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, để các thế lực thù địch, phần tử xấu không có cơ hội lợi dụng chống phá, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập, như tình trạng đế lộ lọt thông tin của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo không bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập cần được phát hiện, xử lý nghiêm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo. Cán bộ, đảng viên và người dân an tâm, mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm... Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy các cấp, chính quyền triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW và Quy định số 1l-QĐi/TW gắn với việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo,… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác bảo vệ người tố cáo…
Tại bài viết này, Ban Tuyên giáo Thị ủy xin giới thiệu một số nội dung trong Quy định số 11-QĐi/TW để bạn đọc được hiểu rõ hơn.
Thứ nhất: Thời gian tiếp dân (có 02 hình thức tiếp dân: theo định kỳ và đột xuất - trích Điều 5)
Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ như sau:
- Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.
- Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.
Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất trong các trường hợp dưới đây:
- Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau.
- Vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, không chỉ là tiếp dân, mà còn là gần dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc gần dân, trọng dân, luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời mọi ý kiến của nhân dân. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội,…từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm, có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp gỡ quần chúng.
Thứ hai: Thời hạn xử lý giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (trích Điều 6)
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo người đứng đầu cấp ủy thông báo bằng văn bản đến người đã phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết.
- Có thể kéo dài hơn 10 ngày nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương (phải nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết).
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do người đứng đầu cấp ủy chuyển, chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có văn bản báo cáo người đứng đầu cấp ủy và thông báo bằng văn bản cho người đã phản ánh để giải quyết và chỉ đạo giải quyết.
Thứ ba: Xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (Điều 7)
- Việc xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện theo đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định của Đảng và pháp luật.
- Các đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ trực tiếp chỉ đạo, xử lý, giải quyết theo phân cấp quản lý cán bộ.
Thứ tư, Bí thư cấp ủy chống bệnh xa dân - quyết tâm khắc phục mọi rào cản để trực tiếp lắng nghe dân - thể hiện qua 02 nguyên tắc chung trong hoạt động tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy (Theo quy định tại Điều 2):
- Người đứng đầu cấp uỷ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tổ cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Thứ năm, Xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy trong hoạt động tiếp dân trong trường hợp nào? (Căn cứ theo Điều 8)
Người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau:
- Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
- Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 8 quy định là: “Người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo nhiều người; xuyên tạc, vu khống, gây mất an ninh, trật tự, xâm hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân” cũng bị xử lý trách nhiệm.
Hiện nay, Ban Thường vụ Thị ủy đã cụ thể hóa và sửa đổi, bổ sung tại Quy chế số 07-QC/TU, ngày 19/12/2022 của Ban Thường vụ Thị ủy (khóa XI) sau Quy chế số 01-QC/TU, ngày 13/5/2019 và Quy chế số 02-QC/TU, ngày 13/9/2019 của Ban Thường vụ Thị ủy (khóa X) về Bí thư Thị ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Thông báo thời gian, địa điểm, phạm vi tiếp công dân của Bí thư Thị ủy tại Thị ủy La Gi, Trang thông tin điện tử của Thị ủy, Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã.
Vừa qua, Ban Thường vụ Thị ủy đã có Kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Quy định 11-QĐi/TW và Chỉ thị số 27-CT/TW. Mời bạn đọc cùng chờ xem kết quả thực hiện công tác này của thị xã La Gi trong bài đăng tiếp theo.