Song với sự quyết tâm trong chỉ đạo và điều hành, cùng với sự nổ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi đã tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những nội dung được thị xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; nhiều giải pháp triển khai và đạt kết quả tích cực. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, các cuộc vận động, phong trào, nhất là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Xây dựng Phường đạt chuẩn:“Đô thị văn minh” đạt được nhiều kết quả, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn thị xã…
Để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 29-CTHĐ/TU, ngày 11/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII); Ban Thường vụ Thị ủy La Gi (khóa IX) đã ban hành Kế hoạch số 107-KH/TU, ngày 05/8/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (viết tắt là Kế hoạch số 107-KH/TU). Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức sơ kết 05 năm([1]) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, gắn với thực hiện Chương trình hành động số 29-NQ/TU và Kế hoạch số 107-KH/TU, qua đó, đánh giá và tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong thời gian kế tiếp. Bên cạnh đó, hàng năm, thị xã đều tổ chức Hội nghị tổng kết ngành văn hóa, tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, qua đó, đánh giá nhiệm vụ thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
- Về huy động các nguồn lực đầu tư: Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thông tin trong những năm qua được đẩy mạnh, mức chi ngân sách của thị xã cho phát triển văn hóa chiếm 25% so với tổng chi ngân sách thị xã. Tỉnh hỗ trợ qua chương trình nông thôn mới qua các năm: 12 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn thị xã hiện có 01 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã; các công viên được đầu tư xây dựng, sửa chữa (21 tỷ) khang trang sạch đẹp hơn; có nhà thiếu nhi, thư viện; xã hội hóa, tư nhân có các sân bóng đá mini, hồ bơi, tennis, cầu lông, bóng bàn... Có 04 Trung tâm Văn hóa - Khu thể thao xã; có 64 nhà văn hóa thôn, khu phố thuộc 62/65 thôn, khu phố, có 02/05 phường đã thực hiện quy hoạch Trung tâm Văn hóa - Khu thể thao phường; có 01 cơ sở phát thanh thị xã, 01 xe tuyên tuyền lưu động; 9/9 xã, phường có trạm truyền thanh với 109 cụm/210 loa phát thanh trên địa bàn toàn thị xã; 07 điểm bưu điện văn hóa cấp xã, 01 bưu điện cấp thị xã.
- Về phát huy hiệu quả các thiết chế, văn hóa, thể thao:
Việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng được quan tâm; nâng cấp, phát huy tối đa công năng của Trung tâm Văn hóa, nhà thiếu nhi, thư viện, các Trung tâm Văn hóa ở các phường, xã, nhà sinh hoạt thôn, khu phố, tạo nơi sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng, người dân khang trang, sạch đẹp... Tạo điều kiện thuận về cơ sở vật chất nhằm phát triển các phong trào thể dục, thể thao ở thị xã, qua đó người dân tích cực rèn luyện thân thể, tăng cường thể lực, trí lực, nâng cao đời sống tinh thần.
Đã chỉ đạo gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Khuyến khích các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo...
Thị xã đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Đẩy mạnh việc trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, bia địa chỉ đỏ phục vụ giáo dục truyền thống; bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian như các lễ hội truyền thống nhằm gắn kết bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn thị xã La Gi có nhiều di tích được xếp hạng([2]), các lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân được tổ chức theo đáo lệ hàng năm([3]). Riêng Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022, hàng năm vào dịp tổ chức lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương cũng như thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch của thị xã.
Thị xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Chi hội Văn học - Nghệ thuật và các câu lạc bộ, các hội (Nhiếp ảnh, Thơ ca, chim hót, sinh vật cảnh…) hoạt động có hiệu quả, tạo ra nhiều loại hình, tác phẩm có giá trị và chất lượng. Chi Hội Văn học - Nghệ thuật của thị xã cũng đã xuất bản nhiều đầu sách với hàng trăm tác phẩm viết về quê hương La Gi. Một số ấn phẩm có giá trị nghệ thuật cao đã xuất bản như: “La Gi – Biển xanh nắng mới” do UBND thị xã xuất bản; tập sách Sự tích Dinh Thầy Thím; CD Ca Nhạc “Huyền Thoại Dinh Thầy Thím”; tập sách “Đất Xưa Bình Thuận” của Phan Chính; vở cải lương “Sự tích Thầy Thím” và nhiều tin, bài, hình ảnh khác…
Chỉ đạo chuyển mạnh các hoạt động, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, đưa sách báo về cơ sở đặc biệt là các xã xây dựng nông thôn mới như xã Tân Hải, Tân Tiến, Tân Bình, Tân Phước. Tiếp tục mở rộng giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các huyện, thành phố trong tỉnh thông qua chương trình “Liên hoan tiếng hát về nguồn” được tổ chức luân phiên hàng năm.
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn có mặt tồn tại, thiếu sót đó là:
- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người chưa thật đầy đủ; việc tổ chức thực hiện có lúc còn thiếu tập trung, chưa đồng bộ.
- Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong tình hình mới; chính sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ và còn hạn chế, nhất là công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Công tác bồi dưỡng nhân lực, các chính sách ưu đãi thu hút cán bộ làm công tác văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở còn thiếu, thường xuyên thay đổi.
Về nhiệm vụ trong thời gian đến, Ban Thường vụ Thị ủy xác định:
1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và vai trò vận động của Mặt trận các đoàn thể trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 29-NQ/TU và Kế hoạch số 107-KH/TU. Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đối với lĩnh vực văn hoá.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng. Tập trung tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, lòng yêu nước, yêu quê hương trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng đô thị văn minh, lịch sự, an ninh trật tự và cảnh quan sạch đẹp;...
3. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn địa phương và trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
4. Quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là các chuẩn mực văn hóa, đạo đức nghề nghiệp; tăng nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; có giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy các di tích, danh thắng của địa phương; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
5. Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc sai trái, âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng; triển khai đồng loạt các biện pháp ngăn chặn, bài trừ các tệ nạn xã hội, các sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tập trung xây dựng con người thị xã La Gi phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
6. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ làm công tác văn hóa; chú ý xây dựng đội ngũ trí thức; bồi dưỡng và tổ chức lực lượng sáng tác, quảng bá, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.
7. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
([1]) Báo cáo số 457-BC/TU, ngày 09/5/2019 của Ban Thường vụ Thị ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
([2]) Có 06 di tích được xếp hạng, công nhận: trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Di tích Lịch sử - Văn hóa Dinh Thầy Thím; Đình và Vạn Phước Lộc) có 04 di tích cấp tỉnh (Di tích Lịch sử - Cách mạng Dốc Ông Bằng, Thắng tích Hòn Bà, Di tích lịch sử - văn hóa Vạn Tân Phú, Di tích lịch sử - văn hóa Vạn Tân Long).
([3]) Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím (từ ngày 14 – 16/9 AL), Lễ hội Hòn Bà (từ 21 – 23/3 AL), Lễ hội Cầu ngư Đình và Vạn Phước Lộc (ngày 15/6 AL), Lễ hội Cầu ngư Vạn Tân Long (ngày 16/3 và 28/8 AL) và Lễ hội Cầu ngư Vạn Tân Phú (ngày 16/3 và 15/8 AL).